Ngày 3/7/2023 Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch Bảo vệ Môi trường thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Trần Hồng Hà.
Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội liên danh với Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Gói thầu số 04: Tư vấn Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHBVMTQG) thuộc Nhiệm vụ Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ đầu tư là Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quy hoạch BVMTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu về BVMT, phục vụ PTBV đất nước dựa trên sắp xếp, định hướng phân bố không gian phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường theo lãnh thổ xác định để BVMT. Hoạt động BVMT hướng tới thực hiện xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero).
Quy hoạch là một bước cụ thể hóa Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch BVMT nhằm chủ động ngăn ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; bảo vệ tính nguyên vẹn của các hệ sinh thái tự nhiên; thiết lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trên phạm vi toàn quốc.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể về xác lập và quản lý: 256 khu bảo tồn thiên nhiên (khoảng 6,7 triệu ha); 21 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để bảo tồn giai đoạn 2021-2025; 13 hành lang đa dạng sinh học trên cả nước (hơn 1,55 triệu ha); 41 khu vực đa dạng sinh học cao (gần 3 triệu ha); 24 cảnh quan sinh thái quan trọng (gần 9,3 triệu ha); xác lập và quản lý 10 vùng đất ngập nước quan trọng (hơn 0,14 triệu ha)…
Quy hoạch còn đặt ra mục tiêu hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, vùng, tỉnh có quy mô công suất, công nghệ xử lý phù hợp đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý được toàn bộ lượng chất thải rắn phát sinh trên phạm vi cả nước, hạn chế chôn lấp trực tiếp.
Cụ thể, đến năm 2030 sẽ hình thành 3 khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại mỗi vùng kinh tế-xã hội; 1 khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh tại mỗi tỉnh. Tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 98% (riêng tỉ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%); tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 95% ở đô thị và 90% ở nông thôn; tỉ lệ tái sử dụng, tái chế trên 65%…
Sau khi nghe báo cáo của hai đơn vị tư vấn lập Quy hoạch các thành viên Hội đồng cũng đã nêu một số ý kiến nhằm bổ sung hoàn thiện QHBVMQG như:
Cần làm rõ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng; xem xét tính khả thi và rà soát lại định hướng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Quy hoạch đa dạng sinh học quốc gia.
Khuyến khích, thúc đẩy nguồn lực xã hội hoá trong cung cấp các dịch vụ môi trường, hệ sinh thái, xử lý chất thải rắn, nguy hại; ưu tiên công nghệ xử lý kết hợp thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phát triển ngành công nghiệp tái chế, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nêu rõ “Quy hoạch BVMT là công cụ hết sức quan trọng để thực thi Luật BVMT năm 2020, là nền tảng giúp các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp chuyển đổi kinh tế xanh, tăng trưởng xanh”, “Quy hoạch thể hiện tư duy tiên phong, dẫn dắt phát triển xanh, đầu tư vào tự nhiên, tạo ra những ngành công nghiệp không khói, tạo ra những giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Nhiệm vụ QGBVMT được Hội đồng nghiệm thu đồng ý thông qua trên cơ sở hoàn thiện chỉnh sửa. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch Thiết kế Nông nghiệp là hai đơn vị tư vấn của Nhiệm vụ nghiên cứu, thu thập, xây dựng, cập nhật bổ sung thêm dữ liệu về các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và tính khả thi của việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải tập trung trong khi đang đẩy mạnh phân loại, xử lý, tái chế rác thải tại nguồn.
Một số hình ảnh buổi hội nghị: