Để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, ngoài cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ nghiên cứu sinh, Nhóm nghiên cứu và môi trường học thuật là yếu tố then chốt góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học. 

 Ngày 27/5, trong khuôn khổ Chương trình Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và Nhóm nghiên cứu” với sự tham dự của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và hơn 20 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước (GDĐH).

Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, số lượng và chất lượng công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH đã tăng hơn ba lần so với 7 năm trước và hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDĐH gắn bó mật thiết với công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. “Chúng ta mong muốn đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhân tài, tinh hoa, nên phải bảo đảm chất lượng đầu ra. Các trường có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, xây dựng các Nhóm nghiên cứu trong trường, từ đó xây dựng uy tín thương hiệu của trường” – Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo (Nguồn: Báo Nhân dân điện tử ngày 27/05/2020)

 

Theo Thứ trưởng, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này đã trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Để tiếp tục thúc đẩy chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở GDĐH, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ và Nghị định hoạt động KH&CN trong các cơ sở GDĐH.

Trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, tham khảo tối đa kinh nghiệm của các nước phát triển phù hợp thực tiễn Việt Nam; đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ sở GDĐH, kế thừa những gì đang triển khai tốt, rà soát sửa đổi những bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập với thế giới.

Bên cạnh hành lang pháp lý, cơ chế tài chính cũng được Bộ GD&ĐT quan tâm và sẽ xem xét, đề xuất các phương án hỗ trợ học phí, học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước, cũng như xây dựng cơ chế chính sách để nghiên cứu sinh có thể bảo đảm cuộc sống, toàn tâm toàn ý nghiên cứu.

Tại Hội thảo, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, trong hai năm qua, từ đăng ký chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các trường cho thấy, số trường đào tạo tiến sĩ gia tăng. Tuy số ngành đào tạo giảm đi, tỷ lệ nghiên cứu sinh nhập học trong nước giảm sút, nhưng số lượng học viên đăng ký năm 2020 của các trường cao hơn nhiều so với năm 2019.

Bà Nguyễn Thu Thủy cũng đã chia sẻ những định hướng sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, với nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và quy trình tổ chức đào tạo. Theo đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030, trong đó có quy định chính sách cấp học bổng cho nghiên cứu sinh trong nước.

Tại Hội thảo, qua việc chia sẻ kết quả khảo sát 463 nghiên cứu sinh và 333 giảng viên của các cơ sở GDĐH trên toàn quốc, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, Nhóm giảng viên/nghiên cứu sinh tham gia Nhóm nghiên cứu công bố quốc tế uy tín cao gấp hơn 4,6 lần so với nhóm giảng viên/nghiên cứu sinh chưa từng tham gia Nhóm nghiên cứu.

GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN – Trưởng Ban tổ chức và Trưởng Ban khoa học của Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Hội thảo (Nguồn: Trang tin tức Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 27/05/2020)

Đặc biệt, nhóm giảng viên và nghiên cứu sinh đã từng tham gia Nhóm nghiên cứu có số công bố khoa học trung bình lớn hơn hẳn nhóm chưa từng tham gia Nhóm nghiên cứu (về cả công bố trong nước, nước ngoài trong và ngoài hệ thống ISI/Scopus).

Nổi bật nhất là số lượng công bố khoa học trên hệ thống hệ thống ISI/Scopus của nhóm giảng viên đã từng tham gia Nhóm nghiên cứu gấp tới 4,87 lần so với nhóm giảng viên chưa từng tham gia Nhóm nghiên cứu. Kết quả tương tự, Nhóm nghiên cứu sinh đã từng tham gia Nhóm nghiên cứu gấp tới 4,86 lần so với Nhóm nghiên cứu sinh chưa từng tham gia Nhóm nghiên cứu.

Qua thực tiễn thành lập, điều hành Nhóm nghiên cứu mạnh, GS. Đức chia sẻ, trong quá trình đào tạo, nghiên cứu sinh không chỉ triển khai nghiên cứu chuyên môn, mà còn giúp nghiên cứu sinh trưởng thành cả về nhân cách, hoàn thiện kỹ năng cơ bản, thiết yếu.

Khảo sát cũng cho thấy, yếu tố “Chất lượng đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh” và yếu tố “Có Nhóm nghiên cứu và môi trường học thuật” được đánh giá là hai yếu tố quan trọng nhất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, ngoài đội ngũ hướng dẫn được đánh giá cao, những điều kiện quan trọng khác như cơ sở vật chất, kinh phí và Nhóm nghiên cứu có mức độ đầu tư còn hạn chế.

Từ kết quả nghiên cứu trên, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức đề xuất sửa đổi Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ theo hướng đặt ra yêu cầu cao đối với người học và cán bộ hướng dẫn, đồng thời có chế độ, chính sách khuyến khích cán bộ, nghiên cứu sinh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học; tăng quy mô và chất lượng nghiên cứu sinh.

Theo GS. Đức, những giải pháp then chốt là tăng cường xây dựng, đầu tư nhón nghiên cứu, đầu tư dài hơi cho các Nhóm nghiên cứu mạnh. Nghiên cứu sinh cần làm việc toàn thời gian, tăng cường học bổng và tham gia Nhóm nghiên cứu. Các trường đại học phải thu hút được các nhà khoa học đầu ngành và nhân tài, đồng thời hội nhập với quốc tế, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 với chìa khóa “smart”, “innovation”.

Đồng quan điểm với GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để đào tạo tiến sĩ thành công và đạt chuẩn quốc tế, yếu tố then chốt là chính sách thu hút giáo sư nước ngoài, nghiên cứu sinh làm việc toàn thời gian và cần xây dựng Nhóm nghiên cứu.

TS. Nguyễn Đắc Trung, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: “Nghiên cứu sinh phải thực sự là người làm tiến sĩ, coi đây là công việc của họ, để toàn tâm toàn ý, từ đó nhận được lại thành quả. Từ đây mới tạo nên động lực đúng đắn, thúc đẩy nghiên cứu sinh hoàn thành tốt công việc của mình”.

Thừa nhận vai trò của Nhóm nghiên cứu trong cơ sở GDĐH và đào tạo tiến sĩ, bà Lê Yên Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên, Bộ KH&CN cho biết, sắp tới Bộ KH&CN sẽ đẩy mạnh triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 2395/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

PGS.TS. Lê Hiếu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành lập những Nhóm nghiên cứu là một trong những giải pháp của trường nhằm thu hút nghiên cứu sinh. “Nghiên cứu sinh không có Nhóm nghiên cứu thì không có sự hỗ trợ. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi bao gồm giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và kỹ sư”.

Theo PGS. Giang, thông qua các Nhóm nghiên cứu, trường thu hút nhiều dự án để nghiên cứu giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đồng thời, với cơ chế tự chủ, ngân sách cho phép trường hỗ trợ nghiên cứu sinh trong nghiên cứu khoa học, thưởng bài báo ISI.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, từ các ý kiến thảo luận ủng hộ việc cần thiết hình thành các Nhóm nghiên cứu, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có Dự thảo Nghị định hoạt động KH&CN trong GDĐH./.

Nguồn: Nhân dân Điện tử