ĐHQGHN tăng điểm trong Bảng xếp hạng ảnh hưởng năm 2022 của THE Impact Rankings

Sáng ngày 28/04/2022, Tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố kết quả xếp hạng của bảng xếp hạng THE Impact Rankings. Đây là bảng xếp hạng lấy việc tiên phong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc làm tiêu chí để xếp hạng các tổ chức giáo dục đại học trên toàn cầu. Năm nay, ĐHQGHN có thứ hạng 601-800 thế giới, cùng với các cơ sở giáo dục khác của Việt Nam như Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Phenikaa và 3 cơ sở giáo dục mới tham gia xếp hạng trong năm nay: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH FPT và Trường ĐH Kinh tế quốc dân.

THE Impact Rankings hướng tới đo lường sự thành công của tổ chức giáo dục đại học trong việc thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên Hợp Quốc (có hiệu lực kể từ năm 2016), kêu gọi hành động toàn cầu với mục tiêu xây dựng xã hội hoà bình, công bằng và thịnh vượng. Nói cách khác, Bảng xếp hạng này đánh giá tầm ảnh hưởng (Impact) và đóng góp của các cơ sở giáo dục đối với sự phát triển xã hội, phát triển con người, bảo vệ môi trường sống.

Kỳ xếp hạng năm 2022, trong số 1406 cơ sở giáo dục đại học đến từ 106 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 228 cơ sở giáo dục so với năm 2021) xếp hạng trong THE Impact Rankings, ĐHQGHN tiếp tục tham gia xếp hạng tại 7 SDGs với kết quả cụ thể như sau:

– SDG 4. Giáo dục chất lượng (Quality Education): ĐHQGHN thuộc nhóm 201-300 trong tổng số 1180 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.

– SDG 5: Bình đẳng giới (Gender Equality): ĐHQGHN thuộc nhóm 201-300 trong tổng số 938 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.

– SDG 8: Việc làm và tăng trưởng kinh tế (Decent work and economic growth): ĐHQGHN thuộc nhóm 301-400 trong tổng số 849 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.

– SDG 17: Hợp tác để hiện thực hoá các mục tiêu (Partnership for the goals): ĐHQGHN thuộc nhóm 801-1000 trong tổng số 1406 cơ sở giáo dục tham gia xếp hạng.

Điểm xếp hạng của ĐHQGHN năm 2022 là 61, tăng 10,6 điểm so với năm 2021 (50.4 điểm). Cụ thể các SDGs của ĐHQGHN được tính điểm để xếp hạng như hình dưới đây:

Hình 1: Kết quả xếp hạng của ĐHQGHN trong BXH THE Impact Rankings năm 2022
(Nguồn: timeshighereducation.com)

Nếu như năm 2020, Việt Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong Bảng xếp hạng này, thì năm 2021 đã có 4 cơ sở giáo dục được xếp hạng, và năm 2022 có 7 cơ sở giáo dục được xếp hạng. Cụ thể: Đại học Quốc gia Hà Nội (vị trí 601-800), Trường Đại học Tôn Đức Thắng  ( vị trí 601-800), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (vị trí 601-800), và Trường Đại học Phenikaa (vị trí 801-1000), và 3 cơ sở giáo dục mới được xếp hạng trong năm 2022: Trường ĐH Duy Tân (vị trí 601-800), Trường ĐH Kinh tế quốc dân (vị trí 601- 800) và Trường ĐH FPT (vị trí 801-1000).

Hình 2: Thứ hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong THE Impact Rankings năm 2022 (Nguồn: timeshighereducation.com)

Cả 7 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đều được xếp hạng cao ở SDG số 8 (Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững) và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thứ hạng cao nhất với 70.3 điểm. Tuy nhiên, duy nhất ĐHQGHN có thứ hạng cao ở SDG 4 (Giáo dục có chất lượng), với 63.1 điểm. Trong khi đó SDG 11 (Thành phố và cộng đồng bền vững) là 1 trong 3 chỉ số nổi bật của Trường ĐH PFT và Trường ĐH Tôn Đức Thắng; SDG 16 (Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh) là thế mạnh của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân. Có thể nói các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã hướng nhiều hơn đến các mục tiêu phát triển bền vững và phục vụ cộng đồng khi năm 2022 có thêm 3 trường được xếp hạng.

Trong năm 2022, top 10 cơ sở giáo dục trong bảng xếp hạng của THE Impact Rankings không còn là Đại học Western Sydney (Australia), ĐH Arizona State (Mỹ) và ĐH Western (Canada) thứ ba. Nổi bật hơn cả, ĐH Universiti Sains (Malaysia) đã được ghi nhận ở vị trí thứ 4 và là đại diện của Đông Nam Á và Châu Á có thứ hạng cao nhất trong THE Impact Rankings từ trước đến nay.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 51 cơ sở giáo dục đại học nằm trong Bảng xếp hạng này (tăng 26 trường so với năm 2021) và ĐH Chulalongkorn có thứ hạng cao nhất với vị trí 16 trong bảng xếp hạng. Malaysia có 23 cơ sở (tăng 4 cơ sở so với năm 2021) trong đó Universiti Sains đã có kết quả nổi bật với vị trí thứ 4. Indonesia có 28 cơ sở (tăng 10 cơ sở so với 2021), Philippines có 15 cơ sở (tăng 10 cơ sở so với năm 2021) và Campuchia có 1 cơ sở tham gia xếp hạng có mặt trong Bảng xếp hạng này.

Bảng xếp hạng THE Impact Rankings gồm các tiêu chí sau:

DGNội dung
1Xóa nghèo (No Poverty)
2Xóa bỏ nạn đói (Zero Hunger)
3Sức khỏe và cuộc sống tốt (Good Health and Wellbeing)
4Giáo dục có chất lượng (Quality Education)
5Bình đẳng giới  (Gender Equality)
8Tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững (Decent Work and Economic Growth)
9Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng (Industry, Innovation and Infrastructure)
10Giảm bất bình đẳng (Reduced Inequalities)
11Thành phố và cộng đồng bền vững (Sustainable Cities and Communities)
12Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm (Responsible Consumption and Production)
13Bảo vệ khí hậu (Climate Action)
14Tài nguyên và môi trường nước (Life below Water)
15Tài nguyên và môi trường trên đất liền (Life on Land)
16Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh (Peace, Justice and Strong Institutions)
17Hợp tác vì các mục tiêu phát triển (Partnership for the Goals)

Theo đó, điểm đánh giá xếp hạng cuối cùng của một cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng là điểm trung bình của điểm SDG 17 (bắt buộc) (chiếm 22% tổng số điểm) với ba điểm cao nhất trong số 16 SDG còn lại (mỗi SDG có trọng số 26%).

Đối với mỗi SDG, các chỉ số đi kèm được phân tích và sử dụng trong bảng xếp hạng dựa trên 4 yếu tố:

– Nghiên cứu (tìm kiếm các giải pháp và kiến thức mới),

– Giáo dục (các hoạt động giáo dục trong và ngoài cơ sở giáo dục)

– Quản lý (kiểm soát lượng sử dụng và bền vững), và

– Tương tác cộng đồng (thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động gắn với cộng đồng và xã hội).