Giới thiệu
Hoạt động phát triển của con người được xác định là nhân tố có khả năng góp phần vào biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như khu vực. Biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng trở nên rõ rệt, có thể cảm nhận trong vòng vài thập kỷ, hay một đời người. Biểu hiện rõ nhất là xu thế nóng lên toàn cầu, kéo theo băng tan, nước biển dâng và đặc biệt là sự xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa bão, lụt lội, khô hạn (biểu hiện của hiện tượng thời tiết bất thường El Nino và La Nina) với cường độ và tần suất ngày càng gia tăng. Tác động của biến đổi khí hậu không còn là vấn đề lý thuyết hoặc của tương lai xa vời nữa, chúng đang hiện hữu và ngay lúc này liên tục gia tăng.
Đa dạng sinh học (ĐDSH) là cơ sở quan trọng, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của mọi quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ĐDSH đã và đang bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.
Phản ứng của ĐDSH với BĐKH đã được thấy rõ, thể hiện qua sự dịch chuyển khu phân bố về phía cực và lên các vùng cao. Nhưng hiện nay, những tác động của con người làm phân mảnh sinh cảnh và tổn thất ĐDSH, đang đẩy ĐDSH vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” – thay đổi khu phân bố tới những môi trường thích hợp hoặc bị tuyệt diệt.
Cuốn sách “Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học” với hàm lượng kiến thức phong phú và đa dạng, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực, từ khí hậu học, cổ sinh vật, địa chất…, cho đến toán học, mô hình hóa, là một công trình tổng hợp các kiến thức cơ bản và mới nhất liên quan đến BĐKH và ĐDSH, mang đến cho độc giả cơ hội hiểu biết đầy đủ và sâu sắc hơn về BĐKH và phản ứng của sinh giới trong quá khứ, cũng như dự đoán về tương lai của sự sống trên Trái đất. Cuốn sách này cũng được xem như một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của một ngành khoa học mới: sinh học biến đổi khí hậu.
Bằng chứng thuyết phục hiện tại về tác động của BĐKH mà cuốn sách này đưa ra cũng là một cách nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề mà ĐDSH đang phải đối mặt. Nó cũng gợi ra cho các nhà làm công tác bảo tồn – từ cách tiếp cận cũ (dựa trên giả thuyết về một khí hậu ổn định) – sang cách tiếp cận mới, toàn diện và linh hoạt trong công tác bảo tồn ĐDSH, trong điều kiện khí hậu biến đổi và xã hội biến động và gợi ra cho những nhà hoạch định chính sách hướng tới tương lai giảm nhẹ tác động của BĐKH lên ĐDSH bằng những con đường khôn ngoan nhất.
Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, trong khi đó cũng là một quốc gia có ĐDSH cao, nên tác động của BĐKH lên ĐDSH là không hề nhỏ, cho nên cần phải có kiến thức về BĐKH và ĐDSH để kịp thời có những giải pháp ứng phó. Chính vì vậy, cuốn sách này đặc biệt cần thiết cho những ai quan tâm đến BĐKH và ĐDSH nước ta, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh BĐKH.
Mặc dù đã 15 năm kể từ khi cuốn sách ra đời, nhưng những kiến thức cơ bản về BĐKH và những nghiên cứu kinh điển, cũng như những bài học được đúc kết của nó vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Qua cuốn sách này, chúng tôi hy vọng độc giả sẽ thu được nhiều kiến thức, thông tin hữu ích để có thể đóng góp tích cực và hiệu quả hơn cho công cuộc bảo tồn ĐDSH của đất nước trong điều kiện BĐKH.