Nghiệm thu dự án khoa học cấp tỉnh: “Ứng dụng công nghệ khử ion điện dung (CDI) xử lý nước uống tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”

Ngày 13/1/2025, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ đã tổ chức phiên họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu dự án khoa học cấp tỉnh: “Ứng dụng công nghệ khử ion điện dung (CDI) xử lý nước uống tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” do Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện. ThS. Chu Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Sở KH&CN chủ trì hội nghị.

Dự án được triển khai trong khuôn khổ các Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ Khoa học Công nghệ vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Phú Thọ, với mục tiêu nghiên cứu giải pháp công nghệ phù hợp và tiên tiến trong xử lý nước uống tại một số trường học, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và y tế hiện hành, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Toàn cảnh hội nghị đánh giá, nghiệm thu dự án

Theo trung tâm nước sinh hoạt và môi trường nông thôn tỉnh Phú Thọ, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98% vào cuối năm 2023 nhưng việc sử dụng nước sạch ở một số khu vực vẫn còn hạn chế, đặc biệt tại các điểm trường học, khu vực vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn.

Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu về nhu cầu và thực trạng chất lượng nước tại 17 điểm trường khác nhau trên địa bàn 3 huyện Lâm Thao, huyện Tân Sơn và huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Dự án đã có những đánh giá, nghiên cứu thiết kế công nghệ CDI quy mô trong phòng thí nghiệm. Từ đó hoàn thiện xây dựng và lắp đặt thực tế 4 mô hình xử lý nước uống trực tiếp sử dụng công nghệ CDI quy mô 4m3/ngày đêm tại trường mầm non Tân Lập, và trường trung học cơ sở Tân Lập thuộc huyện Thanh Sơn; Trường tiểu học Phùng Nguyên 2, và Trường mầm non Liên Cơ Lâm Thao thuộc huyện Lâm Thao.

Kết quả triển khai thực hiện cho thấy, công nghệ khử ion điện dung hiệu quả trong việc loại bỏ các ion kim loại nặng như asen (As), chì (Pb), cadimi (Cd), sắt (Fe) và đồng (Cu),… giảm tổng lượng chất rắn hòa tan (TDS) xuống dưới 300 mg/L; xử lý hiệu quả các hợp chất hữu cơ và vi sinh vật,… đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nước uống theo QCVN 06-1:2010/BYT của Bộ Y tế. Đặc biệt công nghệ CDI có ưu điểm vượt trội trong thu hồi nước sạch đạt trên 90% (giảm lượng nước thải bỏ khoảng 10%, trong khi lõi lọc RO có lượng nước thải bỏ lên đến 60-70%); giúp tiết kiệm được tài nguyên nước quý giá và tối ưu chi phí bảo dưỡng vận hành cũng như nâng cao tuổi thọ thiết bị.

Dự án “Ứng dụng công nghệ khử ion điện dung xử lý nước uống tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, đã góp phần thực hiện thành công Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, giai đoạn 2021- 2025. Và có những đóng góp tích cực trong việc giải quyết thực trạng về nhu cầu và chất lượng nước sạch, đảm bảo sức khỏe và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các cán bộ, giáo viên và các em học sinh tại các điểm trường nói riêng và người dân địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung. Dự án không chỉ phù hợp với chính sách phát triển khoa học công nghệ mà còn nâng cao chất lượng kinh tế- xã hội tại địa phương.

Dự án được triển khai đảm bảo về số lượng, chất lượng, trong khuôn khổ khung thời gian và nguồn kinh phí theo đúng thuyết minh dự án được phê duyệt và hợp đồng được ký kết với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ. Việc thực hiện và triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ khử ion điện dung xử lý nước uống tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” là cần thiết và phù hợp cho hiện tại và những kế hoạch mục tiêu phát triển của tương lai.

Lê Văn Giang, chủ nhiệm dự án trình bày báo cáo kết quả

Tại Hội  nghị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao quá trình thực hiện và các kết quả đạt được dự án khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết luận tại hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã thống nhất đánh giá xếp loại “Đạt” và nghiệm thu kết quả thực hiện dự án./.

VNU-CRES

Tags: , , , , ,