[:vi]Sáng ngày 25/4/2016, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với UBND huyện Quan Hóa tổ chức hội thảo tổng kết dự án FLC 13-05 “Phát triển sinh kế bền vững và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dân tộc nghèo ở huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ thông qua Quỹ hợp tác phát triển của địa phương. Dự án được thực hiện tại hai xã Xuân Phú và Phú Nghiêm.
Hội thảo được tổ chức nhằm tổng kết các hoạt động và kết quả của Dự án.
Tham dự hội thảo có 47 đại biểu, gồm đại diện các hộ hưởng lợi của Dự án, đại diện chính quyền cấp xã, cấp huyện, các cán bộ Dự án của Trung tâm NC TN&MT. Đến dự hội thảo còn có đại diện của cơ quan tài trợ Dự án, Đại sứ quán Phần Lan, và đại diện lãnh đạo của cơ quan thực hiện Dự án, Trung tâm NC TN&MT.
Qua 28 tháng thực hiện (từ 1/2014 đến 4/2016), Dự án đã triển khai nhiều hoạt động: hỗ trợ xây dựng mô hình nông lâm nghiệp thân thiện với môi trường; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, khai thác, quản lý và bảo vệ rừng luồng; tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân thông qua bản tin, đối thoại hàng quý với doanh nghiệp và thành lập tổ/nhóm quản lý và phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó dự án còn triển khai các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sinh kế bền vững.
Dự án đã đạt được một số kết quả chính như sau:
– Nhận thức của người dân tại hai xã thực hiện dự án về biến đổi khí hậu và cách ứng phó, các hiểu biết về bảo tồn và phát triển khôn khéo tài nguyên đã được nâng cao. Đặc biệt, các đợt tập huấn cho tập huấn viên nguồn về biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường đã xây dựng cho địa phương một đội ngũ tập huấn viên tiềm năng để tiếp tục truyền tải các thông tin cho cộng đồng.
– Năng lực và kinh nghiệm của các hộ dân về chăm sóc vật nuôi, về quản lý, chăm sóc, phục tráng và làm giàu rừng và khai thác luồng bền vững đã được nâng cao. Người dân đã hiểu biết về các kiến thức đó và có thể áp dụng vào việc quản lý và khai thác tốt hơn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, phục vụ cho phát triển sinh kế.
– Các hoạt động liên quan đến phát triển thị trường, như đối thoại với các doanh nghiệp trong các cuộc họp, cũng như các cuộc làm việc trực tiếp với doanh nghiệp đã tăng cường sự hiểu biết cho người dân về thị trường, mối quan hệ chặt chẽ, cùng tồn tại và phát triển giữa người cung cấp cây luồng (người dân có rừng luồng) và người nhận nguyên liệu luồng (các doanh nghiệp), trên cơ sở đó, địa phương sẽ xây dựng được một kế hoạch khai thác luồng hợp lý và đúng quy cách, đảm bảo sinh kế và giữ gìn rừng luồng phát triển bền vững.
– Việc quản lý, khai thác hiệu quả và bền vững sản phẩm luồng có tổ chức và kế hoạch đã được Dự án quan tâm từ rất sớm. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện, Dự án đã hỗ trợ thành lập các tổ/nhóm quản lý và khai thác luồng bền vững. Hiện đã có 2 nhóm được thành lập trên tổng số 15 thành viên. Mỗi nhóm có quy chế, kế hoạch hoạt động và ban đại diện của mình. Việc kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã được xúc tiến, nhằm liên kết hoạt động và kế hoạch của các bên.
Mặc dù đạt được kết quả đáng kể trong việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, phát triển rừng luồng bền vững, Dự án vẫn còn một số hạn chế:
– Hoạt động xây dựng mô hình phục tráng luồng được triển khai muộn, cộng với chất lượng cây giống chưa tốt nên cây trồng phát triển chậm, tỷ lệ sống thấp.
– Việc triển khai nuôi bò và gà dưới tán rừng luồng chưa đạt kết quả như mong đợi, do chưa có định hướng kế hoạch để phát triển lâu dài, đặc biệt là nuôi gà, dẫn đến nhiều hộ không duy trì được đàn gà.
– Việc triển khai hoạt động tiếp cận thị trường và đối thoại với các doanh nghiệp được thực hiện muộn, làm cho hiệu quả mô hình chưa đạt được như mong muốn, nên chưa hỗ trợ hiệu quả cho các hộ trồng rừng để họ có các kinh nghiệm thị trường và hợp tác với doanh nghiệp. Bài học kinh nghiệm được rút ra là: cần phải có cách tiếp cận phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia và mang lại lợi ích thật sự cho cả hai bên. Cần có sự tham gia tích cực hơn của các cơ quan chức năng và các tổ chức dân sự vào hoạt động này để đảm bảo các thành công.
– Sáng kiến hỗ trợ thành lập nhóm quản lý và khai thác rừng luồng khôn khéo và bền vững do các điều kiện khách quan về thay đổi nhân sự, được triển khai chậm, nên chưa có đủ thời gian thử thách và tìm kiếm kinh nghiệm quản lý nhóm và cùng hợp tác với doanh nghiệp trong thực hiện kế hoạch khai thác luồng đảm bảo chất lượng, cũng như lồng ghép với kế hoạch phát triển của doanh nghiệp…, để có được sự hợp tác hiệu quả hơn.
Tại hội thảo, đại diện chính quyền địa phương và các hộ dân được hưởng lợi cũng đã phát biểu, đánh giá các lợi ích mà Dự án mang lại, cũng như những hạn chế còn tồn tại, các khó khăn trong quá trình thực hiện Dự án và những đề xuất cho thời gian tiếp theo. Chính quyền địa phương ở cả cấp huyện và xã đều ghi nhận những hoạt động cụ thể của Dự án FLC 13.05 trên địa bàn hai xã Xuân Phú và Phú Nghiêm đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và chính quyền cấp cơ sở trong quản lý và bảo vệ rừng, cũng như thực hiện có hiệu quả các mô hình sinh kế.
Cũng theo đánh giá của địa phương, việc các cán bộ dự án có tinh thần trách nhiệm, sâu sát và sáng tạo, tìm tòi cách thức thực hiện các hoạt động phù hợp với xu thế và mong muốn của người dân là yếu tố hết sức quan trọng để kết quả của Dự án đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển bền vững của địa phương, cũng như đảm bảo hiệu suất đầu tư của các nhà tài trợ.
Dự án đã đem lại những lợi ích kinh tế và môi trường cho người dân địa phương, góp phần bảo vệ lá phổi xanh của trái đất, ứng phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu. Với sự ghi nhận đó, chính quyền địa phương (cấp xã và huyện) cũng đã cam kết hỗ trợ duy trì và nhân rộng mô hình của Dự án, đồng thời, từ những bài học kinh nghiệm được đúc rút, sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế còn tồn tại để phát huy hiệu quả hơn nữa những kết quả mà Dự án đã mang lại cho địa phương.[:]