Lần đầu có bộ dữ liệu trong vòng 60 năm về rác thải nhựa đại dương

Qua sổ ghi chép hoạt động của các thiết bị theo dõi sinh vật phù du, các nhà nghiên cứu đã có trong tay bộ dữ liệu 60 năm về rác thải nhựa đại dương. Kết quả phân tích từ bộ dữ liệu này đã được xuất bản trên tạp chí Nature Communications vào ngày 16/4/2019, trong đó nêu bằng chứng vững chắc đầu tiên về sự gia tăng của lượng nhựa gây ô nhiễm đại dương ở những thập kỷ gần đây.


Các đại dương ngày một ô nhiễm hơn bởi các mảnh rác thải nhựa cỡ lớn. Nguồn: Angel Fitor/Science Photo Library.

Dữ liệu được ghi lại từ các máy theo dõi sinh vật phù du liên tục (continuos plankton recorder  CPR – các thiết bị giống như ngư lôi đã được sử dụng từ năm 1931 để khảo sát quần thể sinh vật phù du bằng cách lọc các sinh vật này khỏi nước bằng các dải tơ trong thiết bị). Do các con tàu tình nguyện như phà và tàu container kéo theo trong quá trình chúng di chuyển trên khắp các đại dương, các máy theo dõi ngày càng thường xuyên bị vướng vào các vật thể nhựa lớn như túi và dây câu. Đến năm 2000, tần suất máy theo dõi bị mắc vật thể nhựa gấp ba lần so với những thập kỷ trước. Clare Ostle, nhà sinh vật học biển tại Hiệp hội sinh học biển ở Plymouth, Anh, giám sát đội tàu của các thiết bị CPR cho biết như vậy.
Mỗi khi một con tàu kéo theo một thiết bị CPR, thủy thủ đoàn sẽ điền vào sổ nhật ký và ghi chú mọi vấn đề xảy ra với thiết bị. Ostle và các đồng nghiệp của cô đã xem xét tất cả các bản ghi chép của các tàu kéo ở Bắc Đại Tây Dương từ năm 1957 đến năm 2016 để xác định xem việc thiết bị CPR vướng nhựa có trở nên phổ biến hơn không. Trong giai đoạn 60 năm, 208 lần vướng nhựa như vậy đã được ghi lại. Dù số lần vướng nhựa thuộc những năm 1950 và 1960 trở nên ít đi nhưng kể từ đó đến nay, tần suất CPR vướng vào các miếng nhựa lớn đã trở nên phổ biến hơn nhiều, đặc biệt từ những năm 1980 và 1990. Tình trạng này đạt tới đỉnh điểm vào những năm 2000, khi CPR bị vướng vào nhựa trong khoảng 3% số lần kéo. Dụng cụ câu cá là thủ phạm lớn nhất – liên quan đến 55% các lần CPR vướng nhựa.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu chứng minh sự gia tăng của nhựa đại dương bằng cách sử dụng đơn nhất một bộ dữ liệu dài hạn, Erik van Sebille, một nhà hải dương học tại Đại học Utrecht, Hà Lan nhận xét. “Tôi rất vui vì chúng ta đã có được bằng chứng”, anh nói.  Mặc dù những kết quả này không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng từ trước đến nay chúng ta  có rất ít dữ liệu dài hạn về nhựa đại dương để làm căn cứ cho nghiên cứu. Trước đây, chủ yếu các nhà khoa học dựa vào bằng chứng tích lũy rác thải nhựa ở các sinh vật biển trong một khung thời gian ngắn.
Sự gia tăng số lần vướng nhựa không phải do việc ghi chép nhật ký tốt hơn. Khi nhóm nghiên cứu phân tích số lần CPR vướng vào các vật phẩm tự nhiên, như rong biển và cá, họ không thấy có thay đổi đáng kể nào trong 60 năm qua, trong khi đó số lần vướng vào nhựa thì tăng rất nhiều.
Van Sebille nói rằng vì nghiên cứu tập trung vào các mảnh nhựa lớn, nên kết quả không tiết lộ nhiều về số lượng vi nhựa, các mảnh dài dưới 5 mm, trong các đại dương. Những chất gây ô nhiễm nhỏ này đến từ các nguồn như bao bì nhựa dùng một lần, thay vì từ dụng cụ câu cá.
Tuy nhiên, ông nói thêm, nghiên cứu chứng minh rằng nghề cá là nguyên nhân chính trong ô nhiễm nhựa. Kết quả cũng sẽ cung cấp dữ liệu cơ bản để theo dõi xem các thay đổi chính sách có ảnh hưởng đến mức độ nhựa trong đại dương hay không. “Các tổ chức đánh bắt cá đang trở nên chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là ở Biển Bắc, hy vọng chúng ta có thể thấy sự suy giảm rác thải nhựa”, Van Sebille nói.□

Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-01252-0 

Theo tạp chí tia sáng ngày 25/4/2019