Bối cảnh hình thành Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội:

Trong thập niên 1970 của thế kỷ XX, vấn đề môi trường cấp bách trên thế giới cần quan tâm giải quyết là tình trạng ô nhiễm do phát thải công nghiệp. Các vấn đề môi trường được quan tâm thảo luận ở các diễn đàn toàn cầu. Trong đó, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về con người và môi trường năm 1972 ở Stockhom (Thụy Điển) với sự tham gia của 113 quốc gia, là hành động đầu tiên đánh dấu nỗ lực chung của toàn nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề môi trường. Hội nghị này đã đưa ra tuyên bố về môi trường và con người, thỏa thuận về một chương trình hành động quốc tế rộng lớn. Đến ngày 15/12/1972, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) và Quỹ Môi trường được thành lập. Những năm sau đó, UNEP, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã ban hành Chiến lược bảo tồn thế giới, nhằm thúc đẩy các nước xây dựng chiến lược bảo tồn quốc gia cho đất nước mình. Ba mục tiêu chính về bảo tồn tài nguyên sinh vật được nhấn mạnh trong Chiến lược này gồm: (i) Duy trì những hệ sinh thái (HST) cơ bản và những hệ hỗ trợ sự sống (như cải tạo đất, tái sinh các nguồn dinh dưỡng, bảo về an toàn nguồn nước); (ii) Bảo tồn tính đa dạng di truyền; (iii) Bảo đảm sử dụng một cách bền vững các loài và các HST. Quan điểm PTBV lần đầu tiên được đề cập trong bản Chiến lược này.

Trong bối cảnh quốc tế bắt đầu quan tâm đến công tác BVMT, ở Việt Nam cũng đã triển khai các Chương trình KH&CN cấp Nhà nước về môi trường như: Chương trình sinh thái học phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp (1978-1980); Chương trình “Bảo vệ, phục hồi và sử dụng hợp lý TNTN và môi trường”, mã số 52-02 (1981-1985) do GS.VS. Nguyễn Đình Tứ làm Chủ nhiệm; GS.TS.NGND. Võ Quý và GS.TS. Lê Thạc Cán làm Phó Chủ nhiệm; Chương trình BVMT, mã số 52D (1986-1990) do GS.TS.NGND. Võ Quý làm Chủ nhiệm. Yêu cầu thực tiễn tại thời điểm đó đã đặt ra là cần một cơ quan thường trực để quản lý và điều phối các Chương trình này, đồng thời có những đơn vị đầu mối để triển khai các đề tài, dự án về lĩnh vực môi trường ở Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (gọi tắt là Trung tâm CRES) được thành lập ngày 15/11/1985 theo Quyết định số 1259/QĐ của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. Theo đó, Trung tâm CRES có chức năng và nhiệm vụ cơ bản là nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho công tác bảo tồn ĐDSH, quản lý và sử dụng hợp lý TNTN, BVMT theo hướng PTBV của đất nước.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm tham dự Hội nghị khoa học Sử dụng hợp lý TNTN và BVMT năm 1982

b) Cơ cấu tổ chức và các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường:

Ở giai đoạn mới được thành lập, Trung tâm CRES có lực lượng cán bộ khoa học còn rất hạn chế, chỉ với 10 cán bộ, sau đó tăng lên 14 cán bộ. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm CRES thời điểm này tương đối đơn giản và gọn nhẹ với Ban Giám đốc (gồm Giám đốc và 02 Phó Giám đốc) điều phối công việc chung và các cán bộ triển khai các hoạt động nghiên cứu theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Những nhiệm vụ đầu tiên thời kỳ này chủ yếu là làm đầu mối hỗ trợ các đề tài KH&CN thuộc Chương trình 52D (1986-1990) do GS.TS.NGND. Võ Quý là Chủ nhiệm, GS.TS. Lê Thạc Cán và GS.TS. Lê Trọng Cúc làm Phó Chủ nhiệm và PGS.TS. Phạm Bình Quyền làm Thư ký. Với đặc thù là một tổ chức KH&CN tự chủ toàn bộ về tài chính (không được cấp ngân sách Nhà nước cho quỹ lương và chi hoạt động bộ máy) ngay từ những ngày đầu thành lập. Với tư cách pháp nhân đầy đủ và chức năng, nhiệm vụ phù hợp cùng đội ngũ cán bộ có uy tín khoa học, Trung tâm CRES đã có nhiều cơ hội thuận lợi hợp tác với các bộ, ban, ngành của Trung ương, cũng như các địa phương trong hoạt động nghiên cứu KH&CN. Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN trong nước, thời kỳ này Trung tâm CRES đã bắt đầu chú trọng và đặt những tiền đề quan trọng cho việc mở ra các hợp tác quốc tế dựa trên nền tảng uy tín và quan hệ hợp tác của các nhà khoa học thuộc Trung tâm CRES và đã đạt được những kết quả hợp tác bước đầu đáng ghi nhận.

Sau một vài năm đi vào hoạt động, với những kết quả và kinh nghiệm nghiên cứu ban đầu thu nhận được từ Chương trình 52D, Trung tâm CRES đã bắt đầu xây dựng được các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học bằng nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực điều tra ĐDSH, quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và phục hồi TNTN. Thông qua hợp tác quốc tế, Trung tâm CRES đã tổ chức được một số khóa đào tạo sau đại học về tài nguyên và môi trường. Đây là những khóa đào tạo sau đại học đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam thời kỳ này, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp BVMT và PTBV của đất nước.

Hộp 1. Mô hình tổ chức của Trung tâm Đông Tây, Trường Đại học California ở Berkeley và bài học kinh nghiệp cho Trung tâm CRES:
Vào năm 1987, Trung tâm CRES được mời tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về “Sinh thái học Việt Nam” được tổ chức tại New York và thăm một số cơ sở nghiên cứu về môi trường của Mỹ. Đoàn cán bộ của Trung tâm CRES gồm 5 người là các GS.TS. Lê Thạc Cán, GS.TS. Lê Trọng Cúc, GS.TSKH.NGND. Phan Nguyên Hồng, GS.TS. Võ Tòng Xuân và tôi làm Trưởng đoàn. Lần đầu tiên đi công tác đến Mỹ, được
thăm Trung tâm Đông – Tây (East-West Center) ở Hawaii, một Trung tâm thật “bề thế”, không phải chỉ ở cơ sở làm việc, thư viện, mà có đến cả trăm người thuộc nhiều nước, nhiều dân tộc đang làm việc và nghiên cứu tại đây. Tôi thầm nghĩ, không biết đến khi nào Việt Nam mới có được một trung tâm như vậy. Điều mà sau này tôi mới được biết là số cán bộ cơ hữu của Trung tâm Đông – Tây cũng không quá chục người. Cơ quan tiếp theo mà chúng tôi đến thăm là Trung tâm Nghiên cứu Môi trường của Trường Đại học Tổng hợp Berkeley, một trường đại học khá nổi tiếng ở Mỹ. Lại một lần nữa, những gì thấy được ở đây đã làm tất cả chúng tôi choáng ngợp, cơ sở vật chất rất khang trang, cán bộ làm việc ở đây cũng rất nhiều. Tại đây, Trung tâm CRES và Trung tâm Môi trường đã ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác. Trong lễ ký kết hợp tác, ông Hiệu trưởng Trường Đại học Berkeley đặt câu hỏi: “Trung tâm CRES của ông có bao nhiêu cán bộ”; tôi trả lời một cách dè dặt là chúng tôi mới chỉ có 10 người. Ông Hiệu trưởng liền đáp lại: “Chúng tôi hết sức vinh dự được hợp tác với một Trung tâm rất lớn, vì Trung tâm của chúng tôi thực chất chỉ có ba người, tất cả những người khác đang làm việc tại Trung tâm đều là cộng tác viên”. Câu đáp lại đó đã làm cho chúng tôi giật mình: Thì ra, một đơn vị nghiên cứu khoa học lớn hay bé đâu phải là có số cán bộ nhiều hay ít, mà chính là công việc và các kết quả mà nó đã, đang và sẽ đóng góp cho xã hội. Những kinh nghiệm đầu tiên đó đã giúp chúng tôi trong nhiều năm liền phấn đấu tổ chức được nội dung hoạt động của Trung tâm CRES ngày càng phong phú và hợp lý, đáp ứng được phần nào yêu cầu của xã hội và dần tạo được uy tín với các tổ chức trong nước và bạn bè quốc tế.

Trích lời của GS.TS.NGND. Võ Quý

Từ những ngày đầu thành lập, với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ và phát huy tinh thần sáng tạo, Trung tâm CRES đã triển khai được một số hoạt động bước đầu về nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế về lĩnh vực BVMT, bảo tồn ĐDSH. Đồng thời, Trung tâm CRES đã có tư duy tự chủ về tài chính, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Điều này hình thành trong nhận thức và hành động của các cán bộ thuộc Trung tâm CRES qua các thời kỳ. Từ nhận thức này, các cán bộ khoa học của Trung tâm CRES luôn chủ động, sáng tạo trong công việc và đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Hộp 2. Tư duy tự chủ tài chính của Trung tâm CRES: Lúng túng và những khó khăn ngày đầu thành lập

 Vào năm 1985, tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có 7 trung tâm mới được thành lập, trong đó có Trung tâm Tài nguyên và Môi trường. Phần lớn các trung tâm đang lúng túng trong các hoạt động và nhất là chủ trương tự chủ về tài chính mà Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp đang khuyến khích thực hiện. Một dịp đến thăm và nói chuyện với cán bộ chủ chốt của Trường Đại học Tổng hợp, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã đề cập đến các trung tâm của Trường và vấn đề tự chủ tài chính. Bộ trưởng đã chỉ đạo: “Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hiện có 7 trung tâm, xem ra chỉ có 5 trung tâm có thể thực hiện được tự chủ tài chính, còn 2 trung tâm là Trung tâm Mác Lênin và Trung tâm CRES phải được hỗ trợ trong một vài năm đầu, vì hình như các trung tâm này không có công việc gì có thể làm ra tiền”. Nghe ý kiến đó của Bộ trưởng, GS.TS.NGND. Võ Quý đã khấp khởi mừng thầm vì như vậy CRES có thể giải quyết được những khó khăn đang gặp phải lúc bấy giờ. Nhưng khi được hỏi ý kiến, GS.TS.NGND. Võ Quý đã trả lời: “Chúng tôi xin cảm ơn Bộ trưởng đã có nhã ý giúp đỡ Trung tâm trong những năm đầu khó khăn, nhưng chúng tôi xin được hoãn việc giúp đỡ đó trong một vài năm để chúng tôi được thử sức là mình có thể nuôi được mình không”. Chính câu trả lời đó đã thúc đẩy tất cả 10 thành viên của Trung tâm CRES phấn đấu và đến nay đã tròn 35 năm, VNU-CRES tự hào là một trong số ít đơn vị tự chủ tài chính từ ngày đầu thành lập năm 1985, tuy có gặp không ít khó khăn.

 

Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập năm 1985. Năm 1995, CRES đã tái cơ cấu tổ chức và từ khi thành lập đến nay CRES đã trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau 25 năm phát triển, CRES đã đạt được những thành tựu quan trọng trong 4 lĩnh vực chính, bao gồm nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và dịch vụ về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

CRES đã tham gia tích cực vào các hoạt động sau: (i) xây dựng chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động về tài nguyên và môi trường; (ii) thực hiện các dự án/chương trình trong nước và hợp tácquốc tế; (iii) tổ chức các khóa tập huấn ngắn và dài hạn cho các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm các nhà hoạch định chính sách từ tất cả các tỉnh thành trong cả nước, và đặc biệt gần đây là chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về Môi trường trong phát triển bền vững. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào lộ trình nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà Chương trình Nghị sự 21 đã đề ra.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay của Đại học Quốc gia Hà Nội, CRES đã và đang tự hoàn thiện mình về mặt tổ chức và quản lý và CRES tin chắc rằng với những thành tích đã đạt được từ giai đoạn trước, với cơ chế tự hạch toán hiện nay, CRES sẽ vững bước trở thành một đơn vị liên ngành, có trình độ về khoa học và công nghệ.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, Trung tâm xin giới thiệu với bạn đọc 4 ấn phẩm sau:

– 25 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường;

– Kỷ yếu Hội thảo quốc gia về Môi trường và phát triển bền vững Lần thứ II;

– Bản báo cáo tóm tắt; và

– Danh mục các công trình khoa học 1985-2010 của các cán bộ của Trung tâm.

Cũng nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và các ban ngành, đoàn thể đã chỉ đạo và hỗ trợ Trung tâm kịp thời; tới các bộ, ngành liên quan, tới các đồng chí lãnh đạo và cộng đồng địa phương, tới các trường đại học, viện nghiên cứu và các cán bộ khoa học đã hỗ trợ và hợp tác với chúng tôi thực hiện các dự án nghiên cứu cũng như các hoạt động đào tạo. Tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học quốc tế đã tài trợ và hợp tác với chúng tôi. Nếu không có sự hỗ trợ và hợp tác này, có lẽ chúng tôi đã không thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay.

Hà Nội, tháng 11 năm 2010

Please wait while flipbook is loading. For more related info, FAQs and issues please refer to DearFlip WordPress Flipbook Plugin Help documentation.

 

Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo Quyết định số 1259/QĐ ngày 15/11/1985, trước đây trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trung tâm được tổ chức lại theo Quyết định số 269/TCCB ngày 05/8/1995 của Giám đốc ĐHQGHN sau khi sáp nhập Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái Rừng ngập mặn thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.
Để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Trung tâm được tái cấu trúc trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Biến đổi Toàn cầu (ICARGC) trực thuộc ĐHQGHN theo Quyết định số 61/QĐ-ĐHQGHN ngày 08/01/2014 của Giám đốc ĐHQGHN . Hiện tại, với Quy chế tổ chức và hoạt động mới, Trung tâm là đơn vị nghiên cứu KHCN trực thuộc ĐHQGHN, với tên
tiếng Anh là “Centre for Natural Resources and Environmental Studies – CRES”. 30 năm, thời gian cũng đủ dài để khẳng định tên tuổi của chính mình. Trung tâm tự hào là một đơn vị phát triển vững mạnh, hàng đầu trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong 3 lĩnh vực hoạt động chính. Đó là nghiên cứu khoa học; đào tạo sau đại học về khoa học môi trường và phát triển bền vững; đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và trung hạn về các vấn đề môi trường; tư vấn và dịch vụ khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Trung tâm đã tổ chức triển khai và tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động cụ thể sau: (i) xây dựng chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động về đa dạng sinh học và môi trường; (ii) thực hiện các dự án/chương trình trong nước và hợp tác quốc tế về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững; (iii) tổ chức các khóa tập  huấn ngắn hạn và trung hạn cho các nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm các nhà hoạch định chính sách và những cán bộ công tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ tất cả các bộ ngành các địa phương trong cả nước; (iv) tổ chức tuyển sinh và triển khai công tác đào tạo sau đại học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ khoa học môi trường, mã số thí điểm “Môi trường và Phát triển bền vững”. Những hoạt động này đã góp phần quan trọng vào việc khẳng định uy tín và thương hiệu của Trung tâm – CRES, trong các tổ chức khoa học và các nhà hoạt động môi trường trong nước và quốc tế, góp phần khẳng định và lan tỏa giá trị thương hiệu VNU của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong giai đoạn phát triển để sớm trở thành một đại học nghiên cứu tầm khu vực và thế giới của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay, Trung tâm cũng đã có những bước phát triển mới, tái cấu trúc về mặt tổ chức và quản lý để trở thành một đơn vị có quy mô tổ chức lớn hơn, mang tính liên ngành sâu sắc, có trình độ cao hơn về khoa học và công nghệ môi trường.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Trung tâm xin giới thiệu với bạn đọc các ấn phẩm :

– 30 năm Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường; 

– Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ 3 về “Môi trường và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”;

– Danh mục các công trình khoa học 1985-2015 của các cán bộ Trung tâm.

Cũng nhân dịp này, Trung tâm xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội và các ban ngành, đoàn thể đã chỉ đạo và hỗ trợ Trung tâm trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển; tới các bộ, ngành, các địa phương, tới các trường đại học, viện nghiên cứu và các cán bộ khoa học, đặc biệt là các đồng nghiệp trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững đã hỗ trợ và hợp tác với Trung tâm thực hiện các dự án nghiên cứu cũng như các hoạt động đào tạo. Trung tâm cũng xin chân thành cảm ơn các cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học quốc tế đã tài trợ và hợp tác để có được những thành tựu và sự phát triển như ngày hôm nay.

Hà Nội, tháng 11 năm 2015

Please wait while flipbook is loading. For more related info, FAQs and issues please refer to DearFlip WordPress Flipbook Plugin Help documentation.

 

Viện Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là VNU-CRES) là viện nghiên cứu khoa học,cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHNlập theo Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ); được thành trên cơ sở là nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc ĐHQGHN. Đến nay, VNU-CRES đã xây dựng được thương hiệu uy tín quốc gia và quốc tế trong nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, đào tạo sau đại học và tư vấn chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN), bảo vệ môi trường (BVMT), biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững (PTBV). Để có được vị thế như ngày nay, VNU-CRES đã trải qua 35 năm xây dựng và phát triển (1985-2020), với các giai đoạn lịch sử ghi dấu ấn quan trọng: (1) Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1985-1995); (ii) Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc ĐHQGHN (1995-2016); (3) VNU-CRES thuộc ĐHQGHN (từ ngày 17/11/2016).

Trong 35 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và các nhà khoa học của VNU-CRES với tinh thần tự chủ đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn, quyết tâm vượt qua các thử thách và nhiệt huyết vươn lên để từng bước trưởng thành, xây dựng thương hiệu “CRES” uy tín quốc gia và quốc tế. VNU-CRES đã đạt được nhiều thành tựu và đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo tồn ĐDSH, quản lý và sử dụng hợp lý TNTN, BVMT, ứng phó với BĐKH và PTBV đất nước. Với mạng lưới hơn 600 học viên và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp, VNU-CRES đã khẳng định là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao uy tín trong cả nước và quốc tế.

Từ khi thành lập năm 1985 đến nay, VNU-CRES luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo ĐHQGHN, sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ quý báu của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế, VNU-CRES đã không ngừng phát triển và đóng góp tích cực vào những thành tựu trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Với tinh thần “ĐỔI MỚI – SÁNG TẠO – PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”, VNU-CRES có sứ mệnh phấn đấu trở thành viện nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và đào tạo sau đại học liên ngành hàng đầu quốc gia và thế giới; là đầu mối tập hợp nguồn nhân lực KH&CN trong và ngoài ĐHQGHN, trong nước và quốc tế để giải quyết những vấn đề, nhiệm vụ lớn của đất nước về bảo tồn ĐDSH, quản lý và sử dụng hợp lý TNTN, BVMT, ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước trên quan điểm PTBV và bao trùm.

Trong nền kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ các nhà khoa học của VNU-CRES luôn chủ động đổi mới và sáng tạo, tiên phong vận dụng tiếp cận liên ngành, tiếp cận sinh thái xã hội và nhân văn, tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận đồng quản lý và chia sẻ lợi ích, tiếp cận PTBV trong nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, tư vấn chính sách về bảo tồn ĐDSH, quản lý và sử dụng hợp lý TNTN, BVMT và ứng phó với BĐKH. Với Chiến lược phát triển chung của ĐHQGHN trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành tiên tiến ngang tầm khu vực và quốc tế, VNU-CRES đang tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu tổ chức và phương thức quản lý để phát triển đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập, VNU-CRES xin trân trọng giới thiệu với Quý bạn đọc ấn phẩm: Viện Tài nguyên và Môi trường – 35 năm xây dựng và phát triểnnhằm ghi dấu chặng đường 35 năm qua, bày tỏ sự tri ân và tôn vinh những cống hiến, công lao của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức và các cộng tác viên qua các thời kỳ, đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của VNU-CRES. Đồng thời, động viên, hun đúc và gợi lên những suy ngẫm về trách nhiệm cho các thế hệ sau tiếp tục phấn đấu không ngừng vì sự phát triển của Viện trong những chặng đường phía trước.

Nhân dịp này, VNU-CRES xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo ĐHQGHN, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, mạng lưới các cộng tác viên đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi và hợp tác chặt chẽ với VNU-CRES trong suốt thời gian qua. VNU-CRES cảm ơn các tổ chức quốc tế đã hợp tác và tài trợ cho Viện suốt 35 năm qua. VNU-CRES mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và hợp tác của các cơ quan, tổ chức và các nhà khoa học trong những năm tới vì mục tiêu bảo tồn ĐDSH, quản lý và sử dụng hợp lý TNTN, BVTM, ứng phó thành công với BĐKH và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về PTBV.

Trong cuốn Kỷ yếu này, chúng tôi không thể đề cập đầy đủ mọi hoạt động của VNU-CRES trong 35 năm qua, mà cố gắng khái quát những nét chính và các kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển Viện. Ban biên tập xin chân thành cảm ơn các cán bộ đã và đang công tác tại VNU-CRES đã cung cấp những tư liệu và đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình biên soạn cuốn kỷ yếu này. Do điều kiện thời gian và tư liệu hiện có nên không thể tránh khỏi những thiếu sót, khiếm khuyết về cả nội dung và hình thức. Ban biên tập rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và tư liệu bổ sung của quý vị, đồng nghiệp để có thể hoàn thiện cuốn kỷ yếu trong những lần xuất bản tiếp theo./.

Hà Nội, ngày tháng 11 năm 2020

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

VIỆN TRƯỞNG

Lưu Thế Anh

Please wait while flipbook is loading. For more related info, FAQs and issues please refer to DearFlip WordPress Flipbook Plugin Help documentation.