Ngày 28/03/2023, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐHQGHN đã tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về tác động của đại dịch Covid-19 tại tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Lạng Sơn” (Final Workshop Key research findings on the impact of the Covid-19 pandemic in Dien Bien, Lao Cai and Lang Son province) tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Viện Tài nguyên và Môi trường và các đại biểu đến từ Sở TNMT, Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai; Phòng TNMT, Phòng NN&PTNT, Chi cục Thống Kê huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai; Phòng GDĐT, phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn; người dân các thôn Pá Bông xã Núa Ngam, thôn Na Hai xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, thôn Lênh Sui Thàng, xã Lùng Thẩn, phòng Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai; thôn Nà Chà Song Áng, xã Hồng Phong, thôn Còn Háng, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Mục đích của hội thảo nhằm cung cấp thông tin đồng thời thảo luận với các bên liên quan các cấp về cách thức huy động các nguồn lực để hỗ trợ tốt nhất các hộ gia đình sau đại dịch Covid-19 nhằm trực tiếp mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là khi phải đối phó với các đại dịch tương tự trong tương lai.

PGS. TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng và GS. TS. Fabrice Renaud chủ nhiệm đề tài phía ĐH Glasgow, Anh, TS. Lê Thị Vân Huệ chủ nhiệm đề tài phía Viện TN&MT, phát biểu khai mạc cho hội thảo, trong đó cảm ơn sự tham gia của các đối tác tại Lào Cai, Lạng Sơn và Điện Biên tham dự hội thảo và đóng góp ý kiến của mình cho các kết quả nghiên cứu.

Các thành viên tham gia đã lắng nghe các bài trình bày kết quả nghiên cứu thuộc các lĩnh vực như:

  • Bài trình bày về nghiên cứu chính sách trong nghiên cứu: tập trung vào chính sách từ trung ương đến địa phương nhằm hỗ trợ người dân trong việc ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19
  • Bài trình bày về khía cạnh sinh thái trong nghiên cứu: những thay đổi của môi trường dưới tác động của COVID-19. Kết quả cho thấy tại Điện Biên và Lạng Sơn, ít có sự thay đổi về độ che phủ rừng trước và sau COVID. Tuy nhiên ở Lào Cai thì sự thay đổi này khá lớn khi người dân mất việc làm do COVID-19 tập trung nhiều vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp do vậy độ che phủ rừng tăng lên.
  • Bài trình bày về mô hình các mối quan hệ: thể hiện mối tương tác giữa các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội dưới tác động của COVID tại các tỉnh nghiên cứu.
  • Bài trình bày về khuyến nghị chính sách: Nhóm nghiên cứu tổng hợp và trình bày các kết quả chính của nghiên cứu và các khuyến nghị về chính sách

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đồng ý với các kết quả nghiên cứu và tham gia làm rõ thêm luận điểm thông qua các câu chuyện từ địa phương mình như tác động của COVID-19 đến đầu ra của sản phẩm nông nghiệp; những khó khăn mà người dân gặp phải khi đóng cửa biên giới do tác động của COVID-19 khiến người dân không có công việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và sinh hoạt hộ gia đình.

Ngoài ra, các đại biểu đề xuất một số bổ sung trong khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân địa phương vượt qua những tác động của đại dịch COVID-19 như: hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ hệ thống kênh mương để phát triển nông nghiệp; hỗ trợ phát triển hệ thống thu gom rác thải tại vùng sâu vùng xa; có chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy việc làm hợp pháp tại các quốc gia biên giới như Lào và Trung Quốc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

(Nguồn ảnh: Nguyễn  Hoàng Yến, thành viên nghiên cứu Dự án)

Tags: , , , ,