Sáng ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.

Ảnh TS. Lê Văn Giang đang trình bày về công nghệ thu hồi niken trong chất thải với Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng của Viện

Nguồn: ảnh Nguyễn Đăng Thắng CRES

Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, tới dự và tham gia các hoạt động tại Triển lãm VIIE 2023 và khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia có Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, đại diện lãnh đạo Văn phòng và các ban chức năng, lãnh đạo các đơn vị thành viên, trực thuộc.

Ảnh: Đoàn ĐHQGHN tham gia Triển lãm VIIE 2023 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Nguồn: ảnh Nguyễn Đăng Thắng CRES

Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 (VIIE 2023) diễn ra từ ngày 28/10 đến ngày 1/11/2023, với mục tiêu tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ những ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo hàng đầu, Triển lãm sẽ tạo ra sự tương tác và kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng, khơi nguồn cảm hứng và khám phá năng lực đổi mới sáng tạo, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác tiềm năng. Đến với triển lãm mang tầm quốc tế VIIE 2023, khách tham dự được tìm hiểu về các công nghệ tiên tiến nhất đến từ các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo hàng đầu trong và ngoài nước. Triển lãm có nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới trong các lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), gồm: nhà máy thông minh, đô thị thông minh, truyền thông số, công nghệ môi trường, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, hydrogen và y tế.

Ban lãnh đạo ĐHQGHN cùng đại biểu đến thăm và nghe trình bày về công nghệ thu hồi lithium trong pin xe điện

Nguồn: ảnh Nguyễn Đăng Thắng CRES

VIIE 2023 quy tụ hàng trăm doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước và quốc tế, cùng sự tham gia của nhiều chủ thể hệ sinh thái; với sự tham gia của các doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế như: SK, Samsung, Google, Meta, Signify, Intel, VISA, Viettel, FPT, THACO, VNPT, Sovico, MoMo… gồm hơn 300 không gian trưng bày. ĐHQGHN tham gia triển lãm với hơn 40 sản phẩm khoa học và công nghệ từ 07 đơn vị thành viên/trực thuộc đại diện cho các lĩnh vực công nghệ mà ĐHQGHN ưu tiên đầu tư.

 

Các sản phẩm khoa học và công nghệ từ 07 đơn vị thành viên/trực thuộc đại diện cho các lĩnh vực công nghệ mà ĐHQGHN ưu tiên đầu tư

Với tư cách là một Viện nghiên cứu khoa học Quốc gia về lĩnh vực Khoa học Môi trường, Viện Tài Nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của CRES giai đoạn 2022-2030 nhằm định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá để phát triển CRES trở thành Viện nghiên cứu thông minh, đổi mới sáng tạo. CRES đã đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời, tập trung nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng  điểm quốc gia về thu hồi tài nguyên, tái tạo năng lượng bền vững, công nghệ sinh học và công nghệ gen…

PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng VNU-CRES đưa ra định hướng chiến lược phát triển của CRES trong thời gian tới

Về định hướng chiến lược cụ thể trong thời gian tới, PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng VNU-CRES, Viện kỳ vọng sẽ cùng các đơn vị trong VNU hợp tác và phát huy thế mạnh nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm khoa học, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai các công nghệ mới trong lĩnh vực tái tạo và thu hồi tài nguyên trong chất thải để tạo giá trị gia tăng phục vụ nhu cầu của xã hội và cộng đồng đúng theo giá trị cốt lõi trong Chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội là “Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm quốc gia – Phát triển bền vững”. Đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ có thể ứng dụng vào phục vụ cuộc sống, giải quyết các vấn đề lớn hiện nay của Đất nước về ô nhiễm môi trường, suy thoái và cạn kiệt tài nguyên, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải dòng (Net Zero vào năm 2050) và đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ dựa trên nghiên cứu cân bằng dinh dưỡng đất – phân bón – cây trồng.

Một số hình ảnh:

 

 

 

Tags: , ,