Giải quyết ô nhiễm nhựa không thể thiếu truyền thông

(TN&MT) – Cơn khủng hoảng ô nhiễm nhựa do chính con người gây ra và chính con người đang phải hứng chịu hậu quả. Giải quyết vấn đề này không hề đơn giản như việc dùng hay vứt một chiếc túi ni lông. Bởi lẽ, các chính sách dù vỹ mô song phải chạm tới được vấn đề sâu thẳm trong hành vi tiêu dùng của mỗi con người và của hàng tỷ người. Truyền thông chính là cầu nối quan trọng để các thông điệp từ chính sách được truyền tải đến cộng đồng.

IMG 20190618 181043
Tác giả tìm hiểu thực tế thu gom, xử lý rác trên đảo Bạch Long Vỹ

Tín hiệu vui

Ở nước ta, trong gần một năm qua, chống rác thải nhựa đã lan rộng, từ câu chuyện trên báo chí, mạng xã hội đến các hành động cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, một số hành động tự phát, manh mún đã nổi lên như quán cà phê không dùng ống hút nhựa, trào lưu các bạn trẻ tự mang cốc đến mua trà sữa… Tuy vậy, phải đến khi Bộ TN&MT phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa” vào tháng 10 năm ngoái, các hoạt động mới lan rộng và nhận được sự ủng hộ từ chính quyền các địa phương cũng như doanh nghiệp lớn.

Có thể kể đến việc Bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần. Nhiều tỉnh thành đã có công văn đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị…

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ tiêu thụ lượng túi ni lông khổng lồ như Co.opmart, Big C đã chuyển sang gói hàng bằng lá chuối hay dùng túi mỏng bằng bột ngô dễ phân hủy.

Nhiều tập đoàn lớn như AEON Việt Nam, Central Group Việt, Lavie, Panasonic Việt Nam, Sam Sung Electronics, An Phát Holdings, Vietnam Airlines…  đã cam kết sẽ có hành động giảm thiểu rác thải nhựa.

Lợi ích trước mắt của các hoạt động này rõ ràng đong đếm được. Cụ thể tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, trước đây, mỗi tháng văn phòng phải mua khoảng 30 – 40 thùng nước đóng chai, giờ chỉ cần mua một máy lọc (khoảng 6 – 7 triệu), vài chục chai thủy tinh (12.000 đồng/chai), thêm xe đẩy là có thể phục vụ nước cho cả cơ quan và hàng chục cuộc họp, tiếp khách mỗi ngày, với đủ nước nóng – lạnh.

Dễ thấy nhất là những hình ảnh “Trước – Sau” được đăng tải trên Facebook của “Thử thách dọn rác”. Ở nhiều nơi, “trước” là một bãi biển, một bờ kênh, một bãi đất chỉ thấy rác là rác, ngập tràn là những túi ni lông xanh đỏ, những chai nhựa nổi bập bềnh. “Sau” là hình ảnh sạch sẽ, gọn gàng, mang lại nhiều cảm xúc tích cực cho người tham gia và chứng kiến.

123
“Thử thách dọn rác” làm mưa làm gió đã chứng tỏ sức lan tỏa của truyền thông mạng xã hội. Ảnh: MH

Lợi ích lâu dài cũng không khó nhận biết. Đó là các điểm du lịch sẽ thu hút khách hơn; các thương hiệu, các sản phẩm mang “dấu ấn xanh” sẽ tự nó được quảng bá hiệu quả hơn chiến dịch quảng cáo nào…

Phong trào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi khi các cơ quan công quyền hay các doanh nghiệp lớn vào cuộc, phong trào chống rác nhựa sẽ có hiệu quả và lan tỏa rộng rãi, có quy mô và bền vững hơn nhiều.

Đặc biệt, ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi “nhà nhà hạn chế rác thải nhựa” thì chúng ta có niềm tin rằng, phong trào này sẽ thực sự trở thành những hành động thiết thực. Thói quen không sử dụng túi ni lông, hạn chế rác nhựa cũng sẽ sớm hình thành và trở thành lối sống của người Việt.

Truyền thông đứng ở đâu?

Phong trào “Nói không với rác thải nhựa” được phát động từ tháng 10/2018 và mới đây là phong trào “Chống rác thải nhựa” có thành công hay không, một phần phụ thuộc không nhỏ vào truyền thông.

Truyền thông đã tạo ra những làn sóng, giúp những nỗ lực của từng cá nhân, cộng đồng trở nên rộng rãi, để thuyết phục, để tạo áp lực, để buộc các bên liên quan từ doanh nghiệp đến người dân và người lãnh đạo phải thay đổi nhận thức về rác thải nhựa.

Có thể lấy một ví dụ cụ thể cho sức lan tỏa của truyền thông là “thử thách dọn rác” khởi nguồn từ ngày 5/3/2019 trên facebook Byron Román. Anh Byron Román đặt ra thách thức người chơi sẽ chụp ảnh nơi cần làm vệ sinh hoặc tôn tạo (trước), chụp thêm một bức ảnh nữa sau khi bạn đã hành động (sau) rồi đăng nó lên mạng xã hội. Phong trào có sức lan tỏa cực kỳ mạnh mẽ trên khắp thế giới và đến Việt Nam.

Phong trào chống rác nhựa trong nửa năm vừa qua cũng có sự vào cuộc tích cực của báo chí. Báo chí đã thức tỉnh, cảnh báo mọi người về sự khủng khiếp của ô nhiễm rác nhựa; lan tỏa những hành động đẹp và hướng dẫn mọi người cách giảm thiểu rác nhựa.

Tuy vậy, một phong trào dù lớn tới mấy mà không có sự duy trì, tiếp bước cũng sẽ có ngày bị thoái trào. Những con số, hình ảnh về rác thải nhựa khó phân hủy ra sao? tác hại thế nào?… sẽ nhanh chóng bị lãng quên chỉ trong thời gian ngắn. Giá trị của truyền thông là làm thấm dần vào trong ý thức mỗi người, từ đó thay đổi nhận thức. Khi đã có “tư tưởng xanh”, các hành động xanh sẽ từ đó nhân lên và bền vững.

Hãy tận dụng triệt để internet, sử dụng có hiệu quả truyền thông xã hội trong truyền tải các thông điệp liên quan đến chống rác thải nhựa. Cần đa dạng hóa, tận dụng mọi kênh truyền thông xã hội: Facebook, Twitter, Youtube, blog… Bởi truyền thông xã hội mang tính đa phương tiện lan tỏa kết nối rất nhanh, dễ tương tác, chia sẻ, kết nối. Chi phí cho truyền thông xã hội không quá đắt đỏ. Mặt khác, đây là loại hình truyền thông mới, cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, nhất là Internet và các dòng điện thoại thông minh đang tạo ra bước đột phá mới làm thay đổi nội dung, hình thức cũng như phương thức truyền thông.

Trong bối cảnh mạng xã hội giờ đây đã thống trị việc đưa tin, đáp ứng sự nhanh nhạy và tính trào lưu, báo chí cần tìm ra hướng đi khác. Trong công cuộc chống rác thải nhựa rất cần các phóng viên chuyên sâu đồng hành.

Các bài báo cần giải quyết những vấn đề sâu hơn nữa, mang tính hệ thống hơn, có tính điều tra và có giá trị cao hơn là chỉ phản ánh thực trạng và nhà báo khi đó trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Muốn vậy, các cơ quan báo chí, đặc biệt các phóng viên trực tiếp được giao nhiệm vụ viết về lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa cần được tiếp cận một cách nhanh nhất các đầu mối đang nắm giữ, xử lý thông tin về các sự cố, sự kiện môi trường.

Thiết thực hơn, các cơ quan nên tổ chức tập huấn cho phóng viên về những chuyên đề liên quan, đồng thời, xây dựng chương trình khảo sát thực tế một cách có chủ điểm. Vì đối với các nhà báo, dù là chương trình nâng cao nhận thức hay khảo sát, điều họ mong nhất vẫn là một cơ hội hành nghề hiệu quả.

Truyền thông cùng với sự đồng bộ, sự ủng hộ chính trị của các thành phần xã hội chắc chắn sẽ giải quyết được các vấn đề về ô nhiễm nhựa.    

Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT(Bộ TN&MT): Không dừng ở phong trào

dien dan 3

Vấn đề rác thải nhựa đại dương nói chung và chất thải nhựa khó phân hủy là vấn nạn môi trường không chỉ của Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Việc truyền thông hạn chế rác thải nhựa cũng phức tạp và nhiều thách thức.

Tôi cho rằng, đặc thù trong truyền thông giảm rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy là phải có phương thức truyền thông và thông điệp phù hợp cho mỗi đối tượng.

Ví dụ, nếu tăng thuế đối với túi ni lông sẽ động chạm tới rất nhiều nhà sản xuất và làm tăng giá sản phẩm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bởi vậy, khi truyền thông về công cụ kinh tế này cần vừa truyền thông chính sách vừa phổ biến pháp luật và làm công tác cộng đồng tới người dân. Hay khi tổ chức hoạt động cộng đồng cần lựa chọn nhóm cộng đồng mà họ có ảnh hưởng lớn nhất, đó là phụ nữ. Họ là người đi chợ, lựa chọn sản phẩm hàng ngày, là người phân loại rác ngay từ căn bếp nên hành vi của họ sẽ quyết định đến việc tiêu dùng sản phẩm nhựa hay không. Hay chọn đối tượng là các bạn trẻ, chúng ta cũng cần tìm hiểu các thói quen nào của họ làm gia tăng rác nhựa…

Hiện nay, Bộ TN&MT đã chủ trương truyền thông đồng bộ ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, truyền thông về chính sách, để truyền tải cho cộng đồng (bao gồm cả các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ, người dân) hiểu được Chính phủ Việt Nam không khuyến khích sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông siêu mỏng, không khuyến khích nhập những phế liệu gây ô nhiễm môi trường để sản xuất ra các sản phẩm nhựa dùng một lần. Thứ hai, chúng tôi đang triển khai các hoạt động liên quan đến phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường.

Việc hiện thực hóa chủ trương hạn chế rác thải nhựa trên diện rộng đã có kết quả khả quan. Thủ tướng Chính phủ đã chính thức kêu gọi cộng đồng hạn chế rác thải nhựa. Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng khẳng định cam kết giải quyết “ô nhiễm trắng”. Nhiều Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã có các hành động cụ thể như không dùng chai nhựa, hạn chế túi ni lông khi đóng gói hàng hóa… Phong trào dọn rác, trào lưu dùng ống hút bằng tre, khuyến khích mang đồ đi mua thực phẩm… đã diễn ra tự phát. Để các phong trào tự phát này được duy trì và thật sự có tác động đến giảm thiểu nhựa, các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí cần định hướng.

Thêm nữa, muốn thay đổi thói quen của cả cộng đồng đã ăn sâu hàng chục năm, chúng ta không dừng lại ở phong trào mà phải có những cam kết của cộng đồng, người dân và doanh nghiệp.

Chúng tôi đã đàm phán với các nhà bán lẻ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hãng hàng không để họ có những cam kết với chính phủ một cách cụ thể. Tại lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa ngày 9/6 vừa qua, nhiều cam kết đã được ký kết và cụ thể hóa. Đây là khởi đầu cho những bước đi dài hơn, tạo ra phong trào rộng khắp trên toàn quốc nhằm tiến tới mục tiêu chung kết nối mục tiêu của Chính phủ với nhiệt huyết và hành vi của cộng đồng cùng hướng tới giảm phát thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy ra môi trường. Với lời kêu gọi từ người đứng đầu Chính phủ và nỗ lực của Bộ TN&MT, tôi tin tưởng rằng thách thức từ rác nhựa và túi ni lông khó phân hủy sẽ được giải quyết tương đối cơ bản trong thời gian sắp tới.q

Bà Ninh Hồng Nga – Tổng biên tập Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam): Hãy viết bằng cả trái tim

dien dan 2

Làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam – hãng tin lớn nhất cả nước, tôi được tiếp xúc với rất nhiều thông tin cả trong nước và quốc tế liên quan đến vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng. Mỗi ngày, đọc hoặc duyệt những tin bài như vậy, tôi cảm thấy rất lo lắng và đau xót. Lo lắng bởi Việt Nam đang đứng trong top những nước tiêu thụ và xả nhiều rác thải nhựa nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam đang hứng chịu những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng “ô nhiễm trắng” này.

Một trong những thách thức chúng ta cần giải quyết là làm sao để người dân từ bỏ thói quen dùng các sản phẩm nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni lông, ống hút… Cùng với đó là hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn.

Việc sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã ăn sâu vào rất nhiều thế hệ người Việt Nam từ những năm 90 đến nay. Một trong những nguyên nhân khiến túi ni lông đang tràn ngập khắp hang cùng ngõ hẻm là bởi sự tiện dụng và giá thành rẻ. Bởi thế, chúng ta phải có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hoặc nghiên cứu phát minh ra những sản phẩm tiện dụng, thân thiện môi trường với giá thành rẻ hoặc tương đương với giá thành của nhựa một lần. Đó là những điểm mấu chốt mà Báo Tin tức thực hiện các tuyến thông tin tuyên truyền về hạn chế rác thải nhựa trong thời gian qua.

Báo Tin tức cố gắng kết nối với các nhà hoạch định, nghiên cứu chính sách, các chuyên gia về môi trường trong và ngoài nước để tạo ra các diễn đàn, các cuộc trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, đề xuất những giải pháp quản lý, xử lý rác thải nhựa.

Chúng tôi tập trung rất mạnh vào tuyến thông tin tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân, hình thành cho họ ý thức hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm túi ni lông trong đời sống hàng ngày bằng cách thông tin sinh động. Bên cạnh đó, chúng tôi có các loạt bài đi sâu phân tích chính sách tuyên truyền, đồng thời, thường xuyên cập nhật những tác hại của rác nhựa hay câu chuyện cụ thể về các mô hình, sáng kiến hạn chế rác nhựa.

Chúng tôi cử riêng một phóng viên phụ trách theo dõi các vấn đề về tài nguyên môi trường và thường xuyên có các chỉ đạo tập trung tìm hiểu các nội dung về rác thải nhựa. Chúng tôi giao ban hàng tuần, hàng tháng để tìm ra phương án truyền tải thông tin tối ưu nhất. Chúng tôi ưu tiên các thông tin có tính chất hiện trường, thực tế để đầu tư việc truyền thông đa phương tiện với các hình ảnh, video clip sinh động.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi chúc các đồng nghiệp dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công và gặt hái nhiều thành quả trong sự nghiệp cầm bút. Riêng với các nhà báo về môi trường, chúng tôi tâm niệm rằng, chúng ta cần là những công dân gương mẫu trong việc hạn chế sử dụng nhựa một lần và túi ni lông đang dày đặc trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hãy cùng nhau có ý chí mãnh liệt và một cái tâm thật tâm huyết, hãy viết bằng cả trái tim để  tạo ra cuộc cách mạng chống lại rác thải nhựa.

Ông nguyễn Quang Huy – Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam: Cần khắc phục truyền thông chung chung

HOANG QUANG HUY

Rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất hiện nay không chỉ Việt Nam mà cả thế giới phải đối mặt. Vật liệu nhựa mới chỉ được phát minh ra cách đây một thế kỷ nhưng nó đã gây ra nguy cơ ngày càng lớn trên toàn cầu, cả trên đại dương và xã hội nói chung. Mức độ trầm trọng của vấn đề đòi hỏi chúng ta phải hành động cấp thiết.

Việt Nam được coi là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác nhựa lớn nhất thế giới. Theo tôi, để giải quyết thách thức môi trường này, Việt Nam cần sự chung tay giữa các doanh nghiệp, Chính phủ, tổ chức nghiên cứu giáo dục và người tiêu dùng.

Khi công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được phân công theo dõi mảng tài nguyên môi trường gần 15 năm nay. Tôi may mắn được trao một số giải thưởng liên quan đến lĩnh vực này. Với chút ít kinh nghiệm có được, tôi cho rằng, viết về đề tài môi trường đã khó, viết về đề tài rác thải nhựa còn khó hơn rất nhiều.

Để có được bài viết mang tính thời sự, chân thực, không chỉ tôi mà nhiều phóng viên môi trường đều phải tìm tòi và dấn thân. Quan trọng nhất, khi tìm ra được đề tài, phải đi đến cùng và phản ánh một cách chân thực. Có như vậy, các bài viết của mình mới truyền đi thông điệp, mới thực sự có tác động đến người đọc và lâu dần sẽ phần nào thay đổi ý thức của mỗi người.

Theo tôi, để đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất trong phong trào chống rác thải nhựa, cần có đổi mới cách thức tuyên truyền. Cần khắc phục lối truyền thông chung chung, sự vụ, thiếu bền vững và không tạo được nhiều hiệu ứng trong xã hội. Cũng cần có cơ chế chính sách rõ ràng và chế tài mạnh để xử lý vấn đề này. Từ đó chia sẻ với cộng đồng thông điệp rằng, ô nhiễm rác thải nhựa thực sự đang ở mức báo động nên cộng đồng cần chung tay vì môi trường chung.

Mai Chi

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn