Để góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa, Việt Nam không chỉ hạn chế dùng đồ nhựa một lần mà còn cần phải có những giải pháp hợp lý để tránh rơi vào “bẫy ô nhiễm”, tạo áp lực khác lên môi trường.
Thay thế ống hút nhựa bằng ống hút làm từ tinh bột gạo sẽ lại gây thêm áp lực cho ngành nông nghiệp và tiếp tục tạo ra ô nhiễm.
Đồ nhựa hiện diện ở mọi nơi xung quanh ta, từ những vật dụng bé nhỏ hằng ngày như giấy gói kẹo, hũ sữa chua, ống hút, túi nilon, giày, dép, bàn, ghế tới những thành phần chi tiết, thiết bị cỡ lớn như ô tô, tàu thủy, máy bay v.v… Nhu cầu cuộc sống hằng ngày của con người đã thúc đẩy quá trình gia tăng sản xuất, buôn bán và ở cuối chu trình này là việc thải loại chất thải nhựa ra môi trường.
Giữa vô vàn các loại rác thải nhựa mà chúng ta cần giảm thiểu hiện nay, một trong những thành phần chiếm số lượng nhiều nhất là những cốc, chai đựng nước, ống hút, túi đựng dung dịch tiêm… – những sản phẩm nhựa chỉ được dùng duy nhất một lần trong suốt vòng đời của nó. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua tại Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để chống rác thải nhựa và phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm được trả 6,5 USD mỗi ngày để phân loại rác thải nhựa. Nguồn: Bac Pham/The Guardian
Có dễ thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần?
Một cuộc “chạy đua” chống rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần, cũng đã bắt đầu ở Việt Nam, khởi đầu từ các thành phố lớn. Tuy nhiên ở đây có một vấn đề đặt ra: giải pháp nào là bền vững với việc thay thế đồ nhựa dùng một lần? Liệu có giải pháp đang được sử dụng rộng rãi là thay thế đồ nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoặc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy hoặc túi vải bông v.v đã là tối ưu?
Giải pháp thay thế nhựa dùng một lần phải đảm bảo được các yếu tố như nguyên liệu sẵn có, giá đủ rẻ để được thị trường chấp nhận và sau khi thải loại, ít gây hại cho môi trường… Theo tiêu chuẩn đó thì các giải pháp hiện hành này đều không thân thiện với môi trường. Vì sao có chuyện ngược đời như vậy? Hãy nhìn vào thành phần nguyên liệu và chu trình sản xuất của nó, ví dụ để chế tạo các sản phẩm nhựa có khả năng phân hủy sinh học hoặc các sản phẩm thay thế nhựa, người ta phải canh tác, tức là phải phá bỏ thảm thực vật tự nhiên và hệ sinh thái liên quan tới nó, sử dụng nhiều loại phân hóa học, thuốc trừ sâu v.v. Tất cả các hoạt động như vậy đều dẫn tới thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường. Theo các kết quả của một nghiên cứu gần đây do Cục Môi trường Anh tài trợ, việc sản xuất túi giấy hoặc túi bằng vải bông thậm chí còn tốn nhiều nước và năng lượng hơn rất nhiều so với túi nhựa.
Mặt khác, phải tái sử dụng túi giấy ít nhất là 3 lần mới đảm bảo được khả năng tác động môi trường (sử dụng nước, năng lượng và phát thải khí nhà kính) bằng hoặc thấp hơn túi nhựa. Đối với túi vải bông, con số này là 131 lần.
Theo một nghiên cứu gần đây của Cục Bảo vệ môi trường, Bộ Môi trường và Lương thực Đan Mạch, sản phẩm túi giấy gây ra tác động tới môi trường lớn hơn túi nilon dùng một lần tới hơn 43 lần và túi chế tạo bằng bông hữu cơ sẽ có tác động môi trường lớn hơn túi nilon dùng một lần tới hơn 20.000 lần. Đồng thời, túi thân thiện nhất với môi trường là túi polyester được sử dụng lại ít nhất là 35 lần. Như vậy, không dễ để thực hiện giải pháp thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm mà chúng ta vẫn gọi là “thân thiện với môi trường”.
Cần chú ý tới một thực tế là có rất nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần không thể thay thế được bằng các sản phẩm khác như thay thế chai nhựa đựng dung dịch tiêm truyền bằng chai thủy tinh vì chai thủy tinh có giá thành cao, khó vận chuyển và khi sản xuất, xử lý có tác động môi trường còn lớn hơn chai nhựa. Hơn nữa, đã có các nghiên cứu cho rằng việc sử dụng nguyên liệu là các chất hữu cơ dễ phân hủy để sản xuất bao bì sẽ làm giảm chất lượng thực phẩm và có thể tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người sử dụng.
Thách thức trong quá trình tái chế
Sự xuất hiện của nhựa dùng một lần trong rác thải nhựa khiến người ta thêm phần bối rối. Mỗi năm, chúng ta sản xuất khoảng 300 triệu tấn nhựa, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần. Vậy phải ứng xử với nhựa dùng một lần như thế nào? Về thành phần, nhựa dùng một lần thường được sản xuất với chất phụ gia là dầu mỏ. Điều đó gây khó khăn cho quá trình tái chế và để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải bổ sung một số vật liệu, hóa chất.
Có tới hơn 50 loại rác thải nhựa, và rất khó để phân loại và chọn ra những loại rác thải nhựa có thể tái chế một cách tự động hay bán tự động. Ảnh: Vinanet.vn
Tuy nhiên, chúng ta tính tới một điểm khác là chỉ có một số lượng hạn chế các mặt hàng nhựa tái chế có thể được sử dụng bởi cần rất thận trọng khi tái sử dụng chúng. Chỉ một số sản phẩm nhựa có thể được tái sử dụng một số lần nhất định. Đối với một số sản phẩm nhựa khác, hoặc các sản phẩm bị tái sử dụng quá nhiều lần, việc tái sử dụng chúng có thể gây hại tới sức khỏe con người.
Như đã nêu ở trên, không phải tất cả các loại rác thải nhựa nào cũng đều có thể được tái chế. Ngay cả trong trường hợp có thể tái chế, chúng ta còn phải đối mặt với một việc có khả năng gây ô nhiễm môi trường khác, đó là việc làm sạch đồ nhựa trước khi tái chế. Trong nhiều trường hợp, việc rửa các sản phẩm nhựa bị bẩn để phục vụ tái chế có thể tiêu tốn rất nhiều nước sạch và làm tăng lượng nước thải ra môi trường. Do đó ở Anh, người ta quyết định hằng năm chỉ có khoảng 23% lượng rác thải nhựa được tái chế.
Như vậy, do nhiều loại sản phẩm nhựa dùng một lần không thể thay thế bằng sản phẩm khác được nên khó có thể bị cấm. Ngay cả ở Anh, người ta cũng chỉ yêu cầu các siêu thị cam kết không sử dụng những vật liệu đóng gói là nhựa nếu như họ có thể làm như vậy, và đảm bảo là tới năm 2025 tất cả rác thải nhựa xuất phát từ vật liệu đóng gói phải được tái chế, tái sử dụng hay làm phân ủ.
Những giải pháp khả thi
Với các lý do nêu trên, hướng đi đúng trong việc giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa là xây dựng các giải pháp để người dân có thể từ chối, giảm thiểu sử dụng, tái sử dụng, tái chế và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có rất nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần có thể được thay thế bằng sản phẩm nhựa dùng nhiều lần, thí dụ, thay vì sử dụng túi nilon dùng một lần để mua hàng hóa, chúng ta có thể sử dụng hộp nhựa, hộp kim loại hoặc túi nilon dùng nhiều lần.
Chính quyền cần xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa khả thi, hiệu quả với sự tham gia tích cực của người dân và các tổ chức xã hội. Có thể nêu tóm tắt một số giải pháp để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa theo các hướng nêu trên như dưới đây:
1) Không thay thế túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần bằng sản phẩm hữu cơ dễ phân hủy nếu như sản phẩm đó không được chế tạo từ rác (thí dụ như bã mía, lõi ngô, rơm, rạ, trấu v.v.) hoặc các loại cây cần được giảm (như cây bèo tây, cây mai dương v.v.);
2) Khuyến khích sử dụng các sản phẩm nhựa có thể tái chế, tái sử dụng để làm các sản phẩm đóng gói;
3) Nghiêm cấm phát không túi nilon và sử dụng loại túi nilon dùng 1 lần tại tất cả các địa điểm mua bán, kể cả ở chợ dân sinh; đồng thời yêu cầu tất cả các địa điểm mua bán chỉ sử dụng túi nilon sử dụng nhiều lần và bán nó với giá thích hợp;
4) Tuyên truyền, xây dựng và vận hành hệ thống phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý rác thải, đặc biệt chú trọng rác thải nhựa dùng một lần;
5) Đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để có được công nghệ xử lý rác thải nhựa hiệu quả và thân thiện với môi trường nhất; có lộ trình thích hợp để giảm và tiến tới hoàn toàn loại trừ việc chôn lấp rác thải nhựa;
6) Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của rác thải nhựa và giảm sử dụng sản phẩm nhựa, thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần bằng sản phẩm nhựa dùng nhiều lần hoặc những khi có thể;
7) Tăng thuế và cấp phép chặt chẽ với hệ thống kiểm soát hiệu quả sản phẩm nhựa, đặc biệt sản phẩm nhựa từ làng nghề;
8) Xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật đồng bộ, dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về sản xuất, buôn bán, sử dụng sản phẩm nhựa, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải nhựa theo hướng nêu trên.
Theo The Guardian, mỗi năm Mỹ vận chuyển hơn 1 triệu tấn rác thải nhựa ra nước ngoài. Malaysia là quốc gia tiếp nhận kỷ lục rác thải nhựa Mỹ, và 55% lượng này không được quản lý đúng quy trình – có nghĩa là chỉ đưa vào các địa điểm lộ thiên. Indonesia và Việt Nam thì lần lượt có tới 81% và 86% lượng rác thải quản lý không đúng quy trình.
Năm 2018, Mỹ chuyển 83.000 tấn rác thải nhựa tới Việt Nam. Có những dấu hiệu rõ ràng là các đồ thải đó có nguồn gốc từ Mỹ, ví dụ một cái túi đựng kẹo York Peppermint Patties của hãng Hershey với nhãn hiệu Mỹ.
Một công trình mới do nhóm nghiên cứu về môi trường mang tên Gaia xuất bản vào tháng 5/2019 cho biết, “tác động của chuyến tàu chở rác nhựa thương mại tới Đông Nam Á thật đáng kinh ngạc- ô nhiễm nguồn nước, tàn phá mùa màng, bệnh về đường hô hấp do phơi nhiễm với việc đốt nhựa, sự gia tăng của tội phạm có tổ chức tại các điểm nhập khẩu nhựa. Các quốc gia này và người dân của họ đang mang gánh nặng kinh tế, môi trường và xã hội của sự ô nhiễm, có thể ‘truyền’ cho thế hệ tiếp theo”.
|
PGS.TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Trường ĐH TN&MT Hà Nội)
Nguồn: khoahocphattrien.vn/chinh-sach