Trong 2 ngày 4 và 5/7/2024, tại tỉnh Thái Bình và Ninh Bình, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức thành công hội thảo “Quản lý bền vững rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Hồng”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ “Tối ưu hóa bảo tồn và phát triển hệ thống rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Hồng, Việt Nam” do Đại học Leeds, Vương quốc Anh, tài trợ.
Tham dự hội thảo, về phía Viện Tài nguyên và Môi trường có: PGS.TS. Bùi Ngọc Quý, Phó viện trưởng; TS. Lê Thị Vân Huệ chủ nhiệm nhiệm vụ, cùng các cán bộ tham gia thực hiện. Về phía các cơ quan địa phương tỉnh Thái Bình có: Ông Đinh Hải Lục, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Ông Mai Thế Hưng, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường. Về phía các cơ quan địa phương tỉnh Ninh Bình có: Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Ông Trần Anh Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Kim Sơn; cùng đại diện các cơ quan quản lý như Chi cục Kiểm lâm, Phòng Quản lý môi trường, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, các cán bộ đến từ sở ban ngành của hai tỉnh Thái Bình và Ninh Bình, các cán bộ từ các xã và đông bảo cộng đồng địa phương hai huyện Thái Thụy (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) cùng các tổ chức khoa học, viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội.
Mục đích chính của hội thảo là tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng địa phương cùng trao đổi và đưa ra các giải pháp nhằm phát triển bền vững đồng bằng sông Hồng. Hội thảo cũng hướng đến việc xây dựng hướng dẫn lập quy hoạch nhằm tối ưu hóa các mục tiêu phát triển và bảo tồn.
PGS. TS. Bùi Ngọc Quý, phó Viện trưởng, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, phát biểu khai mạc hội thảo tại tỉnh Thái Bình
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Ngọc Quý đã nhấn mạnh giá trị và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn và sự cần thiết phải bảo tồn. Hệ sinh thái này mang lại nhiều lợi ích như lưu trữ carbon, bảo vệ bờ biển, cung cấp thực phẩm và năng lượng. Tuy nhiên, rừng ngập mặn đang chịu tác động của biến đổi khí hậu và quá trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực ven biển và nuôi trồng thủy sản. Chỉ riêng giai đoạn 1983 – 2012, diện tích rừng ngập mặn tại Việt Nam giảm 35%, đã làm tăng tính dễ bị tổn thương của bờ biển và giảm khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên hỗ trợ sinh kế cho các cộng đồng ven biển. Trong khi đó, Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ chính trị về phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng đã nhấn mạnh cần liên kết quy hoạch bảo tồn và phát triển ở các vùng ven biển để phát triển bền vững nền kinh tế biển, lập quy hoạch hiệu quả ở các cấp nhằm phát triển bền vững nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo, bên cạnh việc bảo tồn môi trường. Vì vậy, hợp tác nghiên cứu “Tối ưu hóa bảo tồn và phát triển hệ thống rừng ngập mặn tại đồng bằng sông Hồng, Việt Nam” giữa Viện Tài nguyên và Môi trường với Đại học Leads, Vương quốc Anh sẽ xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng chí Phó Viện trưởng, mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý và cộng đồng địa phương cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện báo cáo về giải pháp bảo tồn và phát triển hệ thống rừng ngập mặn bền vững tại địa phương góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại đồng bằng sông Hồng.
TS. Lê Thị Vân Huệ chủ trì nhiệm vụ báo cáo kết quả của nhiệm vụ tại hội thảo
Trong khuôn khổ hội thảo tại hai tỉnh, TS. Lê Thị Vân Huệ đã trình bày báo cáo một số kết quả đã đạt được, đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát triển hệ thống rừng ngập mặn bền vững tại địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy rừng ngập mặn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái quan trọng, hỗ trợ sinh kế và phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương. Đồng bằng sông Hồng và hệ thống rừng ngập mặn đã trải qua nhiều thay đổi xã hội và lý sinh. Để giải quyết vấn đề này, quy hoạch cấp tỉnh cần đặt kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn. Việc nhận thức các giá trị địa phương về rừng ngập mặn và đưa vào quy hoạch là rất quan trọng. Do vậy, cần trang bị tốt hơn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng ngập mặn để họ tham gia quản trị rừng và cải thiện khả năng tiếp cận các lợi ích và lựa chọn sinh kế bền vững. Cần có nguồn vốn tài chính hỗ trợ sinh kế thay thế, ví dụ như Quỹ quay vòng do Hội Phụ nữ quản lý. Đối với các hộ gia đình phụ thuộc vào nuôi trồng thủy sản, phát triển nuôi trồng thủy sản cần góp phần bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn nhằm cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra các khuyến nghị: (1) Trồng và duy trì rừng ngập mặn trẻ thường xuyên để đảm bảo lưu giữ trầm tích ở các khu vực ven biển. (2) Công nhận giá trị địa phương về rừng ngập mặn và đưa vào chính sách của chính phủ để thúc đẩy tính bền vững của hệ thống rừng ngập mặn. (3) Quy hoạch cấp tỉnh cần đề ra kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn quan trọng.
Hội thảo cũng đã được nghe các ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, các nhà quản lý ở địa phương và đại diện cộng đồng cư dân sinh sống tại các vùng có rừng ngập mặn của hai tỉnh. Trong đó, nhiều ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm cũng như thảo luận và đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, góp phần phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội đã được nhóm nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện báo cáo về giải pháp bảo tồn và phát triển hệ thống rừng ngập mặn bền vững tại địa phương góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại đồng bằng sông Hồng.
Dưới đây là một số hình ảnh tại hội thảo:
Các đại biểu và khách mời tại tỉnh Thái Bình chụp ảnh chung tại trước sảnh của hội trường
Các đại biểu và khách mời chụp ảnh chung tại hội trường hội thảo huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
PGS.TS. Bùi Ngọc Quý Phát biểu khai mạc hội thảo tại tỉnh Ninh Bình
Tiến sĩ Lê Thị Vân Huệ, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả đề tài tại hội thảo.
Các đại biểu tại tỉnh Thái Bình đang tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến tại hội thảo
Các đại biểu tại tỉnh Ninh Bình đang tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến tại hội thảo
Tags: CRES, VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG, VNU