Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho sản phẩm miến dong tỉnh Bắc Kạn

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho sản phẩm miến dong riềng truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và lợi ích quốc gia, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội được giao chủ trì thực hiện Đề tài KH&CN cấp Quốc gia “Nghiên cứu xây dựng chỉ dẫn địa lý cho miến dong riềng đỏ tại tỉnh Bắc Kạn” thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Thực hiện các nội dung nghiên cứu của Đề tài, từ năm 2020, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, cùng các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện của tỉnh Bắc Kạn tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” cho các sản phẩm miến dong riềng của những cơ sở sản xuất, chế biến miến dong trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Sân phơi miến dong riềng của HTX miến dong Tài Hoan, huyện Na Rì

Ngày 29/4/2021, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1253/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00106 cho sản phẩm Miến dong “Bắc Kạn”. Đây là sản phẩm thứ ba của tỉnh Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sau sản phẩm Hồng không hạt và Quýt Bắc Kạn. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Đây là sản phẩm miến dong đầu tiên của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

            Khu vực địa lý đăng ký bảo hộ như sau:

– Khu vực sản xuất miến dong: Tỉnh Bắc Kạn;

            – Khu vực trồng củ dong riềng nguyên liệu gồm:

            1) Các xã Dương Quang, Nông Thượng, Sông Cầu, thuộc thành phố Bắc Kạn;

            2) Các xã Ăn Thắng, Bằng Thành, Bộc Bố, Cở Linh, Cao Tân, Công Bằng, Giáo Hiệu, Nghiên Loan, Nhạn Môn, Xuân La thuộc huyện Pắc Nặm;

            3) Các Xã Bành Trạch, Cao Thượng, Cao Trĩ, Khang Ninh, Mỹ Phương, Nam Mẫu, Phúc Lộc, Quảng Khê, Thượng Giáo, Yến Dương thuộc huyện Ba Bể;

            4) Các xã Cốc Đán, Nà Phặc, Trung Hòa thuộc huyện Ngân Sơn;

            5) Các xã Cap Sơn, Đôn Phong, Dương Phong, Mỹ Thanh, Quang Thuận, Sĩ Bình, Tú Trĩ, Vi Hương, Vũ Muộn thuộc huyện Bạch Thông;

            6) Các xã Bằng Lãng, Bằng Phúc, Bình Trung, Đại Sảo, Đông Viên, Lương Bằng, Ngĩa tá, Phong Huân, Yên Mỹ, Yên Nhuận thuộc huyện Chợ Đồn;

            7) Các xã Mai Lạp, Quảng Chu, Tân Sơn, Thanh Mai, Thanh Vận, thuộc huyện Chợ Mới;

            8) Các xã Côn Minh, Cư Lễ, Cường Lợi, Dương Sơn, Hảo Nghĩa, Hữu Thác, Kim Hỷ, Kim Lư, Lạng San, Lam Sơn, Lương Hạ, Lương Thành, Văn Học, Văn Minh, Vũ Loan, Xuân Dương, Yến Lạc thuộc huyện Na Rì.

Bản đồ đăng ký chỉ dẫn địa lý miến dong Bắc Kạn

Ảnh: Lưu Thế Anh

Tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm:

1) Đặc thù về hình thái:

– Màu sắc: Trắng xám sáng, hơi đục, hơi ánh vàng;

            – Trạng thái: Khô dai.

2) Đặc thù về chất lượng:

            – Hàm lượng tro không tan: 0,030-0,036%;

            – Hàm lượng vitamin B1: 6,17-9,04 µg/100 g tinh bột.

            Tính chất đặc thù của nguyên liệu thô:

            1) Miến dong Bắc Kạn là sản phẩm được chế biến từ 100% củ dong riềng nguyên liệu được trồng tại các địa phương của tỉnh Bắc Kạn. Củ dong riềng nguyên liệu có các đặc thù sau:

            – Hàm lượng tinh bột: 19,51-22,38%;

            – Hàm lượng Vitamin B1: 6,60-8,06 µg/100 g tinh bột.

            2) Khu vực địa lý trồng củ dong riềng nguyên liệu có điều kiện đặc thù về thổ nhưỡng như sau:

            – pHKCl: 3,52-7,62;

            – Các bon hữu cơ (OC): 5,02-15,08%;

            – P dễ tiêu: 1,26-19,95 mg P2O5/100 g;

            – K dễ tiêu: 1,92-12,21 mg K2O/100 g;

            – Hàm lượng cát: 28,86-82,88%;

            – Dung lượng cation trao đổi (CEC): 5,10-21,70 ldl/100 g.

Nghề làm miến dong riềng của đồng bào miền núi tỉnh Bắc Kạn đã có truyền thống từ những năm 1960. Bí quyết trong nghề sản xuất miến dong Bắc Kạn là được làm từ 100% bột dong riềng trồng tại địa phương, kỹ thuật đánh đủ bột chín, sử dụng nước sạch để chế biến, hoàn toàn không được sử dụng hóa chất, không sử dụng phẩm màu. Đồng thời, việc chọn củ dong riềng nguyên liệu rất kỹ lưỡng, yêu cầu khắt khe trong kỹ thuật ủ bột, tráng, cắt sợi miến dong, phơi,… đã làm nên sợi miến dong thành phẩm trong, có độ ánh, dai, khi nấu sợi miến không bị nát, không bị trương, có độ giòn và mềm, mùi thơm đặc trưng. Một trong những bí quyết truyền thống tạo nên chất lượng và danh tiếng của các sản phẩm miến dong riềng Bắc Kạn là sợi miến được phơi trong điều kiện tự nhiên, không được sấy hay bảo quản bằng hóa chất.

Người thợ đang đưa sợi miến lên sào để phơi

Ảnh: Lưu Thế Anh

Sản phẩm miến dong riềng của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt sản phẩm OCOP (như sản phẩm miến của HTX Tài Hoan đạt 4 sao) và đã bắt đầu được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc. Cây dong riềng đã trở thành cây trồng chủ lực, miến dong riềng đã trở thành sản phẩm hàng hóa góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc của tỉnh Bắc Kạn. Nghề sản xuất miến dong riềng đã tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 03/02/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký Quyết định số 149/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị dong riềng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2023. Việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm miến dong riềng của Bắc Kạn hiệu quả, gia tăng danh tiếng, uy tín và thương hiệu của sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh trạnh của các sản phẩm miến dong riềng Bắc Kạn và hướng tới thị trường xuất khẩu.

Củ dong riềng được lựa chọn kỹ để chế biến bột dong nguyên liệu

Ảnh: Lưu Thế Anh

Bột dong riềng được ủ trước khi đưa vào công đoạn hồ hóa

Ảnh: Lưu Thế Anh

Công đoạn hồ hóa tinh bột trong chế biến miến dong riềng

Ảnh: Lưu Thế Anh

Bánh trang được phơi trên phên tre trước khi cắt thành sợi miến dong

Ảnh: Lưu Thế Anh

Miến dong riềng được phơi tự nhiên sau khi cắt thành sợi

Ảnh: Lưu Thế Anh

Các sản phẩm miến dong riềng tỉnh Bắc Kạn tham gia triển lãm

Nguồn: Sưu tầm