Từ ngày 11/5/2015 đến 16/5/2015, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Tropenbos Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp tổ chức Khóa tập huấn “Các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và xã hội – Xây dựng công cụ giám sát trong Dự án PES/REDD”. Tham dự khai mạc và phát biểu chào mừng có đại diện lãnh đạo Trung tâm – Phó Giám đốc, PGS.TS. Phùng Quốc Thanh.

Mục tiêu của khóa tập huấn:

1.    Nâng cao nhận thức về các cơ chế tài chính mới liên quan đến dịch vụ môi trường trong lĩnh vực lâm nghiệp, như chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) và giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+): khái niệm, chính sách và quá trình thực hiện tại Việt Nam;

2.    Xây dựng hiểu biết chung về các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và xã hội trong chính sách, lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các quá trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES, REDD+) trong bối cảnh Việt Nam; và

3.    Tăng cường kỹ năng và năng lực thực hành về phát triển các công cụ đánh giá giám sát, đánh giá các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường, xã hội đối với chi trả dịch vụ môi trường (rừng) ở cấp độ địa phương.

Khóa tập huấn này là một trong các hoạt động của Dự án “Nghiên cứu và nâng cao năng lực về REDD+, sinh kế và tính dễ tổn thương ở Việt Nam: Xây dựng các công cụ phân tích xã hội và quy hoạch phát triển”, được phối hợp thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội, Tổ chức Tropenbos Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) thông qua Quỹ Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF) từ 2012 đến 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và xã hội cũng như công cụ giám sát trong các dự án chi trả dịch vụ môi trường (PES) và giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD) của các địa phương.

Đội ngũ giảng viên tham gia khóa tập huấn là các chuyên gia trong nước và quốc tế giàu kinh nghiệm, đến từ các cơ quan có nhiều uy tín như IEBR, WB, RECOFTC, SNV, UN-REDD II, Quỹ BVMTR Việt Nam, CRES, PN, TBI.

Tham gia khóa tập huấn có 23 học viên, đến từ 7 tỉnh thực hiện Dự án, bao gồm: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.

Tiếp nối thời gian tập huấn tại Hà Nội, hoạt động thực địa được tổ chức trong hai ngày 17-18/5/2015, tại xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Kết thúc phần học trên lớp và thực địa, các học viên sẽ tiến hành nghiên cứu theo nhóm tại địa phương, sử dụng các công cụ đánh giá giám sát trong các dự án PFES và REDD đã được học trên lớp và hoàn thiện báo cáo. Báo cáo của học viên sẽ được Hội đồng khoa học đánh giá và học viên sẽ được nhận chứng chỉ, nếu báo cáo được Hội đồng khoa học chấp nhận.

Kết thúc phần học trên lớp và thực địa, các học viên đã đánh giá cao về mặt chuyên môn và tổ chức. Khóa tập huấn đã đáp ứng đúng nhu cầu và sự mong đợi của học viên. Đây là một cơ hội quý giá để các học viên được trang bị thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành từ các chuyên gia, phục vụ thiết thực cho công tác đang thực hiện tại địa phương.