Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu được chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới hết sức quan tâm. Hiện nay, Đảng và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới sự phát triển bền vững của biển và hải đảo và đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Được sự đồng ý của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Viện Kỹ thuật Nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” trong 2 ngày 29-30/11/2019. Mục đích của Hội thảo nhằm (i) Chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam cũng như trên thế giới; (ii) Tạo cơ hội mở rộng hợp tác và hình thành mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam và các nước trên thế giới.
Hội thảo đã quy tụ hơn 160 các nhà khoa học của các viện nghiên cứu và trường đại học trong cả nước (như ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Thủy Lợi, Trường ĐH Hà Tĩnh, Trường ĐH Quảng Bình, Trường ĐH Thủy Lợi, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Lâm nghiệp, Trường ĐH TN&MT Hà Nội, Trường ĐH Mỏ – Địa chất,…); các cán bộ quản lý đến từ các Bộ, ngành, địa phương; các cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hàng chục chuyên gia, các nhà khoa học của các trường đại học hàng đầu thế giới như Trường Đại học Birmingham, Trường Đại học Leeds, Trường Đại học Strathclyde (Vương Quốc Anh); Trường Đại học Florida (Hoa Kỳ); Trường Đại học Korea (Hàn Quốc); Đại sứ Quán Bangladesh tham dự Hội thảo đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong cuộc chiến chống rác thải nhựa toàn cầu.
Với trên 35 báo cáo và 16 bài tham luận khoa học đã làm rõ được các nội dung theo các chủ đề chính là: (i) Hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa và tác động của rác thải nhựa đến thiên nhiên và con người; (ii) Giải pháp và công nghệ xử lý rác thải nhựa và vật liệu chất dẻo; (iii) Chính sách quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
phát biểu khai mạc Hội thảo
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS. Trần Đại Lâm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo. Đồng thời, các đồng chí Lãnh đạo đã đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Viện tài nguyên và Môi trường trong việc chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý và viện nghiên cứu lớn để tổ chức Hội thảo Quốc tế có ý nghĩa này.
TS. Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu chào mừng Hội thảo
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 29-30/11/2019, trong đó ngày 30/11/2019 các đại biểu đã đi tham quan thực tế về đường di chuyển của rác thải nhựa từ các đô thị lớn (Hà Nội, Hà Nam) ra vùng cửa sông ven biển (Nam Định).
Hội thảo lần này là một diễn đàn quan trọng, đồng thời tạo ra cơ hội hết sức ý nghĩa đối với các nhà khoa học của Việt Nam để trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa nói chung và hạt vi nhựa nói riêng; các tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái, sinh vật và sức khỏe con người; cũng như các giải pháp quản lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Đồng thời, Hội thảo góp phần kết nối, khởi động cho các chương trình hợp tác nghiên cứu về giải pháp và chính sách quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa của Việt Nam với các đối tác quốc tế trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học cho rằng, chất thải nhựa tồn dư trong môi trường rất lâu dài, hàng trăm năm và đang đầu độc, hủy diện các loài sinh vật biển, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Rác thải nhựa đại dương là vấn đề lớn và phức tạp không chỉ ở tính chất, mức độ, quy mô, phạm vi mà còn cả về mặt tri thức, sự hiểu biết cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi của chúng. Chúng ta mới giải quyết một phần rất nhỏ rác thải nhựa ở mức độ phong trào như phong trào nhặt rác, hay cam kết hạn chế và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; con đường đi của rác thải nhựa từ đất liền ra biển qua các con sông và đã làm các dòng sông bị ô nhiễm. Giải quyết bài toán rác thải nhựa cần có một chiến lược và giải pháp tổng thể mang tính đồng bộ, trong đó ưu tiên quản lý hiệu quả rác thải nhựa tại nguồn; tìm kiếm các công nghệ và vật liệu mới thay thế các sản phẩm nhựa; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về rác thải nhựa; các giải pháp công nghệ tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa; ứng dụng công nghệ sinh học đẩy nhanh quá trình phân hủy rác thải nhựa; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng giảm thiểu rác thải nhựa,…
Đối với Việt Nam, các kết quả nghiên cứu về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa và tác động của rác thải nhựa đến môi trường, các hệ sinh thái, sinh vật và đặc biệt là các ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dó đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chia sẻ các kinh nghiệm và tìm các giải pháp quản lý và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay. Các đại biểu tham dự đều thống nhất kiến nghị rằng, Cơ quan quản lý của Việt Nam cần phải ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để huy động đội ngũ các nhà khoa học của các cơ quan nghiên cứu tham gia vào các chương trình nghiên cứu quản lý và đề xuất các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần hiện thực hóa và thực hiện thành công các cam kết quốc tế của Việt Nam về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Một số hình ảnh tại hộ thảo:
Toàn cảnh Hội thảo
Các diễn giả trình bày và trả lời câu hỏi của các đại biểu
Các đại biểu trao đổi thảo luận với các diễn giả
PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường
tổng kết Hội thảo
Các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu thực tế đường đi của rác thải nhựa tại ngã ba sông Đáy với sông Châu Giang kết nối với sông Hồng
Các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu thực tế đường đi của rác thải nhựa tại Trạm bơm Hữu Bi kết nối sông Đáy và sông Hồng thông qua sông Châu Giang