Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023: Thu hút đầu tư từ Doanh nghiệp Đài Loan, Singapore vào lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tại VNU-CRES

Ngày 4/11, tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023. Đây là hoạt động thường niên do ĐHQGHN tổ chức. Hội nghị lần này là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; Ban giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực hợp tác đầu tư công tư (PPP); lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước; các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu,…

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học & công nghệ; thúc đẩy đầu tư phát triển Khu đô thị đại học xứng tầm quốc gia, tiệm cận với các đại học đẳng cấp quốc tế; đồng thời tạo cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia hội nghị. Đây cũng là cơ hội để kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được những sinh viên xuất sắc, thu hút nhân tài bổ sung cho nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Hội nghị được tổ chức với 01 phiên toàn thể và 06 hội nghị chuyên đề với các nội dung: (1) Xúc tiến đầu tư vào Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; (2) Y học công nghệ cao và khoa học sức khỏe; (3) Đầu tư cho giáo dục, đào tạo tài năng và chất lượng cao; (4) Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản; (5) Phát triển công nghệ, công nghiệp bán dẫn; (6) Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan, Singapore vào các nghiên cứu về Tài nguyên và Môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Hội nghị là dịp để các nhà khoa học, đối tác doanh nghiệp trao đổi, thảo luận cơ hội hợp tác, đầu tư; cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư và vấn đề PPP trong giáo dục ở Việt Nam; giải pháp thực thi hóa danh mục xúc tiến đầu tư của ĐHQGHN đối với cộng đồng doanh nghiệp; cơ chế hợp tác đầu tư chuyển giao KH&CN; thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học & công nghệ. Đây cũng là cơ hội để kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được những sinh viên xuất sắc, thu hút nhân tài bổ sung cho nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư gắn với chuyển giao KH&CN giữa các doanh nghiệp, các địa phương là đối tác của ĐHQGHN và các trường đại học/viện nghiên cứu.

PGS.TS Lưu Thế Anh – Viện Trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) phát biểu và chia sẻ tại phiên toàn thể của hội nghị

Tại phiên toàn thể PGS.TS Lưu Thế Anh – Viện Trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường , ĐHQGHN đã chia sẻ những thành tựu Khoa học công nghệ của Viện Tài nguyên và Môi trường.(CRES) Trong những năm qua, CRES đã có nhiều công trình khoa học tiêu biểu, đã xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại, đã và đang triển khai nhiều nghiên cứu mới đồng thời nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển các hạng mục khoa học và phục vụ đời sống. Một trong số đó là tái sử dụng và thu hồi tài nguyên từ phế thải công nghiệp để góp phần hiện thực hóa cam kết Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023, Viện Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì Hội nghị chuyên đề “Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan, Singapore vào các nghiên cứu về Tài nguyên và Môi trường”. Hội nghị đã thu hút hơn 200 thành viên tham gia đến từ các tổ chức quản lý nhà nước ở các bộ, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặc biệt là các doanh nghiệp Đài loan và Singapore, các nhà báo, nghiên cứu sinh và sinh viên.

Hội nghị chuyên đề Thu hút đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan, Singapore vào các nghiên cứu về Tài nguyên và Môi trường dưới sự chủ trì của PGS.TS Lưu Thế Anh – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn trình bày 05 báo cáo: (1) Công nghệ kết tinh đồng nhất tầng sôi để xử lý nước thải chứa kim loại nặng: Đánh giá toàn diện về nghiên cứu trong quá khứ, hiện tại và tương lai (Fluidized Bed Homogeneous Crystallization Technology for Heavy Metal-Containing Wastewater Treatment: A Comprehensive Review of Past, Present, and Future Research) – TS. Po-Lin Liao, Nghiên cứu chính sau Tiến sĩ, Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan; (2) Xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng Kinh tế tuần hoàn (Zero Waste) (Treating livestock waste in alignment with the Circular Economy) – GS.TS Cao Thế Hà, Cố vấn cao cấp Chương trình Kĩ thuật Môi trường, VJU; (3) Tiềm lực nghiên cứu và nhu cầu chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp và Viện nghiên cứu (Research potential and need for Technology transfer between universities and companies) – PGS.TS. Lưu Thế Anh – Viện trưởng CRES; (4) Ever-Clear & Mô hình hợp tác giữa Kỹ thuật và Viện nghiên cứu: Cơ hội và Thách thức (Ever-Clear & Cooperation Models between Engineering and Research Institutes: Potentials-Challenges) – TS. Chen-Chien Jen -Tổng giám đốc điều hành, Ever-Clear Taiwan; (5) Tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa làng nông nghiệp TechFest Quốc gia và viện nghiên cứu,  hình thành hệ sinh thái bền vững (The potential and opportunities for cooperation between the National TechFest Agricultural Village and research institutes are aimed at forming a sustainable ecosystem) – Ms. Nguyễn Thị Thu, Trưởng làng Nông nghiệp Techfest Quốc gia, Chuyên gia phát triển Hệ sinh thái Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc Gia NSSC.

Theo đó, TS. Chen-Chien Jen, Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Ever-Clear Taiwan đã chia sẻ về thành công trong lĩnh vực xử lý nước thải công nghiệp.  Ever-Clear Taiwan được thành lập từ năm 1999, với lĩnh vực hoạt động chủ yếu về xử lý nước thải công nghiệp. Tham gia thị trường toàn cầu, Công ty đã thực hiện hơn 400 dự án về xử lý nước thải, tuần hoàn tái sử dụng nước thải về các ngành dệt, nhuộm, da giầy, cao su. Các dự án đã được triển khai tại 14 quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Isreal, Mexico, Trung Mỹ & Nam Phi.

PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó giám đốc Đại học Quốc gia tham quan gian hàng sản phẩm mẫu của VNU-CRES tại khu triển lãm xúc tiến đầu tư năm 2023

Phát biểu tại hội nghị PGS.TS. Lưu Thế Anh – Viện trưởng CRES đã giới thiệu về tiềm lực khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cùng đội ngũ cán bộ có trinh độ cao  với trên 65% đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ được đào tạo ở nước ngoài và mạng lưới đông đảo các cộng tác viên trong nước và quốc tế, các hướng nghiên cứu thế mạnh của CRES chủ yếu về bảo tồn thiên nhiên và  đa dạng sinh học (cấp độ hệ sinh thoái, loài, gen – DNA); Quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Tăng trưởng xanh; Công nghệ xử lý môi trường; Quan trắc và phân tích môi trường; Biến đổi khí hậu…Viện trưởng viện  Tài nguyên và Môi trường mong muốn sau Hội nghị lần này sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa Viện với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Đài Loan và Singapore.

Về phía Đại học Quốc gia Thành Công – NCKU (Đài Loan) TS. Po-Lin-Liao đã trình bày báo cáo về Công nghệ kết tinh đồng nhất tầng sôi để xử lý nước thải chứa kim loại nặng: Đánh giá toàn diện về nghiên cứu trong quá khứ, hiện tại và tương lai (Fluidized Bed Homogeneous Crystallization Technology for Heavy Metal-Containing Wastewater Treatment: A Comprehensive Review of Past, Present, and Future Research).

Hội nghị cũng đã được nghe các bài giới thiệu của các chuyên gia, các nhà khoa học với các nội dung: Tiềm năng ứng dụng công nghệ tạo hạt tầng sôi thu hồi tài nguyên trong chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, TS. Lê Văn Giang, Trưởng phòng Thí nghiệm và Phân tích môi trường – CRES cho biết, Công nghệ tạo hạt kết tinh tầng sôi đã được nghiên cứu và phát triển trong những năm gần đây, ưu điểm của công nghệ mới này là không đòi hỏi các quá trình keo tụ, kết tủa và lắng nên giảm diện tích xây dựng thêm các công trình xử lý nước thải. Hơn nữa, sản phẩm kết tinh tăng cường ở dạng hạt có hàm lượng nước rất thấp (<5%), dễ dàng tách pha rắn và pha lỏng trong quá trình thu hồi. Nước đầu ra của hệ thống sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm bảo chất lượng để tuần hoàn và tái sử dụng nước trên 90%. Ưu điểm quan trọng của công nghệ này là không tạo ra các chất ô nhiễm thứ cấp như bùn thải, và thu hồi hầu hết các kim loại (Fe, Al, Cu, Ni, Zn,…) có trong nước thải để tái sử dụng; Xử lý nước thải chăn nuôi lợn theo hướng KTTH (PGS.TS. Cao Thế Hà, Trường Đại học Việt Nhật); Tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa làng nông nghiệp Techfest Quốc gia và Viện nghiên cứu, hình thành hệ sinh thái bền vững (Bà. Nguyễn Thu – Nhà sáng lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia NSSC).

Kết thúc Hội nghị Viện Tài nguyên và Môi trường và Công ty Ever-Clear Taiwan đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học; triển khai dự án; hợp tác truyền thông và phát triển thương hiệu,…

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Tài nguyên và Môi trường với Công ty Ever-Clear Taiwan.

Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023, còn diễn ra các hoạt động: Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ, Không gian kết nối và xúc tiến đầu tư; Các hoạt động kết nối đầu tư cho các nhóm nghiên cứu, các sản phẩm KH&CN, các dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư; Hội trại khoa học, giáo dục STEM của sinh viên ĐHQGHN; Trình diễn các thí nghiệm khoa học, giáo dục STEM, trình diễn/giới thiệu các sản phẩm/dự án KH&CN; Các hoạt động văn nghệ, thể thao của học sinh, sinh viên ĐHQGHN… Viện Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham gia 01 gian trưng bày tại Triển lãm tiềm lực và thành tựu khoa học công nghệ. Gian trưng bày của Viện Tài nguyên và Môi trường đã trình bày các công nghệ mới mà Viện đã và đang nghiên cứu như Máy lọc nước CDI, công nghệ tạo hạt tầng sôi thu hồi tài nguyên trong chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn,…

Dưới đây là một số hình ảnh của hội nghị:

 

Tags: , , ,