Những điều cần biết về nhựa phân hủy sinh học(Bio-Degradable plastics)

Một vài năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều loại túi được gán mác tự phân hủy sinh học hay tên tiếng Anh là Bio-degradable bag. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm phân hủy sinh học là gì và thực sự những túi có mặt trên thị trường có tự phân hủy sinh học hay không? Ở bài viết này, Add sẽ làm rõ hơn về vấn đề này để giúp người tiêu dùng có thể nhận biết và chọn lựa chính xác hơn túi tự phân hủy sinh học.

Quá trình phân rã và phân quá trình hủy sinh học của nhựa thường khiến người ta bị nhầm lẫn bởi kết quả của 2 quá trình này giúp túi hay sản phẩm làm từ nhựa sau bị chia thành các mảnh rất nhỏ, thậm chí mắt thường không thể nhìn thấy được.

Quá trình phân rã (degradable process): là quá trình mà cấu trúc polimer của nhựa bị bị bẻ gãy sau một thời gian tiếp xúc với ánh sáng, môi trường có độ ẩm… Nhựa sau khi bị phân rã cơ học sẽ chuyển biến thành những mảnh nhỏ micro-, hay nano-plastics và hoàn toàn không bị phân hủy hay chuyển đổi thành chất khác. Quá trình này thường diễn ra rất lâu, ví dụ như quá trình phân rã của một chiếc túi nylon có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm trong môi trường thiếu ánh sang, độ ẩm thấp. Trong trường hợp phân rã hoá học, nhựa phản ứng với oxi trong môi trường có độ ẩm và xúc tác của ánh sáng các phân tử polyplastic cũng có thể bị phân nhỏ và có thể tạo thành CO2 +H2O khi có đủ oxi và điều kiện tốt (Hình 1).

Quá trình phân hủy sinh học (Bio-degradable process): Là quá trình nhựa bị phân hủy nhờ vào enzim của vi sinh vật tiết ra giúp phân huỷ phân tử polyplastic thành CO2 và H2O. Quá trình này đòi hỏi thời gian rất lâu, để tăng thời gian và hiệu quả phản ứng của enzim người ta bổ sung vào một số phụ gia có hoạt tính sinh học để tạo ra các sản phẩm tự nhiên như H2O + CO2 và sinh khối trong một khoảng thời gian hợp lý, ví dụ như túi nhựa phân hủy sinh học có thể phân hủy gần như hoàn toàn sau có thể từ 3 đến 6 tháng. Thời gian cần thiết để phân hủy hoàn toàn phụ thuộc vào chất liệu, điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm và vị trí phân hủy (Hình 1).

 

Hình 1. Quá trình phân hủy sinh học của nhựa

Nhựa phân hủy sinh học Bio-degradable plastic có thể chia là 2 loại:

  • Oxo-biodegradable plastic: nhựa vẫn làm từ nguyên liệu gốc dầu mỏ truyền thống, được trộn thêm phụ gia đặc biệt như Alta, Chitosan, hay D2W để bắt nó phải phân rã. Phụ gia thường sử dụng để làm kết cấu của nhựa yếu đi và dễ dàng phân hủy nhanh hơn (Hình 2).
Hình 2. Quá trình phân hủy nhựa có nguồn gốc từ dầu mỏ
  • Hydro-biodegradable plastic: nhựa có nguồn gốc sinh học hay nhựa hữu cơ làm từ bột ngô, bột gạo, thực vật… Chúng cũng có thể phân hủy sinh học trong thời gian rất ngắn (Hình 3).
 

Hình 3. Quá trình phân hủy nhựa có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên

Tuy nhiên, một điều chúng ta cần phải chú ý nữa là không phải túi phân hủy sinh học là cứ vứt ra ngoài đất là túi sẽ tự hủy mà cần phải có môi trường thích hợp. Túi phân hủy sinh học thường được phân loại riêng để đem đi ủ trong các điều kiện khác như tùy theo loại túi như ủ trong môi trường công nghiệp (industrial composting), ủ tại nhà (home composting), ủ trong môi trường đất thường (Hình 4). Ngoài ra, tốc độ phân hủy sinh học cũng khác nhau dựa theo tỉ lệ trộn các chất phụ gia, cũng như giữa các môi trường nước biển. nước sông hồ, hay đất.

 

Hình 4. Quá trình ủ nhựa phân hủy sinh học

Như vậy là chúng ta đã hiểu nhựa hay túi phân hủy sinh học được tạo ra từ 3 khả năng: Khả năng 1: Thực vật như bột ngũ cốc + phụ gia. Khả năng 2: Nhựa truyền thống như PE/PP + thực vật + phụ gia. Khả năng 3: Nhựa truyền thống PE/PP + phụ gia. Phụ gia có thể rất đa dạng như Alta, Chitosan hay D2W, để định hình kết cấu hoặc để phân hủy/ phân rã nhanh hơn. Để phân biệt túi tự phân hủy sinh học, ngoài cách kiểm tra thành phân hóa học, và các bài test phân hủy sinh học, cách sơ bộ nhất là cách đốt. Nếu thấy sản phẩm dễ cháy, bốc khói trắng, tàn tan như tro thì là túi phân hủy sinh học và không có khí độc. Ngược lại, nếu khi đốt túi khó cháy, bốc khói, có mùi lạ, khét… đó là túi thường và có tính độc. Túi nylon tự hủy thường có màu trắng hoặc trong suốt, khi sờ vào trơn mượt. Tuy mỏng hơn nhưng loại túi này có độ dai, bền tương đương túi nylon truyền thống.

 

Hình 5. Các sản phẩm làm từ nhựa phân hủy sinh học

Về các chất phụ gia, ví dụ như Alta, Chitosan, và D2W, đã chính thức đưa vào sản xuất mặt hàng túi ni long phân hủy sinh học để phục vụ nhu cầu xuất khẩu trong nước cách đây vài năm. Nhưng cũng có thông báo cho thấy rằng các sản xuất trên chỉ là những thử nghiệm bước đầu, vẫn chưa có sản xuất thành thương phẩm đại trà với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó giá cả chưa hợp lý thường cao hơn khoảng 15~20% so với túi thông thường, thị trường chưa chấp nhận là nguyên nhân chủ yếu. D2W thuộc nhóm tự hủy sinh học Oxo-biodegradable được sản xuất đầu tiên bởi công ty Symphony Environmental Technologies tại Anh Quốc, khi sản xuất túi phân hủy chỉ cần trộn 1% tỉ lệ D2W tuy nhiên giá thành túi vẫn thường cao hơn 10~15%. Chitosan trước đây giá thành rất cao vì khó chiết xuất dưới dạng công nghiệp bởi đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và công nghệ chiết xuất tốt. Tại các siêu thị, túi đựng thực phẩm tự hủy sinh học do Việt Nam sản xuất có giá từ 50.000 đồng đến 90.000 đồng/cuộn, túi nhập khẩu từ châu Âu có giá từ 110.000 đồng/cuộn làm từ nhựa nguồn gốc sinh học Hydro-biodegradable plastic. Hiện nay, rất nhiều công ty trên thế giới đặc biệt tại Anh, Đức, Mỹ, Đài Loan, Úc đang nỗ lực không ngừng để hoàn thiện phương pháp chiết xuất các chất phụ gia với giá thành thấp hơn ở dạng sản lượng công nghiệp.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5–7 túi nylon/ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ… Hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau chung tay “Chống lại rác thải nhựa” một cuộc chiến chống rác thải toàn cầu để bảo vệ môi trường, cũng như ngôi nhà chung của chúng ta mãi xanh, sạch đẹp ngay từ hôm nay.

Nguồn: https://medium.com/sharetech/