Viện Tài nguyên và Môi trường bảo vệ thành công dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Chiều ngày 19 tháng 12 năm 2022, tại Văn phòng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội đồng thẩm định cấp Bộ đối với “Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với sự tham gia của các thành viên hội đồng, các chuyên gia và các nhà quản lý. Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hợp tác với Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Viện đã huy động hàng trăm các nhà khoa học, các chuyên gia trong cách lĩnh vực khác nhau để thực hiện nhiệm vụ, từ đánh giá hiện trạng tự nhiên, kinh tế-xã hội và môi trường đầu kỳ quy hoạch đến đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch có liên quan tới bảo vệ môi trường, để có cơ sở đề xuất Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch bảo vệ môi trường là một trong những quy hoạch quốc gia quan trọng bậc nhất trong hệ thống các quy hoạch được xây dựng trong khuôn khổ thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017. Quy hoạch này là một bước quan trọng để cụ thể hóa và triển khai Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Quan điểm xuyên suốt của Quy hoạch là bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản và là điều kiện tiên quyết bảo đảm phát triển bền vững Đất nước, với tầm nhìn dài hạn, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, đảm bảo sự thống nhất đồng bộ từ Trung ương tới địa phương và đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường. Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là chủ động ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên trên cơ sở phân bố hợp lý không gian phân vùng môi trường; thiết lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trên phạm vi toàn quốc để phát triển hài hòa với thiên nhiên, phát triển bền vững Đất nước và góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các định hướng lớn của Quy hoạch bao gồm định hướng xác lập các vùng môi trường, định hướng xác lập bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, định hướng hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và cuối cùng là định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh.
PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, đã thay mặt cơ quan tư vấn trình bày tóm tắt quá trình xây dựng và các nội dung chính của bản dự thảo quy hoạch. Các thành viên của Hội đồng đại diện cho các Bộ, ngành đều đánh giá cao bản dự thảo quy hoạch về tính đầy đủ, độ chi tiết và đáp ứng được yêu cầu đặt ra. GS.TS. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đồng thời là Anh hùng Đa dạng sinh học ASEAN năm 2017 đã nêu bật được ý nghĩa của bản quy hoạch và là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững của Đất nước. PGS.TS. Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phân vùng môi trường và lưu ý cần làm rõ lộ trình thực hiện quy hoạch. GS.TS. Trương Quang Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội, lại đánh giá cao những phân tích đánh giá về hiện trạng, diễn biến và xu thế môi trường ở Việt Nam để có cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất phân vùng môi trường và đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả các thành viên của Hội đồng và các chuyên gia tham dự đều nhất trí cao về số lượng, chất lượng và hình thức trình bày các sản phẩm của bản quy hoạch, bao gồm Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch, Tờ trình phê duyệt Quy hoạch, Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt và hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ có liên quan. Như vậy, sau khi được hoàn thiện, bản dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 này sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ thẩm định cấp quốc gia và ban hành.
Với việc tham gia chủ trì thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đóng góp phần mình vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên thiên nhiên theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm xây dựng một xã hội bền vững ở Việt Nam.
Sau đây là một số hình ảnh về buổi họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo vệ Môi trường cấp Bộ.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng thậm định cấp Bộ

Toàn cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch quốc gia

Phát biểu ý kiến của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Phát biểu ý kiến của GS.TS Đặng Huy Huỳnh

Phát biểu kết luận của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân

PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường trình bày tóm tắt quá trình xây dựng và các nội dung chính của bản dự thảo quy hoạch