Vừa qua, anh Nguyễn Văn Thành – cán bộ nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nôi – đã có chuyến đi thực địa tại khu vực rừng Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi chuyến thực địa kết thúc khoảng 7 ngày, anh Nguyễn Văn Thành bắt đầu có dấu hiệu bị sốt cao, kèm nhiều cơn rét run, đau đầu, đau vùng vai gáy, không rõ nguyên nhân.

Khi các cơn sốt và đau đầu kéo dài khoảng 03 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm, anh Thành đã đến kiểm tra và điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, anh vẫn không giảm sốt và giảm đau đầu. Bệnh viên đã chuẩn đoán loại trừ là không phải sốt xuất huyết, nhưng nguyên nhân gây ra cơn sốt và đau đầu vẫn không được xác định. Sau đó, anh đã được chuyển sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và được xét nghiệm chuẩn đoán do nhiễm khuẩn Rickettsia, đối tượng truyền bệnh có thể là do một loài côn trùng thường gọi là con Mò và  đã được điều trị thuốc đặc hiệu. Sau 1 tuần được tích cực điều trị, lâm sàng cải thiện tốt, anh Thành đã hết sốt sau 02 ngày điều trị, tự thở tốt, cơn đau đầu thuyên giảm rõ rệt.

Sốt mò là một bệnh nhiễm trùng cấp tính, cũng có thể diễn biến bán cấp, tác nhân của bệnh do một loài vi khuẩn có tên khoa học là Orrientia Tsutsugamushi gây ra. Loài mò Leptotrombidium trong quá trình sinh trưởng sẽ tạo ra ấu trùng, người bị bệnh là do lây mầm bệnh từ ấu trùng này truyền sang khi đốt người. Bệnh có biểu hiện trên lâm sàng là sốt, có vết loét trên da, phát ban và nổi hạch toàn thân. Nếu để bệnh diễn biến tự nhiên mà không được điều trị, người bệnh sẽ dễ có những biến chứng nặng, điển hình là suy đa tạng và rối loạn đông máu và có thể dẫn tới tử vong. Bệnh thường có biểu hiện sốt kéo dài, dễ nhầm với các bệnh khác như thương hàn, sốt rét, dịch hạch. Khi bị mò đốt vết loét được mô tả có dạng tròn hoặc bầu dục, không đau, không ngứa, kích thước 0,5-2cm, có viền đỏ và nổi gờ trên mặt da, ở giữa đóng vảy đen. Vị trí kín đáo, hay gặp ở các nếp gấp trên da như nách, bẹn, cổ, khủy tay, khoeo chân, bìu, nếp rốn, mi mắt… Thông thường chỉ có một vết loét đơn độc trên người và người thăm khám phải khám rất kỹ mới tìm ra được (Nguồn: https://medlatec.vn/tu-dien-benh-ly/rickettsia-sot-mo-smkXE).

(Nguồn: Https://medlatec.vn/tu-dien-benh-ly/rickettsia-sot-mo-smkXE)

Theo Đại tá, TS.BS.TTUT Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện TƯ Quân đội 108 chia sẻ và khuyến cáo: “Biến chứng của sốt mò rất nguy hiểm kéo theo tổn thương đa tạng như: Viêm cơ tim, trụy tim mạch. Đông máu nội mạc rải rác. Viêm phổi nặng, suy hô hấp. Viêm não và màng não. Suy gan cấp, tăng men gan. Sốc nhiễm khuẩn. Suy thận Xuất huyết nội tạng.

Đây là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính và tương đối nguy hiểm, do đó khi đi điều tra thực địa tại các khu vực rừng núi, đề nghị các cán bộ nghiên cứu lưu ý  phát quang bụi rậm, vệ sinh sạch sẽ nơi hạ trại, nơi nghỉ chân, xịt bôi thuốc diệt côn trùng, giặt quần áo sau một ngày sử dụng nhằm phòng tránh ấu trùng mò cắn đốt.

Tags: ,