Từ ngày 1 đến 10 tháng 9 năm 2016, tại thành phố Honolulu, thủ phủ của bang Hawaii, Mỹ, đã diễn ra Đại hội Bảo tồn thế giới lần thứ sáu của IUCN với chủ đề “Trái đất tại ngã tư”, nhằm xác định con đường cho bảo tồn thiên nhiên thế giới trong tương lai.

Tham dự Đại hội có trên 10.000 đại biểu, đến từ 190 quốc gia trên thế giới, bao gồm các nhà lãnh đạo, đại diện các chính phủ, học viện, nhóm dân tộc bản địa, các doanh nghiệp và các nhà bảo tồn…

Chủ đề của Đại hội lần này là “Trái đất tại ngã tư”, nhằm nhấn mạnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức lớn và cần có những lựa chọn hành động phù hợp để cải thiện tình trạng suy thoái môi trường đất, nước và các hệ sinh thái, nhằm hướng tới một hành tinh xanh tràn đầy sức sống.

Đại hội diễn ra với hai phần: Phần 1: Diễn đàn bảo tồn, từ ngày 1 đến 5 tháng 9; và Phần 2: Đại hội, từ ngày 6 đến 10 tháng 9.

Đại hội năm nay tập trung ưu tiên cho bảo tồn, phát triển bền vững và môi trường. Sáu kiến nghị chủ yếu được xác định cho cuộc tranh luận tại Đại hội là: (i) Khu bảo tồn và các khu vực khác có tầm quan trọng về đa dạng sinh học trong mối liên quan với phát triển hạ tầng và các hoạt động công nghiệp gây tổn hại môi trường; (ii) Thúc đẩy bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trong các khu vực vượt ngoài thẩm quyền quốc gia; (iii) Nguồn vốn tự nhiên; (iv) Chính sách của IUCN về bồi hoàn đa dạng sinh học; (v) Nâng cao tiêu chuẩn về du lịch sinh thái; và (vi) Giảm thiểu tác động của việc phát triển cây cọ dầu đến đa dạng sinh học.

Tại Đại hội, các Hội đồng thành viên của IUCN đã xác định các mối quan tâm và xu hướng quan trọng trong việc bảo tồn và định hướng công việc của tổ chức cho những năm tới. Hội đồng thành viên cũng đã thảo luận về những thách thức bảo tồn và phát triển bền vững cấp bách nhất của thế giới. Những chính sách và các sáng kiến cho các công ước quốc tế về bảo tồn toàn cầu quan trọng nhất trong suốt 68 năm qua mà Hội đồng thành viên đã đưa ra, đó là: Công ước Di sản thế giới, Công ước Ramsar, Danh sách Đỏ IUCN về các loài bị đe dọa, Công ước quốc tế về Buôn bán các loài động thực vật hoang dã (CITES) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD).

Tham dự Đại hội lần này, đoàn Việt Nam có 21 đại biểu, trong đó 6 đại biểu tham dự với danh nghĩa là hội viên. TS. Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) tham dự Đại hội với tư cách là đại diện của CRES (là hội viên của IUCN) và Chủ tịch Ủy ban IUCN Việt Nam. Được biết, chỉ các thành viên được công nhận mới có tư cách bỏ phiếu để thông qua các báo cáo và kiến nghị cũng như bầu chủ tịch của các tiểu ban, trưởng đại diện của các khu vực, cũng như Chủ tịch nhiệm kỳ 2017-2020 của IUCN.

Qua 8 phiên làm việc toàn thể, Đại hội đã thông qua Chương trình hoạt động 2017-2020 của IUCN và các tiểu ban, lựa chọn các hành động ưu tiên, bầu các vị trí chủ chốt của IUCN, trong đó có 28 thành viên Hội đồng và Chủ tịch IUCN nhiệm kỳ 2017-2020.

Với bản Cam kết Hawaii, Đại hội đã khẳng định, chúng ta đang đối mặt với những vấn đề phức tạp, các giá trị không đồng nhất và một tương lai bất ổn. Trong bối cảnh đó, cần tăng cường hợp tác hơn nữa để thực hiện các hoạt động bảo tồn và gìn giữ môi trường với tầm vóc tương xứng. Cần có các hoạt động đối thoại toàn cầu sâu, rộng hơn về mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên, huy động các hành động chung, đồng thời đưa ra các giải pháp dựa vào thiên nhiên một cách công bằng, đúng đắn và lâu dài.