Hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu lần thứ VI Đảng bộ ĐHQGHN nhiệm kỳ 2020 -2025, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Phó giám đốc ĐHQGHN đã chia sẻ về những thành tựu mà Đảng bộ ĐHQGHN đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 cũng như những mong muốn của Giáo sư về sự phát triển của ĐHQGHN trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ĐHQGHN đã hoàn thành nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ trước đã đặt ra, thậm chí nhiều mục tiêu hoàn thành vượt mức. ĐHQGHN đã có nhiều chủ trương mới thúc đẩy các hoạt động đổi mới giảng dạy và nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; tham gia nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) lớn của quốc gia và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đại học uy tín trên thế giới.
Bên cạnh những bước phát triển và những thành tựu với tư cách là một cơ sở giáo dục hàng đầu của Việt Nam như vươn lên trong các bảng xếp hạng các trường đại học tốp đầu thế giới và khu vực, tăng thêm số lượng công bố các công trình trên các tạp chí quốc tế thì những điểm sáng nổi bật ở ĐHQGHN là thể hiện trách nhiệm quốc gia và vai trò nòng cột trong hệ thống giáo dục và đào tạo của đất nước.
QS Top 50 Under 50 2021: Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng này, với vị trí trong nhóm 101-150 các trường đại học trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới.
Lần đầu tiên được Chính phủ tin tưởng giao làm cơ quan chủ trì chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước (Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc), ĐHQGHN đã phát huy thế mạnh của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực với đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo, các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương đánh giá cao. Đây là một chương trình có tính hướng đích và ứng dụng cao. Việc quyết định chọn một cơ quan chủ trì xứng tầm, có đủ năng lực, nhân lực, thời gian, kinh nghiệm và đội ngũ khoa học tâm huyết là chìa khóa để thực hiện thành công Chương trình. Đến thời điểm này, những kết quả đạt được đã minh chứng thuyết phục cho quyết định đó.
Sau 7 năm triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, có 58 nhiệm vụ đã được phê duyệt và triển khai, trong đó có 55 đề tài và 03 dự án sản xuất thử nghiệm. Toàn bộ 58 đề tài, dự án triển khai trong Chương trình đã được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu được điều tra và khảo sát thực tiễn với các phương pháp, cơ sở vật chất và cách tiếp cận phong phú, đa dạng và hiện đại, phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ.
Nếu nhìn vào kết quả nhiệm kỳ và Nghị quyết đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V có thể thấy thành công của chương trình Tây Bắc được coi là điểm son. Những kết quả Chương trình đã giúp nhận diện vùng Tây Bắc một cách đầy đủ từ đó đưa ra các giải pháp phát triển toàn diện, hiệu quả, góp phần làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của đồng bào.
Cùng với Chương trình Tây Bắc, ĐHQGHN còn đảm nhận những nhiệm vụ quốc gia khác như Nghiên cứu, biên soạn bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Đề án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm Kinh điển phương Đông (Dự án kinh điển phương Đông). Đồng thời ĐHQGHN đã động viên và tạo điều kiện để các nhà khoa học tham gia tích cực và Đề án Quốc gia nghiên cứu, biên soạn bộ lịch sử Việt Nam (Bộ Quốc sử) với quy mô lên tới 25 tập thông sử và 5 tập biên niên sự kiên, trong số đó 15 tập là do cán bộ của ĐHQGHN làm chủ biên. Không chỉ vậy, từ năm 2019, ĐHQGHN đã bắt tay triển khai Dự án xây dựng Trung tâm tư liệu về Việt Nam học mang tầm cỡ quốc tế. Khi đi vào hoạt động, cùng với sự phát triển của ngành Việt Nam học, Trung tâm sẽ đưa ĐHQGHN trở thành địa chỉ quan trọng của thế giới đối với các nghiên cứu về Việt Nam. Điều này không chỉ tạo sức hút, gia tăng nguồn lực mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia.
Việc thành lập Viện Trần Nhân Tông là một trong những điểm sáng trong nhiệm kì vừa qua. Đây là ý tưởng táo bạo và đầy sáng tạo giúp nâng tầm nhận thức khoa học về Phật giáo, nhìn nhận Phật giáo dưới góc độ khoa học. ĐHQGHN giao cho Viện Trần Nhân Tông biên soạn, biên dịch và chú giải các bộ Kinh điển phương Đông này.
Ngày 12/2/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp gỡ hơn 70 nhà khoa học đang tham gia vào 5 đề án khoa học lớn: Nghiên cứu, Biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (gọi tắt là Quốc sử); Bách khoa toàn thư; Địa chí quốc gia Việt Nam (gọi tắt là Quốc chí); Hệ tri thức Việt số hóa; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.
Ngày 15/10/2016, ĐHQGHN đã tổ chức Hội nghị xúc tiến hoạt động của Viện Trần Nhân Tông. Đây là hoạt động đầu tiên của Viện kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập ngày 1/9/2016, nhằm bàn thảo về các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của Viện, đặc biệt là các việc khởi động cho chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học, dự kiến bắt đầu từ năm 2017.
Cũng trong nhiệm kì vừa qua, ĐHQGHN đã tiên phong thể hiện trách nhiệm quốc gia thông qua việc tư vấn phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương.Bên cạnh đó, các nhà khoa học ĐHQGHN đã tham gia nhiều hoạt động, phát huy vai trò nòng cột đối với sự phát triển của nền khoa học nước nhà. Tiêu biểu như việc đổi mới phương thức đánh giá, tuyển sinh; tham gia chủ trì các chương trình đổi mới giáo dục quốc gia, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “cá thể hóa”,…
ĐHQGHN đã thúc đẩy, xây dựng và phát triển Trường ĐH Việt Nhật,một mô hình hợp tác giáo dục tiên phong, cầu nối hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản.
Để tiếp tục đưa ĐHQGHN phát triển nên những tầm cao mới thì cần có chủ trương lớn, thực hiện theo khẩu hiệu “ONE VNU” – một thực thể gắn kết hữu cơ giữa các đơn vị thành viên, trực thuộc, từ đó nhân sức mạnh để kiến tạo thêm nhiều bứt phá trong quá trình phát triển và hội nhập. Những con người giỏi, tâm huyết với sự phát triển ĐHQGHN sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn của ĐHQGHN.
Thùy Dương – VNU Media
Nguồn: vnu.edu.vn