Sáng 26-11, Hội Địa lý Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học địa lý toàn quốc lần thứ XIII – năm 2022, với chủ đề “Khoa học địa lý Việt Nam với sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên và phát triển kinh tế tuần hoàn”.

Dự hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương và bộ, ngành; các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học của Hội Địa lý Việt Nam; các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và một số đại biểu quốc tế thuộc Hội Địa lý nhân văn Nhật Bản, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội… Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, 26 và 27-11.


Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam thông tin: Từ năm 1988 đến nay, các nhà khoa học Hội Địa lý Việt Nam đã thực hiện thành công và hiệu quả hàng trăm đề tài nghiên cứu các cấp, thuộc nhiều lĩnh vực như: Điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên, môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tại trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; Đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, xây dựng các tập Atlas và các bản đồ quy hoạch không gian; Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong công tác điều tra, nghiên cứu và quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường…

Tháng 11-2022, Hội Địa lý Việt Nam phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thị ủy, HĐND và UBND thị xã Sơn Tây tổ chức Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Khoa học Địa lý Việt Nam với sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên và phát triển kinh tế tuần hoàn”. Trước đó, Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận được hàng trăm báo cáo khoa học, đa dạng về chủ đề và nội dung, được chia thành các lĩnh vực: Điều kiện tự nhiên và tai biến thiên nhiên; Quy hoạch và quản lý tài nguyên thiên nhiên; Điều kiện kinh tế – xã hội và phát triển du lịch; Công nghệ địa lý và Giáo dục địa lý…

Tại hội nghị, nhà khoa học Võ Thị Thúy Kiều (Đại học An Giang – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) báo cáo đề tài “Tăng cường thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến người dân nghèo vùng đồng bằng sông Cửu Long” với nội dung: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long khi nước biển dâng, ngập mặn, dẫn đến diện tích canh tác nước ngọt bị thu hẹp, ảnh hưởng tới đời sống người dân khu vực, đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…; nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên với đề tài “Đề xuất mô hình tổ chức không gian liên kết phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh cho khu vực đông bắc tỉnh Quảng Ngãi”… cùng nhiều nhà khoa học khác thông tin về những kết quả nghiên cứu mới mang tính thời sự, có giá trị thực tiễn như: Kinh tế tuần hoàn, phát triển du lịch sinh thái, giáo dục địa lý trong bối cảnh cách mạng 4.0; đánh giá các nguồn lực phát triển thị xã Sơn Tây – xứ Đoài nhân dịp kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822-2022)…

 

Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục nghe báo cáo khoa học của 4 tiểu ban, về: Khoa học Địa lý với phát triển bền vững kinh tế – xã hội thị xã Sơn Tây; Địa lý tài nguyên, sử dụng hợp lý, phục hồi tài nguyên và bảo vệ môi trường trong bối cảnh Cách mạng 4.0; Địa lý kinh tế – xã hội và kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh mới; Giáo dục Địa lý và Môi trường.

Nhân dịp này, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 8 cá nhân thuộc Hội Địa lý Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam… do đã có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 2020-2021.

Ngày 27-11, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ tham quan thị xã Sơn Tây (Hà Nội), đến các điểm di tích: Thành cổ Sơn Tây, chùa Mía, đền Và, Văn Miếu, làng cổ Đường Lâm, một số mô hình kinh tế trang tại, gia trại điển hình.

Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc