Scott Roberton, Trần Chí Trung và Frank Momberg
Tháng 5 năm 2003

Tóm tắt

Vườn quốc gia Pù Mát nằm ở dãy Bắc Trường Sơn được coi là cảnh quan ưu tiên cho bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam và có vị trí quan trọng trong việc bảo tồn các khu hệ động thực vật đặc hữu của dãy Trường Sơn. VQG Pù Mát là nơi sống của các loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Thỏ vằn Trường Sơn (Nesolagus timminsi (Baltzer và cộng sự, 2001). Hơn nữa, đây là nơi có vị trí quan trọng trong việc bảo tồn các loài thú lớn đang bị đe doạ ở cấp độ quốc tế như Voi, Hổ, Gấu, Vượn má trắng, Trà vá chân đỏ (SFNC/FFI, 1998). VQG còn được liệt vào danh sách một trong những vùng chim quan trọng (IBA). Pù Mát cũng là nơi có số lượng lớn các loài chim mang đặc trưng cho rừng thường xanh trên núi thấp, trong đó có hơn 50 loài phân bố hẹp trong tiểu vùng sinh thái nhiệt đới (Tordoff ed. 2002). 

 

Do có diện tích rừng khá lớn thuộc VQG Pù Mát và phần nằm tiếp giáp với Lào nên việc bảo vệ các sinh cảnh có vai trò vô cùng quan trọng. Thật không may, tình trạng săn bắn, khai thác gỗ trái phép và buôn bán động vật hoang dã đang diễn ra mạnh mẽ và đe doạ tới đa dạng sinh học của VQG. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng, sự khai thác quá mức động vật hoang dã đang ngày càng mạnh mẽ và phổ biến ở Pù Mát. Đặc biệt, các loài thú lớn trong tình trạng nguy cấp như Hổ, Gấu, Bò Tót, Trà vá chân đỏ bị săn bắn và đánh bẫy có nguy cơ tuyệt chủng.

Nhận thức được tình trạng buôn bán và săn bắt là những tác nhân chính đe doạ công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Pù Mát, SFNC và TRAFFIC đã thực hiện một đánh giá về buôn bán động vật hoang dã ở khu vực này trong năm 1999. Để đánh giá lại tình hình buôn bán ĐVHD, năm 2003 SFNC đã đặt hàng nghiên cứu về điều tra sự thay đổi trong động lực buôn bán động vật hoang dã ở khu vực VQG Pù Mát. Nghiên cứu này “thay đổi sinh kế” còn xem xét tầm quan trọng của săn bắn tới kế sinh nhai của cộng đồng địa phương, cũng như xem xét năng lực của các cơ quan liên quan và hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp lý liên quan đến săn bắn và buôn bán đông vật hoang dã. Nghiên cứu cũng đề cập đến tác động của dự án SFNC tới việc kiểm soát buôn bán và săn bắn động vật hoang dã ở khu vực này.

 Phương pháp nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu gồm 4 thành viên đã thực hiện khảo sát tại 7 thôn và 3 huyện thuộc vùng đệm VQG Pù Mát và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2003. Để thu thập các số liệu về săn bắn, buôn bán động vật hoang dã và tầm quan trọng của ĐVHD đối với kế sinh nhai của cộng đồng địa phương, nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhiều phương pháp như phỏng vấn bán cấu trúc về kinh tế xã hội, họp và thảo luận các nhóm người dân địa phương, phỏng vấn không chính thức các thông tin viên chủ trốt và phương pháp quan sát. Trong từng thời điểm thích hợp nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các câu chuyện xã giao – “cover story” để giới thiệu mục đích công việc của nhóm nhằm khuyến khích người được phỏng vấn cung cấp thông tin có chất lượng.

Nhóm nghiên cứu gồm 2 thành viên đã thực hiện phỏng vấn tại các hạt kiểm lâm và kiểm lâm VQG Pù Mát để đánh giá về tổ chức, năng lực và hiệu quả của việc kiểm soát buôn bán và săn bắn động vật hoang dã. Các phương pháp sử dụng bao gồm: thảo luận nhóm có sự tham gia cho các kiểm lâm viên, phỏng vấn bán cấu trúc các hạt trưởng, kiểm lâm viên và nhân viên dự án SFNC, đánh giá nhu cầu đào tạo theo bảng câu hỏi chuẩn của ASEAN (Appleton và cộng sự, 2003).

Săn bắn và buôn bán động vật hoang 

Quần thể các loài động vật hoang dã ở VQG Pù Mát đã giảm sút. Không những các thợ săn và chủ buôn bán khẳng định sự suy giảm số lượng các loài, kết quả khảo sát đa dạng sinh học do FFI và Birdlife thực hiện trong tháng 5 và tháng 6 năm 2003 cũng đưa ra kết luận tương tự (trao đổi cá nhân với Lê Trọng Trải).

Do sự suy giảm số lượng các loài, săn bắn để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu rất lớn sang Trung Quốc vì mục đích làm thuốc (đặc biệt các loài có giá trị cao như hổ, gấu, tê tê) đã chuyển hướng sang vùng rừng thuộc Lào và các khu rừng đầu nguồn của VQG Pù Mát tiếp giáp nước bạn Lào.

Săn bắn các loài như nai, lợn rừng, nhím, rắn và thú ăn thịt nhỏ vì mục đích buôn bán thực phẩm tiêu thụ tại các nhà hàng đặc sản thay vì mục đích tự cung tự cấp trước đây do ảnh hưởng của giá cả thị trường tăng cao, nhu cầu của các tầng lớp trung lưu ở các thị trấn huyện và đô thị lớn như Vinh, Hà Nội. Các cán bộ nhà nước chiếm tỷ lệ lớn trong số khách hàng tiêu thụ động vật hoang dã.

Sự thương mại hoá động vật hoang dã gia tăng mức độ tinh vi của các hình thức săn bắn. Giá cả thị trường tăng cao gây nên sự gia tăng các loại tội phạm như hối lộ, tham nhũng, các hình thức vận chuyển trái phép để qua mắt cơ quan chức năng (ví dụ dùng xe công an, xe cứu thương, đeo biển giả xe quân đội, chính phủ, thậm chí vận chuyển bằng xe tang, xe đám cưới).

 Tầm quan trọng của động vật hoang dã tới khẩu phần ăn và thu nhập của cộng đồng địa phương

 Trong khi săn bắn đang dần mất đi tầm quan trọng trên phương diện sinh kế của cộng đồng địa phương thì đối với một số thôn, săn bắn vì mục đích tự cung tự cấp vẫn quan trọng xét trên mục đích cung cấp nguồn thực phẩm cho nhiều hộ gia đình, đặc biệt những hộ thiếu đất canh tác và thiếu lương thực. Tuy nhiên, các loài cá, cua, ếch nhái, ốc đánh bắt được vẫn là nguồn thực phẩm quan trọng cho phần lớn cộng đồng dân cư ở đây. Hầu hết động vật hoang dã săn bắt được đều bị bán thay vì tiêu thụ trong cộng đồng địa phương như trước đây. Sự thương mại hoá này thể hiện rõ bởi các thợ săn chuyên nghiệp, những người mà thu nhập của họ từ hoạt động săn bắn chiếm tỷ phần lớn trong tổng thu nhập hộ. Đối với một vài người trong số thợ săn chuyên nghiệp này, trở thành thợ săn vì phần nhiều bởi lối sống hơn là mục đích kinh tế đơn lẻ, khi mà chỉ riêng giải pháp về kế sinh nhai không thể kiểm soát hay ngăn chặn được hoạt động săn bắn.

 Những khó khăn trong kiểm soát buôn bán và săn bắn động vật hoang 

 Trong khi một số cán bộ kiểm lâm có tâm huyết với nghề nhưng số khác lại thực sự thiếu nhiệt tình. Điều này một phần do những cán bộ thiếu công tâm gồm các nhân viên được chuyển từ các cơ quan khác về. Ngoài ra, thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền huyện và từ các cơ quan chức năng trong ngành dọc của cục kiểm lâm cũng làm giảm lòng nhiệt tình và yêu nghề của một số cán bộ kiểm lâm.

Thiếu các cơ chế chính sách như chế độ lương và công tác phí không đủ đã làm cho lòng yêu nghề suy giảm, hơn nữa dẫn đến tình trạng tham nhũng trong lực lượng kiểm lâm. Tham nhũng là một trong những nhân tố hạn chế hiệu quả của việc thực thi luật. Điều này đã được thủ tướng đề cập trong chỉ thị 12/CP-TTG ban hành ngày 16 tháng 5 năm 2003. Chỉ thị cũng đề cập đến giải pháp chống tham nhũng trong ngành lâm nghiệp.

Sự thực thi kém hiệu quả cũng do tình trạng uống rượu trong giờ làm việc. Một số cán bộ kiểm lâm không thể đảm nhiệm được công việc và trách nhiệm của mình do hậu quả của việc uống rượu trong giờ làm việc.

Hệ thống lưu trữ dữ liệu kém, thêm vào đó là ít phân tích và xử lý thống tin, bao gồm thu thập và xử lý số liệu liên quan đến vụ vi phạm (ngoại trừ kiểm lâm VQG Pù Mát) hạn chế hiệu quả thực thi của cán bộ kiểm lâm viên, cũng như chỉ đạo của lãnh đạo các chi cục và hạt kiểm lâm.

Công việc, trách nhiệm và phương thức chưa rõ ràng cho kiểm lâm viên. Hạn chế và sự không đồng đều về trình độ giữa kiểm lâm viên về các mặt sau:

  • Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và an toàn sức khoẻ
  • Luật, chính sách và quy định liên quan đến công việc
  • Thu thập, lưu trữ chứng cứ
  • Sử dụng súng
  • Quyền của kiểm lâm trong việc khám xét nhà, tịch thu, thanh tra và bắt giữ
  • Kỹ năng điều tra và phỏng vấn
  • Kỹ thuật tuần tra
  • Kỹ năng chống cháy
  • Nhận dạng loài
  • Bảo trì thiết bị

 Tập huấn không thường xuyên, thiếu tập huấn định kỳ và có kế hoạch (thể dục thể chất, thảo luận về chính sách và văn bản pháp quy mới, phổ biến định kỳ, huấn luyện). Hạn chế thực hành và phát triển kiến thức, kỹ năng là những vấn đề cần được giải quyết.

Kiểm lâm viên ở hạt kiểm lâm không được trang bị đầy đủ. Mặc dù VQG Pù Mát được trang bị tương đối tốt nhưng kỹ năng bảo trì thiết bị lại yếu kém.

 Tác động của dự án SFNC tới kiểm soát săn bắn và buôn bán động vật hoang dã

 Việc hình thành cơ chế khuyến khích bằng việc tăng tiền trợ cấp ngoại nghiệp, cải thiện hệ thống lưu trữ dữ liệu và báo cáo, gia tăng tập huấn, hoàn thiện các trạm kiểm lâm và thiết bị đã tăng khả năng tuần tra và cải thiện hiệu lực thực thi ở VQG Pù Mát. Cần quan tâm hơn là chế độ và chính sách trợ cấp ngoại nghiệp có được duy trì hay không khi dự án kết thúc và khả năng sử dụng ngân sách của chính phủ.

Tịch thu súng đã đóng góp vào sự giảm thiểu đe doạ tới động vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật trên cây như linh trưởng.

Các hoạt động của dự án SFNC gia tăng nhận thức bảo tồn nhưng chưa thay đổi được thái độ và hành vi của người dân địa phương (đặc biệt là thợ săn, đầu nậu và chủ buôn bán).

Các hoạt động của dự án SFNC đã tham gia đóng góp vào công tác xoá đói giảm nghèo nhưng lại có ít tác động tới kinh tế hộ gia đình của các thợ săn. Các hoạt động phát triển chưa kết nối với bảo tồn cũng như chưa mang lại hiệu quả cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Dự án SFNC chưa có tác động đáng kể và chưa ảnh hưởng tới chính quyền tỉnh và huyện trong việc giải quyết tình trạng buôn bán và săn bắn động vật hoang dã một cách có hiệu quả. Tình trạng săn bắn và buôn bán ĐVHD tiếp diễn đã và đang đe doạ tới đa dạng sinh học của VQG Pù Mát. Các tiêu chí đề mà các hoạt động của dự án đề ra (ổn định và gia tăng số lượng 20 loài thú và 25 loài thực vật quan trọng, giảm 50% số vụ vi phạm ở khu bảo vệ) không thể đạt được do thiết kế dự án và phân bổ tài chính chưa hợp lý.

Hành động thực thi nhằm tăng cường kiểm soát săn bắn và buôn buôn bán ĐVHD

 Các hành động triển khai để kiểm soát buôn bán và săn bắn ĐVHD được xác định bao gồm:

  • Tăng hiệu quả của các hoạt động thực thi pháp luật

Các hoạt động cần có là triển khai và thực thi các chương trình tập huấn, cung cấp các thiết bị cần thiết, xây dựng và phát triển mạng lưới cung cấp thông tin, lưu trữ và phân tích số liệu, điều tra bí mật, tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông, tiếp tục thu hồi súng và triển khai chế độ khen thưởng các kiểm lâm viên và lãnh đạo các đơn vị kiểm lâm.

  • Tăng cường hoạt động thanh tra kiểm soát trong ngành kiểm lâm

Bao gồm các hoạt động điều tra, phát hiện tham nhũng và công tác bảo vệ rừng kém hiệu quả của nhân viên bảo tồn; Thực hiện tiêu chuẩn ngành ASEAN đánh giá các nhân viên bảo tồn và kiểm lâm; Ban hành chỉ thị của tỉnh nghiêm cấm cán bộ nhà nước tiêu thụ động vật hoang dã; triển khai chiến dịch truyền thông nhằm khen ngợi các cá nhân và tổ chức đạt thành tích trong công tác bảo vệ rừng.

  • Nâng cao kiến thức và giám sát các hoạt động vi phạm pháp luật

Tập huấn và triển khai các điều tra bí mật về săn bắn, buôn bán động vật hoang dã và khai thác gỗ trái phép.

  • Gia tăng hiệu quả của các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học

Xác định các hoạt động phát triển nhằm giảm thiểu trực tiếp các tác động tiêu cực tới ĐĐSH. Các dự án phát triển cần tập trung vào các nhóm đối tượng là các hộ gia đình mà thu nhập của họ phụ thuộc vào khai thác lâm sản hay các hộ nghèo coi đó như là kế sinh nhai. Hỗ trợ và triển khai khung hành động quản lý theo thôn bản và hộ gia đình.

  • Nâng cao sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn

Thiết lập hệ thống quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, chẳng hạn như quản lý việc đánh bắt cá ở suối – một hoạt động vô cùng quan trọng đối với sinh kế địa phương.

  • Cải thiện hệ thống cứu hộ động vật hoang dã tịch thu được từ thợ săn và đầu nậu

Thiết lập cơ chế hoạt động cho công tác cứu hộ và thả về rừng. Tăng cường hợp tác với các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã khác như trung tâm cứu hộ Sóc Sơn hay ở Cúc Phương.

  • Xác định các giải pháp và hoạt động hỗ trợ cho bảo tồn quần thể gấu liên quan đến vấn đề quản lý gấu nuôi hiện nay

Các hoạt động đó gồm có đánh giá tình trạng nuôi gấu theo các khía cạnh kinh tế và bảo tồn; triển khai khung pháp lý cho hệ thống kiểm soát nuôi, buôn bán gấu và các bộ phận của gấu một cách hiệu quả.

  • Thúc đẩy và triển khai các công tác nhân nuôi động vật hoang dã

Xem xét lợi ích thực tiễn việc nhân nuôi động vật hoang dã về các mặt như kinh tế, bảo tồn và các giá trị khác mà động vật đem lại; đánh giá và triển khai khung pháp lý cho việc nhân nuôi động vật hoang dã.

Chi tiết các hành động và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan thực thi ở Nghệ An được thảo luận và xây dựng trong hội thảo gồm các bên liên quan được trình bày trong báo cáo này (Triển khai các hành động ngăn chặn khai thác và buôn bán động vật hoang dã ở VQG Pù Mát, Nghệ An, SFNC 2003).

Tiêu chí cho công tác kiểm soát săn bắn và buôn bán động vật hoang 

Do khuyến nghị từ đợt khảo sát năm 1999 chưa được thực hiện hiệu quả, nhóm nghiên cứu xin đề nghị 3 khuyến nghị cho dự án tiếp theo để có thể đảm bảo kết quả:

No

Nội dung

Hành động

Kế hoạch

B1

Ngăn chặn và xử lý các nhà hàng kinh doanh thịt thú rừng ở Vinh Chi cục Kiểm lâm Nghệ An nên triển khai việc kiểm tra bất ngờ tại các nhà hàng. Nếu nhà hàng nào vi phạm thì đề nghị UBND tỉnh gia lệnh đóng cửa.

Hoàn thành vào

12/2003

B2

Ngăn chặn và xử lý các đầu nậu, con buôn động vật hoang dã ở vùng đệm VQG Pù Mát Hạt kiểm lâm Pù Mát và Con Cuông cần hợp tác, xây dựng hồ sơ xử lý các đầu nậu động vật hoang dã. Bao gồm tham gia thu thập thông tin, chứng cứ, xử phạt, và tịch thu động vật hoang dã.UBND tỉnh cần trao quyền cho các hạt kiểm lâm thực hiện khám xét và kiểm tra bất chợt những nhà hàng hay cá nhân, những người bị tình nghi liên quan đến buôn bán ĐVHD.

Hoàn thành vào

12/2003

B3

Cần ngăn chặn và xử lý các nhà hàng kinh doanh thịt thú rừng ở vùng đệm VQG Pù Mát Cán bộ kiểm lâm đã phát hiện bằng chứng vi phạm (ví dụ từ nhiều nguồn thông tin, sừng trang trí trong nhà, thú nhồi…..). Theo nghị định 39 – CP, họ có thể tổ chức khám xét nhà hàng và bắt giữ chủ nhà hàng.  UBND huyện sẽ ban hành quyết định uỷ quyền hạt kiểm lâm và VQG thực hiện việc khám xét các nhà hàng và khám nhà bất ngờ.

Hoàn thành vào

12/2003

Xem file chi tiết