Trong khuôn khổ hợp tác giữa Ủy ban quốc gia Con người và sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) và tổ chức UNESCO Châu Á và Thái Bình Dương, TS. Võ Thanh Sơn, Phó viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (VNU-CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia Cuộc họp thường niên lần thứ 11 của Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển vùng Đông Nam châu Á (SeaBRnet) tại Chiang Mai, Thái Lan trong thời gian từ 21-25 tháng 5 năm 2018. Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) là danh hiệu của Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) về mô hình phát triển bền vững (PTBV), nhằm đảm bảo hài hòa giữa con người và thiên nhiên thông qua thực hiện 3 chức năng chính là bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và hỗ trợ nghiên cứu khoa học và giáo dục. Cho đến nay thế giới có 669 KDTSQ ở 120 quốc gia, trong đó Việt Nam có 9 khu.

Gần 100 đại biểu thuộc các nước Đông Nam châu Á (Cam-bô-đia, In-đô-nê-xia, Lào, Ma-lai-xia, My-an-ma, Phi-lip-pin, Thái Lan, Timor-Lesle, Việt Nam) và các nước châu Á khác (Bu-tan, Nhật Bản, Ne-pal, Trung Quốc) cùng với chuyên gia của UNESCO/MAB trong khu vực và thế giới đã tích cực thảo luận về kinh nghiệm quản lý các KDTSQ và đề xuất chương trình kế hoạch trong thời gian tới. TS. Võ Thanh Sơn đã tích cực tham gia thảo luận và trình bày kết quả tóm tắt của Đề tài về “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và quy trình giám sát đánh giá hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam” và nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển bền vững cho các KDTSQ. Cùng với các nghiên cứu về ứng dụng khoa học bền vững, xây dựng nhãn hiệu sinh thái và quy định luật pháp trong phân vùng chức năng cho KDTSQ, bộ tiêu chí và quy trình do Việt Nam đề xuất cũng đã đóng góp hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn thúc đẩy hiệu quả quản lý theo hướng bền vững cho hệ thống các KDTSQ trên thế giới và tại Việt Nam.