Phân tích các vấn đề môi trường trong bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010

[:vi]

 TS. Nguyễn Hữu Ninh – Trưởng nhóm
TS. Hồ Ngọc Luật, TS. Nguyễn Danh Sơn

  Tóm tắt nôi dung 

Bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2006 – 2010 (Bản dự thảo) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư  soạn thảo, thực sự là một dự thảo tốt, có nhiều đổi mới, đã đề ra các mục tiêu chính nhằm hướng tới phát triển bền vững với quy mô toàn quốc, đề cập tới các ngành, khu vực và nhấn mạnh các vấn đề còn tồn tại cũng như các phương án giải quyết trong năm năm tới.

 Một trong những cách tiếp cận  mục tiêu chính của Bản dự thảo lần này là kết hợp, lồng ghép các vấn đề  môi trường vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Để đạt được mục đích này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo ý kiến các chuyên gia có liên quan. Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở tổng quan các văn bản liên quan, thông qua các cuộc phỏng vấn, thảo luận bàn tròn với các câu hỏi đã được cơ cấu  phù hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy Bản dự thảo  có nhiều ưu điểm, tiến bộ. Tuy nhiên, Bản dự thảo cũng còn một số vấn đề nên bổ xung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đặt ra cũng như các cam kết quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã tham gia.

 Bản dự thảo đã đưa các vấn đề môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nhưng định hướng, mục tiêu, nội dung và giải pháp để thực hiện chưa cân đối. Bản dự thảo cũng đã so sánh những chỉ tiêu đã và chưa đạt được trong mục tiêu đã đề ra trong năm 2001-2005 và chỉ ra những mặt yếu và những vấn đề còn tồn tại, kể cả những vấn đề môi trường trong quá trình phát triển kinh tế cũng như các vấn đề môi trường trong giai đoạn 2001-2005.  Trong Bản dự thảo 2006- 2010, các khái niệm về phát triển bền vững chưa được  đưa vào một cách đầy đủ, cụ thể và xuyên suốt. Bản dự thảo cũng chưa đánh giá đầy đủ các nguồn tài nguyên tái tạo được và không tái tạo được, chưa có các chỉ tiêu môi trường phù hợp và khả thi. Bản dự thảo cũng chưa được xây dựng đầy đủ và chưa có các mối liên hệ với các báo cáo khác trong cùng một vấn đề nghiên cứu. ảnh hưởng của biến đổi môi trường toàn cầu, đặc biệt là các thiên tai, chưa được đánh giá chi tiết và thiếu một chiến lược thích ứng. Các định hướng đầu tư cũng như cơ chế hỗ trợ, ràng buộc chưa rõ ràng cho việc giải quyết các vấn đề môi trường nhằm hướng tới bảo vệ môi trường có hiệu quả và phát triển bền vững.

 Khuyến nghị của nghiên cứu bao gồm:

  1. Các văn bản quan trọng sau đây có thể cung cấp cở sở nền tảng cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được đề cập đến trong Bản dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2006- 2010 như: Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và Định hướng đến năm 2020; Kế hoạch 5 năm 2006- 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  2. Bản dự thảo nên đặc biệt nhấn mạnh nhiều hơn khía cạnh môi trường như là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 21 bằng cách đưa thêm các nội dung mục tiêu bền vững về môi trường trong các phần về mục tiêu chung, nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp chiến lược tương xứng với các vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng khác.
  3. Nên đưa các đánh giá nhận định (cả về mặt được và chưa được), thách thức và cơ hội, các nhận định, đánh giá, định hướng các giải pháp cũng như các chỉ tiêu môi trường, các số liệu điều tra cơ bản để làm cơ sở không chỉ cho việc nhận dạng vấn đề mà còn cả bố trí chiến lược, cân đối chiến lược các nguồn lực cho phát triển nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
  4. Dự báo môi trường là cần thiết trong phần 3 (Dự báo các cân đối lớn của nền kinh tế). Cần thiết phải phát triển hệ thống dự báo ô nhiễm, các kịch bản ô nhiễm và suy thoái môi trường cho mục tiêu lập kế hoạch kinh tế – xã hội và phân bổ ngân sách để giải quyết các vấn đề này.
  5. Cần ủng hộ áp dụng và đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là ở  các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như đối với các đầu tư lớn của/cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân và nhấn mạnh nhiều hơn vào sự hợp tác và hỗ trợ từ phía các nước phát triển trong thu hút đầu tư vào các công nghệ này.
  6. Đánh giá chiến lược môi trường (SEA) phải được quy định đối với  chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như các chương trình, dự án lớn, mang tính chất khu vực.
  7. Đưa các vấn đề quản lý đa dạng sinh học và vấn đề thay đổi về sử dụng đất (như đã được đề cập đến trong Chiến lược Bảo vệ Môi trường Quốc gia đến năm 2010 và Định hướng đến năm 2020) cũng như tăng cường chất lượng vấn đề quản lý các nguồn tài nguyên trong phần Mục tiêu chủ yếu.
  8. Chi tiêu của chính phủ về môi trường theo tinh thần Nghị quyết 41 lên mức tối thiểu 1% (không bao gồm đầu tư cho cơ ở hạ tầng) cho công tác quản lý môi trường là mục tiêu tài chính quan trọng và khuyến khích nhiều hơn nữa ODA phân bổ cho lĩnh vực môi trường (20% trong tổng số ODA).
  9. Cần đề ra các biện pháp tăng cường hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và thực thi nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
  10. ủng hộ việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  11. Thừa nhận và ủng hộ tầm quan trọng của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội  (bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ) trong việc huy động các nguồn lực và thực hiện các mục tiêu môi trường.
  12. Cần thực hiện 3 hành động (A, K, P) liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

·  Tăng cường nhận thức (Awareness) của cộng đồng và những nhà hoạch định chính sách về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

·  Cung cấp các kiến thức  (Knowledge) về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho cộng đồng và các công chức.

·  Tạo cơ chế thuận lợi để cộng đồng và công chức thực hiện (Practice) những hành động liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hành động P là khâu yếu nhất cần cải thiện để đáp ứng với những mục tiêu dân số và địa phương.

  1.   Xác định các vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu như các hiện tượng thời tiết cực đoan  (bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng…) và thay đổi môi trường toàn cầu (hiện tượng ấm lên toàn cầu, tăng mực nước biển, sóng thần…) bao gồm cả việc cảnh báo các tác động của những hiện tượng này và các chiến lược ứng phó.

Xem file chi tiết[:]