Tôi mới dự một hội thảo đông người tại Hà Nội. Trên bàn trước mặt mỗi đại biểu có một chai nhựa đựng nước mà mỗi người chỉ uống một hai ngụm nhỏ. Tất cả sẽ trở về các bãi chứa rác của thành phố và 1.000 năm nữa mới bị phân giải hết.

Chất dẻo, hay plastic, là các hợp chất cao phân tử, được dùng để sản xuất nhiều vật dụng trong đời sống hàng ngày vì chúng bền, nhẹ, khó vỡ, lại có màu sắc đẹp. Từ áo mưa, ống dẫn điện, bát đĩa, cốc, dao, dĩa, ống hút, màng mỏng bao hàng hóa, chai lọ, đồ chơi trẻ em tới những sản phẩm công nghiệp thay thế vải, gỗ, da, kim loại, thủy tinh…

Báo cáo của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc cho biết, trung bình mỗi phút có một triệu túi nylon được sử dụng và thải ra trái đất, phải mất 1.000 năm mỗi túi đó mới bị phân hủy.  Bình quân một người Việt Nam mỗi năm sử dụng khoảng 35 kg sản phẩm có nguồn gốc từ chất dẻo. Với số dân trên 95 triệu người, một năm dân chúng nước ta đã dùng tới hơn 3 triệu tấn chất dẻo. Số lượng được thu gom để tái chế chẳng đáng là bao, số rác thải nhựa Việt Nam thải ra đại dương đứng thứ tư và chiếm 6% rác nhựa toàn thế giới.

Tôi trông thấy ngư dân kéo lưới lên mà chỉ có 1/3 là cá, 2/3 là rác và chất dẻo. Họ mất bao nhiêu công sức phân loại cá với rác, sau đó lại vứt bừa ra bãi biển. Hãy nhìn các bãi rác đang được chôn lấp, ta thấy không biết bao nhiêu là các sản phẩm chất dẻo. Vậy đến thế hệ nào chúng mới phân huỷ hết?

Biện pháp đốt chất dẻo đang rất nguy hại cho môi trường. Một số rác thải chứa kim loại nặng như thủy ngân, chất dẻo có chứa Clo làm từ nhựa PVC có khả năng sinh ra dioxin – hóa chất gây ung thư ở người. Nếu công nghệ đốt được tuân thủ chặt chẽ từ khâu phân loại rác đến khâu tăng nhiệt độ lên trên 1.000 độ C, kèm theo khâu xử lý khí thải, hạ nhiệt độ ở giai đoạn 400-600 độ C và sử dụng tháp chứa các chất hấp phụ (như than hoạt tính) mới có thể giảm đáng kể nguy cơ tạo thành dioxin, ngăn chặn nhiều chất độc hại khác phát tán ra môi trường. Nhưng điều này rất khó khả thi với tình hình Việt Nam.

Tôi thấy một số cơ sở tuyên bố sản xuất được màng nhựa tự huỷ nhưng thực chất chỉ làm vỡ vụn do các liên kết mạch cao phân tử bị đứt gẫy khi phụ gia D2W phân hủy. Phần chất dẻo vẫn còn lại nguyên si trong môi trường dưới dạng vi nhựa, vẫn vô cùng nguy hiểm nếu vi nhựa lẫn vào môi trường và theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể người.

Vậy chúng ta chịu bó tay để ô nhiễm chất dẻo bủa vây hay sao? Nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hội nhóm đã nghĩ ra các biện pháp nhằm hạn chế tác hại lớn lao này. Một số nơi sản xuất ống hút bằng ống sậy, thân rau muống hay làm từ gạo, bột ngô, một số siêu thị gói hàng hoá bằng lá chuối.

Tôi mới thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tỏ ra rất thú vị khi nhận được món quà gửi tặng từ Huế. Đó là hộp thuỷ tinh có nắp dùng đựng nước nhiều lần thay thế các chai nhựa dùng một lần trong quá nhiều cuộc họp, hội thảo.

Bao giờ chúng ta mới làm được các sản phẩm chất dẻo sinh học có thể phân huỷ hoàn toàn trong thời gian ngắn? Có người bạn vừa tặng tôi một thùng các túi chất dẻo sinh học thân thiện môi trường. Từ nay cả nhà tôi sẽ dùng túi nhựa này. Đó là sản phẩm của một tập đoàn tại Việt Nam, làm từ những polymer phân huỷ sinh học như PLA, PBAT, PBS kết hợp với các nguyên liệu tự nhiên như tinh bột, bột gỗ, chất xơ để tạo ra các túi màng mỏng với nhiều kích cỡ, cốc uống, ống hút, thìa, dĩa, găng tay thay thế các loại sản phẩm nhựa thông thường dùng một lần. Các sản phẩm sẽ phân hủy hoàn toàn thành nước, mùn và CO2 trong vòng 6 đến 12 tháng tùy điều kiện chôn lấp và nhiệt độ. Nhiều siêu thị tại Việt Nam đang sử dụng bao bì của họ.

Nhưng tại các chợ, người bán lẻ, cửa hàng tạp phẩm vẫn dùng các loại túi nhựa khó phân hủy. Vấn đề chỉ là giá thành túi nhựa phân huỷ sinh học còn đắt hơn túi nhựa khó phân huỷ – hay không thể phân huỷ được. Người bán hàng vì lợi nhuận của mình nên không chịu mua loại nhựa thân thiện môi trường.

Sao họ không tính thêm vài nghìn đồng cho mỗi túi tự phân huỷ đó? Tôi tin nhiều người mua sẽ không từ chối vì số tiền đó không đáng là bao nhưng lại đóng góp lớn với sự an toàn của môi trường sống. Ngư dân cũng nên mua lưới tự phân huỷ sinh học và tính thêm vào giá bán hải sản một chút. Nó đắt hơn lưới khó phân huỷ nhưng vẫn có thể dùng lâu dài chứ không phải thay thế hàng năm hay hàng quý.

Chuyện này có lẽ phải nhờ sự can thiệp của các cơ quan phụ trách bảo vệ môi trường của nhà nước, địa phương. Khi chúng ta đã thấy sự cần thiết phải thay thế các mặt hàng chất dẻo khó phân huỷ thì nhẽ nào không có chính sách hạn chế việc sử dụng các loại này, kể cả các loại chất dẻo tuy có thể phân rã nhưng vẫn còn tồn tại và có thể xâm nhập vào thức ăn để quay trở lại cơ thể con người?

Thấy rõ tác hại quá to lớn của chất dẻo khó phân huỷ, chúng ta hãy đồng tình với các biện pháp cứng rắn để có thể biến Việt Nam thành một trong những quốc gia “sạch sẽ” hơn, thôi bị nêu tên trong danh sách các nhà vô địch rác thải nhựa toàn thế giới.

Nguyễn Lân Dũng

Nguồn: https://vnexpress.net/goc-nhin/quoc-gia-sach-se-3943600.html