Ngày 8/12/2017, trong khuôn khổ của Dự án ‘Bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Dương: Kết hợp nghiên cứu và đào tạo để tăng cường quản lý động vật hoang dã’ do tổ chức USAID của Hoa Kỳ tài trợ, Viện Tài nguyên và Môi trường (VNU-CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về ‘Buôn bán động vật hoang dã ở Đông Dương: Áp dụng kết quả nghiên cứu vào công tác kiểm soát buôn bán động vật hoang dã’ để chia sẻ kinh nghiệm trong việc tăng cường thực thi pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại 3 nước Đông Dương, Campuchia, Lào và Việt Nam và thảo luận các giải pháp tăng cường thực thi pháp luật thông qua hợp tác nghiên cứu giữa 3 nước.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ðại học Quốc gia Hà Nội, đại diện Vụ Rừng đặc dụng và Phòng hộ và Cơ quan quản lý CITES thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổ chức phát triển Hoa Kỳ (USAID), Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ngoài ra, hội thảo có sự hiện diện của hơn 40 đại biểu đến từ các trường đại học (như Đại học Hoàng gia Phnompenh, Campuchia, Đại học Quốc gia Lào, Đại học Lâm nghiệp), các viện nghiên cứu (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Khoa học Hình sự…) và các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã (WCS), Chương trình Rùa Châu Á (Asian Turtle Program), Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng (Endangered Primate Rescue Center), Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife), Dự án Bảo tồn Loài hoang dã của USAID (USAID Saving Species).

Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường đã nhấn mạnh:“Khai thác quá mức và buôn bán trái phép đã và đang trở thành mối đe dọa lớn nhất tới các loài hoang dã trong khu vực. Với tình trạng khai thác như hiện nay, nhiều loài động, thực vật khác cũng có nguy cơ biến mất khỏi khu vực Đông Dương nếu chúng ta không có những hành động và giải pháp cấp bách để ngăn chặn những mối đe dọa này”.

Hội thảo có 6 bài trình bày và rất nhiều câu hỏi thảo luận sôi nổi tập trung vào các nội dung về tình hình buôn bán động thực vật hoang dã xuyên biên giới tại Lào, Campuchia, Buôn bán Tê tê, Rùa và Linh trưởng ở Việt Nam. Đặc biệt, TS Lê Đức Minh – chủ trì dự án nghiên cứu đã trình bày Khung nghiên cứu tiếp cận liên ngành dựa trên mô hình của GS. Elinor Ostrom người đã được giải Nobel năm 2009 về kinh tế để tăng cường quản lý và kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã. Với việc áp dụng công cụ ADN kết hợp với các lĩnh vực sinh học, nhân chủng học, tâm lý và kinh tế, đây là một hướng tiếp cận và giải pháp mới hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý buôn bán động thực vật hoang dã.