Ủy ban IUCN Việt Nam chính thức ra mắt

Tháng 5 năm 2015,Hội đồng IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) đã chính thức thông qua quyết định thành lập Ủy ban IUCN Việt Nam (IUCNVNNC), theo đó, Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) – cơ quan thành viên của IUCN Việt Nam, giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban, đồng thời cũng là thành viên của Ủy ban Khu vực Châu Á (IUCN WELCOME LETTER).

IUCNVNNC thành lập nhằm hỗ trợ và tăng cường năng lực IUCN khu vực mạnh mẽ hơn trong việc thực thi sứ mệnh của IUCN trong khu vực châu Á, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia thành viên IUCN, đảm bảo điều phối hiệu quả giữa các bộ phận trong IUCN và tạo điều kiện để các thành viên tham gia vào các chương trình, quản lý điều hành của IUCN.

Ngày 3/7/2015 là ngày chính thức ra mắt IUCNVNNC nhân cuộc họp các thành viên tại Văn phòng IUCN ở Hà Nội.

IUCN là một tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, với các hoạt động cụ thể như: thu thập và phân tích số liệu, nghiên cứu, thực hiện dự án, vận động chính sách và giáo dục. Sứ mệnh của IUCN là “tạo ảnh hưởng, khích lệ và hỗ trợ các nhóm xã hội trên toàn thế giới thực hiện bảo tồn thiên nhiên và đảm bảo sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và công bằng”.

Hơn một thập kỷ qua, IUCN đã mở rộng tầm hoạt động ra khỏi lĩnh vực sinh thái và bảo tồn, hướng tới tích hợp các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, giảm nghèo và kinh doanh bền vững trong các dự án. Không giống như các tổ chức quốc tế phi chính phủ khác, mục tiêu của IUCN là cố gắng tạo ảnh hưởng đến hành động của các chính phủ, giới doanh nghiệp và các bên liên quan khác bằng việc cung cấp thông tin và tư vấn, thông qua vận động hành lang và cơ chế đối tác. IUCN được đông đảo quần chúng biết đến qua cuốn Sách Đỏ các loài động, thực vật quý, hiếm, bị đe dọa của IUCN.

IUCN có số lượng thành viên hơn 1.200 tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Khoảng 11.000 nhà khoa học và chuyên gia tình nguyện tham gia làm việc trong các ủy ban của IUCN (IUCN commissions). Gần 1.000 nhân viên đang làm việc toàn thời gian cho IUCN tại hơn 60 quốc gia. Tổng hành dinh của IUCN đặt tại Gland, Thụy Sỹ.

IUCN có quan sát viên và tư vấn viên làm việc tại Liên Hợp Quốc và có vai trò trong việc thực hiện một số công ước quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. IUCN đã tham gia thành lập WWF (Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới) và WCMC (Trung tâm Quan trắc Bảo tồn Thế giới) (theo www.iucn.org).

IUCN Việt Nam

IUCN Việt Nam đã có một chặng đường lịch sử hình thành và phát triển tương đối lâu dài kể từ khi tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ trong việc chuẩn bị xây dựng Chiến lược Bảo tồn quốc gia lần thứ nhất vào năm 1984, và tiếp theo sau là những đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường của quốc gia và đặc biệt trong việc xây dựng pháp luật và chính sách liên quan. Trong số các hoạt động, có việc hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Môi trường và Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học trong thời gian 1993-1996, Kế hoạch quốc gia về Môi trường và phát triển bền vững cho giai đoạn 1991-2000, Kế hoạch hành động Môi trường quốc gia 5 năm giai đoạn 2001-2005 và Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam.

Năm 1993 là năm Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của IUCN và Văn phòng đại diện được thành lập cùng năm đó. Tổ chức phi chính phủ thành viên ở Việt Nam là Viện Kinh tế Sinh thái (ECO-ECO), Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES),  Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) và Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (Action for The City).

Các chương trình hoạt động của IUCN Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: doanh nghiệp và đa dạng sinh học, bảo tồn rừng, khu bảo tồn và di sản thế giới, hệ sinh thái biển và ven biển, nước-đất ngập nước, quản trị môi trường… (theo www.iucn.org/vi/vietnam/iucnovn).