Là chủ đề của Tọa đàm khoa học do ĐHQGHN tổ chức ngày 17/9/2021. Tham dự có đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia về y tế, giáo dục, kinh tế trong và ngoài ĐHQGHN.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân chủ trì hội nghị.
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những phân tích, đánh giá bối cảnh hiện nay của dịch bệnh Covid-19 ở trong nước và trên thế giới. Các phân tích tác động và ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh Covid-19 tập trung vào các lĩnh vực: y tế, kinh tế, an sinh xã hội, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá bài học được đúc rút, các tham luận và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại tọa đàm thể hiện trách nhiệm cao với đất nước và là những gợi ý giải pháp rất có ý nghĩa để các cơ quan có trách nhiệm tham khảo, vận dụng ứng phó với đại dịch Covid-19 ở nước ta hiện nay.
Với phương châm ứng phó với đại dịch Covid-19 không đơn thuần là nhiệm vụ của riêng lực lượng tuyến đầu chống dịch là ngành y tế, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho rằng, cần tập trung sức mạnh tổng hợp và có giải pháp phối hợp đồng bộ của nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội khác nhau.
GS.TTND. Lê Ngọc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN cho rằng, đại dịch Covid- 19 diến biến nhanh, phức tạp khiến các giải pháp ứng phó thay đổi liên tục. Những giải pháp tình thế dần bớt đi, thay vào đó là những phương án có tính hiệu quả và bền vững. Ông cũng nhấn mạnh, cần có những giải pháp về nhân lực góp phần phát triển chuyên ngành và ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Ứng phó với đại dịch Covid-19 theo cách tiếp cận từ quản lý khủng hoảng toàn cầu, GS.TS. Phạm Hồng Tung – Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực và xuyên quốc gia, do đó, cần linh hoạt, nhất quán và khoa học trong việc đưa ra các giải pháp hiệu quả theo quan điểm “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”. Ông cho rằng, chúng ta cần thống nhất và đa dạng trong giải pháp ứng phó để “sống chung với dịch bệnh Covid-19”.
PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trên cơ sở khoa học của sự biến chủng của virus, đặc điểm của việc lây truyền, thực tế cần có chính sách tổng thể cho cả nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Ông cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng, phát triển khoa học – công nghệ đặc biệt cho xét nghiệm, sản xuất vắc-xin và điều trị.
Theo Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc phản ứng nhanh, sớm, kiên quyết của chính quyền là chìa khóa của thành công. Phòng bệnh sẽ đỡ tốn kém hơn điều trị gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, đối với các bệnh viện, cơ sở y tế, để nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả điều trị thì việc chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả và cần phải triển khai toàn diện càng sớm càng tốt.
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, giáo dục – đào tạo chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Dù ngành giáo dục đã có nhiều điều chỉnh trong thời gian qua, nhưng cũng không thể phủ nhận chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch. Để ứng phó với đại dịch, theo GS.TS. Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN, ngành giáo dục cần phải có những giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế cũng như với xu thế phát triển của thời đại chuyển đổi số. Trong đó, cần tăng cường và phối hợp đa dạng các hình thức giáo dục.
Vừa qua, ĐHQGHN ra mắt kênh trực tuyến hỗ trợ tiểu học để chung tay cùng với nền giáo dục cả nước trong việc đồng hành với giáo viên, cha mẹ học sinh phát triển toàn diện cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các chuyên gia, nhà giáo dục, sư phạm của Trường ĐH Giáo dục có hiểu biết sâu và giàu kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục tiểu học đã cùng đóng góp về mặt chuyên môn và trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Kiến tạo niềm tin xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. GS.TS. Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho rằng, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn có thế mạnh nhất định và cần phải tập trung vào một số giải pháp tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội mang tính thường xuyên và phải được tổ chức bài bản để hỗ trợ cộng đồng ứng phó và thích nghi với dịch bệnh.
Góp phần cùng ĐHQGHN thực hiện “trách nhiệm quốc gia”, Nhà trường đã tập trung triển khai “Chương trình tư vấn tâm lý và hỗ trợ xã hội trực tuyến miễn phí” cho cộng đồng trong những năm tới thông qua Tổng đài tư vấn tâm lý xã hội của Nhà trường. Trước mắt, nhằm hỗ trợ cộng đồng ứng phó với đại dịch Covid-19, Chương trình tập trung vào hai mảng trọng tâm là “tư vấn tâm lý” và “tư vấn dịch vụ xã hội cơ bản”. Về lâu dài, Nhà trường sẽ mở rộng hoạt động tư vấn chuyên ngành để hỗ trợ các lĩnh vực khác phục hồi và phát triển trong thời kỳ hậu đại dịch.
Đề cập về vai trò của khoa học và công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN cho biết, khoa học cơ bản và nhân lực khoa học cơ bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác xét nghiệm, điều chế vắc-xin và thuốc điều trị bệnh, đặc biệt khi nhu cầu tăng đột biến. Phát huy thế mạnh về KH&CN, Nhà trường đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu và triển khai, thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong phòng, chống dịch Covid-19 như: Nghiên cứu và sản xuất enzym reverse transcriptase và SARS-CoV RNA E phục vụ cho đề tài sản xuất KIT chẩn đoán SARS-CoV2; Nghiên cứu và thử nghiệm tổng hợp thuốc Molnupiravir,…
Tìm kiếm những giải pháp trước tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN cho biết rất cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để sớm ổn định cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Theo đó, ông nhấn mạnh cần kết nối các nguồn lực thông tin một cách hiệu quả để đưa ra các giải pháp tổng thế là đặc biệt quan trọng.
Trong vấn đề về chiến lược và sự sẵn sàng của trường đại học trong chuyển đổi số để chuẩn bị cho hậu Covid-19, GS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN cho biết, chuyển đổi số được coi là khâu đột phá của Trường. Nhà trường xác định đầu tư cho nguồn lực cán bộ, cơ sở vật chất đặc biệt là các phòng thí nghiệm, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hợp tác toàn cầu là biện pháp lâu dài để giữ vững được sự phát triển trong môi trường cạnh tranh với các trường đại học lớn trên thế giới và khu vực. Chiến lược trong một vài năm tới, Trường ĐHCN sẽ cơ bản hoàn thiện và thống nhất hệ thống dịch vụ và công cụ trực tuyến dựa trên khai thác các công cụ công nghệ thông tin, AI, IoTs, Block chain, Cloud,…
Với vai trò là cơ sở giáo dục hàng đầu, đa ngành, đa lĩnh vực, là nơi tập trung đội ngũ tri thức chất lượng cao của cả nước, ĐHQGHN đã có nhiều công trình khoa học kết hợp chặt chẽ nghiên cứu liên ngành đóng góp về y học phục vụ nâng cao sức khỏe, chữa bệnh, tư vấn chính sách trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tọa đàm đàm hôm nay có sự phối hợp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN dựa trên thế mạnh liên ngành, liên lĩnh vực của ĐHQGHN để giải quyết vấn đề có tính thời sự rất cao. Đây cũng là hoạt động khoa học của ĐHQGHN cùng góp thêm những ý kiến tư vấn với Chính phủ, các bộ ngành để có những giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 kịp thời và hiệu quả.
Quốc Toản – VNU media