Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội làm việc và ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Trường Đại học Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT

Chiều 26/12/2019, tại trụ sở của Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-CRES) đã có buổi làm việc và ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện với Trường Đại học Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT.

Đại diện Ban Lãnh đạo VNU-CRES có PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng làm trưởng đoàn, lãnh đạo Phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Quản lý KHCN và Đào tạo, Phòng Hợp tác và Phát triển.

Đại diện Trường Đại học Lâm nghiệp (VNUF) tiếp và làm việc với đoàn có PGS.TS. Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Đào tạo, Phòng Đào tạo Sau đại học, Khoa Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường, Khoa Lâm học.

Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận, thống nhất về các chương trình hợp tác trong thời gian tới: Liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, công bố quốc tế, tổ chức hội nghị/hội thảo khoa học về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; hợp tác triển khai các đề tài, dự án KH&CN về lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, lâm sinh. Trong đó, hàng năm VNUF lựa chọn và gửi hồ sơ của học viên cao học chuyên ngành về quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, lâm nghiệp để Hội đồng Quỹ học bổng của VNU-CRES do Quỹ học bổng Nagao (Nhật Bản) ủy thác để xem xét cấp học bổng.

Hai đơn vị trao đổi và thống nhất các nội dung hợp tác

Sau thời gian trao đổi và thống nhất, PGS.TS. Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng VNUF và PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng VNU-CRES đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện, tạo dấu ấn quan trọng nhằm nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa VNUF và VNU-CRES nhằm phát huy thế mạnh của hai bên để giải quyết những vấn đề quan trọng của Đất nước.

Lãnh đạo hai đơn vị ký kết Thỏa thuận hợp tác

Theo Thỏa thuận hợp tác, trong thời gian tới, VNU-CRES và VNUF sẽ phối hợp đề xuất và triển khai các đề tài, dự án, dịch vụ KH&CN; nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất và triển khai ứng dụng các sản phẩm KH&CN, chuyển giao công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất; tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học; hợp tác đào tạo đại học và sau đại học; công bố, xuất bản bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc gia và quốc tế,… và các hoạt động khác mà hai bên cùng quan tâm.

Lãnh đạo hai bên đánh giá cao các tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm

Trước đây, các nhà khoa học, giảng viên của VNU-CRES và VNUF đã có các hợp tác trong các đề tài nghiên cứu khoa học và đồng công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế uy tín. Thỏa thuận hợp tác này là căn cứ để hai bên phát huy tiềm lực về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết đào tạo, tư vấn hoạch định chính sách,… nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Đất nước, các địa phương và doanh nghiệp, cũng như tạo nguồn lực cho sự phát triển bền vững của hai đơn vị.

GIỚI THIỆU VỀ ĐẠI HỌC LÂM NGHIỆP

Lịch sử hình thành và phát triển

Giai đoạn từ 1964 đến 1984: trường đặt trụ sở tại khu sơ tán Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Giai đoạn này Trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực bậc đại học cho ngành Lâm nghiệp, toàn trường có 03 khoa, đào tạo 04 ngành học trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

Giai đoạn 1984 đến nay, Trường có trụ sở tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà nội. Trong giai đoạn này, Nhà trường đã thực hiện chiến lược phát triển thành trường đại học đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu nhân lực và giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ của đất nước.

Năm 2008 Trường thành lập Cơ sở 2 đặt tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp trường Trung học Lâm nghiệp số 2 thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để thực hiện đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về lâm nghiệp cho các tỉnh phía Nam. Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã ký Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai. 

Nhà trường hiện đang đào tạo 36 chương trình đào tạo bậc đại học (Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Chương trình tiên tiến đào tạo bằng tiếng Anh liên kết với Đại học Colorado – Hoa Kỳ) ; Công nghệ sinh học (Chương trình chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Anh); Lâm nghiệp (Chương trình chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Anh liên kết với Đại học Oregan – Hoa Kỳ); Kỹ thuật cơ khí (Chương trình chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Anh); Công nghệ chế biến lâm sản (Chương trình chất lượng cao đào tạo bằng tiếng Anh); Quản lý tài nguyên thiên nhiên (Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt); Khoa học môi trường; Quản lý tài nguyên và Môi trường; Quản lý tài nguyên rừng (Kiểm lâm); Bảo vệ thực vật; Công nghệ sinh học (Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt); Thú y; Chăn nuôi; Quản lý đất đai; Khoa học cây trồng; Khuyến nông; Kế toán; Kinh tế; Kinh tế Nông nghiệp; Quản trị kinh doanh; Hệ thống thông tin (Công nghệ thông tin); Công tác xã hội; Quản trị kinh doanh du lịch và lữ hành; Lâm sinh; Lâm nghiệp (Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt); Kỹ thuật công trình xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; Kỹ thuật cơ khí (Công nghệ chế tạo máy); Công thôn (Công nghiệp phát triển nông thôn); Thiết kế công nghiệp; Thiết kế nội thất; Kiến trúc cảnh quan; Lâm nghiệp đô thị; Công nghệ chế biến lâm sản (Công nghệ gỗ); Công nghệ vật liệu); 10 ngành học bậc thạc sĩ (Lâm học; Công nghệ chế biến Lâm sản; Kỹ thuật cơ khí; Quản lý tài nguyên rừng; Kinh tế nông nghiệp; Khoa học môi trường; Quản lý kinh tế; Công nghệ sinh học; Mỹ thuật ứng dụng; Quản lý đất đai) và 06 ngành học bậc tiến sĩ (Lâm sinh; Điều tra và Quy hoạch rừng; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật chế biến Lâm sản; Kinh tế nông nghiệp; Quản lý tài nguyên rừng).

Cho đến nay, Nhà trường đã đào tạo được hơn 70 tiến sĩ, trên 3.000 thạc sĩ và trên 40.000 kỹ sư và cử nhân. Các cán bộ tốt nghiệp từ trường Đại học Lâm nghiệp đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển ngành, phát triển toàn diện kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước, trong đó có nhiều đồng chí đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới các địa phương. Ngoài ra, Nhà trường còn đào tạo trên 300 kỹ sư, thạc sĩ cho các nước bạn: CHDCND Lào và Campuchia.

Nhà trường không ngừng thúc đẩy, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với trên 50 trường đại học, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, CHLB Đức, Thụy Điển, Thụy Sỹ, CHLB Nga, Phần Lan, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, CHDCND Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippin, Úc, Canada, Malaysia, Nepal…và các tổ chức quốc tế như: GTZ/GIZ, JICA, FAO, UNDP, IUCN, WB, WWF, ITTO, InWent, ICRAF…

Với những thành tựu đã đạt được, trường Đại học Lâm nghiệp đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2009; Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2014, hạng Nhì năm 2004, hạng Ba năm 1994; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1989, hạng Ba năm 1984 và 1996; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006 cho Cơ sở 2; Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2008. Trường cũng được Nhà nước CHDCND Lào tặng: Huân chương Tự do năm 1984; Huân chương Hữu nghị năm 2000. Trường còn được tặng cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 1993; Bộ Quốc phòng năm 2000; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2003, 2007, 2013) và nhiều Bằng khen của các Bộ, Ban, Ngành, các đơn vị hành chính tỉnh, huyện…

Một số phần thưởng cao quý của Nhà trường được Nhà nước phong tặng