Viện Tài nguyên và Môi trường kiểm tra công tác chăm sóc và bảo vệ rừng trồng tại Vườn Quốc gia Ba Vì thuộc Dự án phục hồi rừng do Quỹ Môi trường AEON, Nhật Bản tài trợ

Ngày 23/8/2019, Đoàn công tác của Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-CRES) do Viện trưởng Lưu Thế Anh dẫn đầu đã thực hiện kiểm tra công tác chăm sóc và bảo vệ 15 ha trong tổng số 35 ha cây rừng bản địa được trồng tại VQG Ba Vì trong khuôn khổ hợp tác thực hiện Dự án phục hồi rừng do Quỹ Môi trường AEON (Nhật Bản) tài trợ, VNU-CRES là đơn vị chủ trì thực hiện từ năm 2014 – 2019. Khu vực kiểm tra lần này được trồng năm 2016, nằm tại Lô 7a, Khoảnh 7, Tiểu khu 6 thuộc Phân khu Phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Ba Vì, thuộc xóm Muồng Cháu, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Các loài cây bản địa chính được trồng có giá trị đa dạng sinh học cao nhưu bao gồm Bách xanh (Calocedrus macrolepis), Chò chỉ (Parashorea chinensis), Sảng (Sterculia alata), Dẻ (Quercus), Gội xanh (Aglaia perviridis), Giổi (Manglietia glauca), Lát hoa (Chukrasia taburaris), Lim xanh (Erythrophloeum fordii), Vàng anh (Saraca dives).

Trong buổi làm việc, Lãnh đạo của VNU-CRES và VQG Ba Vì đã nhìn nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án; các loài cây bản địa được lựa chọn rất thích hợp với điều kiện sinh thái để phục hồi các trạng thái rừng nghèo kiệt, đất sau nương rẫy. Sau 4 năm trồng và chăm sóc, tỷ lệ cây sống lên tới 95% với mức sinh trưởng tốt. Trên diện tích 15 ha rừng trồng năm 2016, các cây đều đạt độ cao trung bình từ 3 – 4 mét, đặc biệt một số cây đạt tới độ cao 6 -7 m như Gội xanh hay Lát hoa.

Lãnh đạo VNU-CRES và VQG Ba Vì thảo luận và đánh giá kết quả Dự án (ảnh trái) và Bảng lưu niệm ghi nhớ sự hợp tác giữa VNU-CRES, VQG Ba Vì và Quỹ Môi trường AEON (ảnh phải)

Hoạt động làm cỏ, vun gốc và bón phân bổ sung cho rừng trồng hàng năm

Các nguyên tắc và yêu cầu kỹ thuật trồng rừng, như chất lượng cây giống, kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc rừng đã tuân thủ đúng Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây bản địa của Dự án xây dựng. Hoạt động trồng và chăm sóc rừng được BQL Dự án giám sát và đánh giá chặt chẽ. Trong đó, yêu cầu về mật độ trồng trung bình từ 400-600 cây/ha tùy rừng loài cây; chăm sóc rừng trồng sau khi trồng trong 3 năm tiếp, mỗi năm tiến hành làm cỏ, vun gốc và bón phân từ 2 – 3 lần nhằm đảm bảo cho cho cây rừng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Dự kiến, rừng trồng sẽ tạo giá trị đa dạng sinh học cao như rừng nguyên sinh trong khoảng 30 – 40 năm tới.

Cây rừng trồng năm 2016 sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, chiều cao trung bình đạt 4 – 5 mét, một số cây cao tới 6 – 7 mét và chuẩn bị khép tán.

Làm cỏ, vun gốc và bón phân bổ sung cho rừng trồng năm 2016

Tàn dư thực vật (cỏ và cây dại) được tận dụng tủ gốc cây và phủ bề mặt đất nhằm giữ ẩm và hạn chế xói mòn đất

Chốt bảo vệ rừng của VQG Ba Vì

Như vậy, việc kiểm tra công tác chăm sóc trồng cây bản địa nêu trên là một hoạt động thường niên của Viện Tài nguyên và Môi trường trong chuỗi các hoạt động của Dự án. Mục tiêu của Dự án nhằm phục hồi các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học trong Phân khu phục hồi sinh thái của VQG Ba Vì, tập trung vào 03 hoạt động chính: (1) Trồng 35 ha rừng với các loài cây bản địa trên các diện tích rừng nghèo kiệt và đất sau nương rẫy tại phân khu phục hồi sinh thái của VQG Ba Vì; (2). Tổ chức Lễ phát động trồng rừng với sự tham gia rộng rãi của cán bộ, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, VQG Ba Vì và các doanh nghiệp Nhật Bản làm việc tại Việt Nam; (3) Những hoạt động hỗ trợ như tổ chức giáo dục môi trường cho học sinh các trường phổ thông và hỗ trợ phát triển các vườn cây thuốc Nam tại các xã vùng đệm của VQG Ba Vì.

Việc trồng rừng được tổ chức trong 3 năm liên tiếp từ năm 2014-2016, kèm theo 3 năm kế tiếp cho công tác bảo vệ và chăm sóc rừng. Lễ phát động hàng năm thường thu hút trên 500 tình nguyện viên tham gia trồng rừng, trong đó có khoảng 250 cán bộ của các doanh nghiệp Nhật Bản, 250 cán bộ, giảng viên, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, các cán bộ của VQG Ba Vì và học sinh các xã xung quanh.

Quang cảnh buổi lễ trồng rừng và phát biểu của Ngài Takuya Okada, Chủ tịch Quỹ Môi trường AEON tại buổi lễ phát động trồng rừng năm 2015

Các tình nguyện viên được đội cồng chiêng dân tộc bản địa đón chào và toàn cảnh lễ hội trồng rừng

Lãnh đạo của Quỹ, CRES và VQG Ba Vì tham gia hoạt động trồng rừng

Dự án có vai trò quan trọng và ý nghĩa thực tiễn trong nâng cao chất lượng các hệ sinh thái rừng bằng các loài cây bản địa phù hợp với điều kiện lập địa của VQG Ba Vì. Dự án đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các Đại học Quốc gia Hà Nội, các doanh nghiệp của Nhật Bản và học sinh của các trường phổ thông xung quanh VQG Ba Vì tham gia trồng cây cũng như người dân địa phương tham gia chăm sóc cây trồng, mà qua đấy nâng cao ý thức bảo vệ mội trường cho cộng đồng.

Diện tích cây rừng được trồng năm 2014 và 2015 đã khép tán và ngày càng xanh tốt.

Nhà tài trợ (Quỹ môi trường AEON) đánh giá rất cao kết quả đã đạt được của dự án ở các khía cạnh: (i) Phục hồi thành công 35 rừng trên đất sau nương rẫy bằng các loài cây bản địa có giá trị đa dạng sinh học và kinh tế cao; (ii) Nâng cao nhận thức của người dân địa phương và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; (iii) Cải thiện sinh kế của người dân các xã vùng đệm nhờ đầu tư nâng cấp và phát triển các vườn thuốc Nam, từ đó góp phần giảm áp lực lên khai thác đa dạng sinh học của VQG Ba Vì.

Các hoạt động giáo dục môi trường được thực hiện trong trường phổ thông dưới sự hướng dẫn cán bộ CRES và hỗ trợ tài chính của Dự án

Xây dựng Vườn thực vật trong trường phổ thông và Vườn cây thuốc nam cho các trạm y tế của xã.

Kết quả thành công của Dự án là một mô hình phục hồi sinh thái và đa dạng sinh học trên các diện tích rừng nghèo kiệt và đất sau nương rẫy tại VQG Ba Vì hiệu quả bằng các loài cây bản địa, có giá trị sinh học và kinh tế cao. Hiệu quả của Dự án này còn góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, đây cũng là một mô hình hợp tác giữa truyền thống của VNU-CRES với Quỹ môi trường của tập đoàn kinh tế hàng đầu Nhật Bản trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.