Lễ khởi động Dự án Nghiên cứu về Đồng bằng tại Hà Nội

Ngày 15 tháng 1 năm 2020, Đại Sứ quán Anh cùng với Viện Tài nguyên và Môi trường (VNU-CRES), ĐH Newcastle Upon Tyne và các đơn vị thành viên đã long trọng tổ chức Lễ khởi động Dự án Nghiên cứu về Đồng bằng tại Hà Nội. Tham gia buổi lễ có đại diện các cơ quan chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện UBND, các sở, ban ngành từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng, đại diện Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, một số trường đại học và các tổ chức phi chính phủ như Ủy hội sông Mê Kông, Pan Nature, Helvetas, Oxfam, CRS, Care, IPSARD Việt Nam, Viện Môi trường Stockhom Châu Á…

Dự án Nghiên cứu Đồng bằng (Living Deltas Hub) do ĐH Newcastle Upon Tyne chủ trì, kéo dài 5 năm với mục tiêu bảo vệ tương lai đồng bằng dựa trên xây dựng khả năng thích ứng của các cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững. Dự án được quỹ Nghiên cứu thách thức toàn cầu của Vương quốc Anh (GCRF) tài trợ thông qua Hội đồng Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Vương quốc Anh (UKRI). Tại Việt Nam, dự án được triển khai tại đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông với sự tham gia của các đơn vị bao gồm: Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học An Giang, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Hoa Sen, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước.

Hình 1. Đại sứ Vương quốc Anh, Ngài Gareth Ward đang giới thiệu về Dự án.

 

Hình 2. TS. Lê Thị Vân Huệ, Viện Tài nguyên và Môi trường, đang giới thiệu về đặc điểm của Đồng bằng sông Hồng.

Dự án được chia thành 6 hợp phần chính:

  • Tập trung vào các di sản, sinh kế, văn hóa đồng bằng nhằm đưa ra bức tranh sống động về quá khứ, hiện tại và tương lai của từng vùng đồng bằng;
  • Mô tả các đặc điểm chính và đánh giá rủi ro của hệ thống sinh thái và xã hội của vùng đồng bằng;
  • Đánh giá định lượng các tác động của con người làm thay đổi hệ thống tự nhiên của vùng đồng bằng. Xây dựng các công cụ để đánh giá hiện trạng sức khỏe của  hệ sinh thái đồng bằng;
  • Xây dựng các can thiệp ở cấp độ vùng đồng bằng để ứng phó cũng như giảm thiểu các tác động được dự báo để đảm bảo hệ thống không vượt điểm tới hạn;
  • Xây dựng khung giám sát mục tiêu phát triển bền vững cho các vùng đồng bằng dựa trên giá trị di sản tư nhiên và văn hóa cũng như bối cảnh của vùng đồng bằng;
  • Giám sát xây dựng và chia sẻ nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong hệ thống sinh thái và xã hội của vùng đồng bằng.

Hình 3. Mô hình miêu tả cấu trúc của Dự án.

Hợp phần chính (Hợp phần 1 đến Hợp phần 5) nhằm nâng cao năng lực và cùng tạo ra kiến thức và sự hiểu biết mới về sự thay đổi của đồng bằng. Tác động và sản phẩm của Dự án sẽ được đảm bảo bằng Lý thuyết Thay đổi và chiến lược theo dõi, đánh giá và học tập (MEL) của Hợp phần 6. Viện Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính trong thực hiện nội dung của Hợp phần 4 và tham gia thực hiện các Hợp phần 1, 2 và 5 của Dự án.


Tin tức liên quan: