Ngày 6/12/2017, trong khuôn khổ hoạt động khoa học và công nghệ năm 2017, Viện Tài nguyên và Môi trường (VNU-CRES), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về “Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu”, nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia trình bày, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu gần đây về những khía cạnh liên quan đến đa dạng sinh học, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Ảnh 1. Chủ tịch đoàn phiên toàn thể chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ðại học Quốc gia Hà Nội, đại diện một số bộ ngành và địa phương, cùng sự hiện diện của gần 100 đại biểu, đến từ các viện, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu. Cùng tham gia Hội thảo còn có các cán bộ và cộng tác viên, các nghiên cứu sinh, cựu học viên, sinh viên của VNU-CRES.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Viện Tài nguyên và Môi trường, với tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, là một trong những cơ sở nghiên cứu có truyền thống trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững của cả nước. Trong hơn một thập kỷ qua, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ khoa học, cán bộ quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Những kết quả nghiên cứu này hàng năm đều được chia sẻ, trao đổi thông qua các cuộc hội thảo khoa học thường niên do Viện tổ chức. Vì vậy, Hội thảo lần này, ngoài mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất về các lĩnh vực trên, còn nhằm tăng cường trao đổi và mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan, các địa phương và các tổ chức trong và ngoài nước, cũng như giúp cho Viện định hướng nghiên cứu và đào tạo trong thời gian tới.
Ảnh 2. PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ ĐHQGHN phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Vũ Văn Tích –Trưởng ban Khoa học và Công nghệ – đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo. Đó là Hội thảo đã đề cập và bàn luận những vấn đề hết sức thời sự và nóng bỏng của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong xu thế ĐHQGHN tích cực khuyến khích các đơn vị thuộc các ngành khoa học xã hội, tự nhiên, kinh tế trong ĐHQGHN phối hợp với các bộ, ngành tiến hành các nghiên cứu mang tính chất liên ngành, đa ngành, lồng ghép và tích hợp các lĩnh vực khoa học, thể chế, chính sách, cả về tự nhiên và con người…, nhằm làm cho Việt Nam có thể ứng phó một cách nhanh chóng và có hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, ông cũng khẳng định, Viện Tài nguyên và Môi trường là một trong những đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tiên phong trong việc thúc đẩy các cách tiếp cận nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực, nhằm đem đến những kiến thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về biến đổi khí hậu và phản ứng của sinh giới, cũng như kiếm tìm những giải pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học một cách khôn ngoan nhất.
Ảnh 3. Th.S. Bùi Thị Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một trong những báo cáo viên, trình bày báo cáo tại Hội thảo
Ảnh 4. Một nhóm các báo cáo viên cùng thảo luận với cử tọa tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được 47 báo cáo khoa học và tham luận từ các nhà nghiên cứu và cán bộ quản lý từ các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và quản lý trên khắp cả nước, và 10 báo cáo tiêu biểu đã được lựa chọn trình bày tại 3 phiên họp, bao gồm phiên toàn thể “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu” và 2 phiên chuyên đề là “Mối quan hệ giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu” và “Bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu”. Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã báo cáo và thảo luận kết quả nghiên cứu về mối quan hệ qua lại giữa đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, cũng như các giải pháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Hội thảo đã tạo ra cơ hội tiếp cận kết quả nghiên cứu mới nhất, chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích, để từ đó có thể đóng góp tích cực và hiệu quả hơn cho công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước. Trong các mối tương tác giữa đa dạng sinh học, phát triển bền vững với biến đổi khí hậu, đã và đang có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học ở các ngành khác nhau, như môi trường, sinh học, địa lý, thủy văn, địa chất, kinh tế… và các nhà nghiên cứu về xã hội cùng chung tay xem xét và giải quyết các vấn đề ngày càng mở rộng này.
Ảnh 5. Các thành viên tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Kết luận Hội thảo, TS. Võ Thanh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp các ý kiến trao đổi thảo luận và rút ra đề xuất một số định hướng nghiên cứu và đào tạo trong thời gian tới của Viện, đó là thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái (ecosystem-based approach) và giải pháp dựa trên thiên nhiên (nature-based solution) trong ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu về dịch vụ hệ sinh thái và đề xuất khả năng áp dụng trong tăng trưởng xanh.
Ảnh 6. Các thành viên của VNU-CRES, những người đã tham gia chuẩn bị một cách tích cực cho sự thành công của Hội thảo