Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy chính sách và thực tiễn về thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua đối thoại giữa các thệ hệ ở Việt Nam”

Sáng ngày 8/11/2023, Hội thảo tham vấn “Thúc đẩy chính sách và thực tiễn về  thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua đối thoại giữa các thệ hệ ở Việt Nam” đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án giai đoạn 2 với tên gọi “Thúc đẩy chính sách và thực tiễn về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua đối thoại giữa các thệ hệ ở Việt Nam và Đông Nam Châu Á”. Mục tiêu của hội thảo nhằm: i) Giới thiệu mục tiêu của Dự án, cách tiếp cận và kết quả đã đạt được; ii) Giới thiệu vai trò của thanh niên (kiến thức, khám phá, hành động) trong thích ứng với biến đổi khí hậu; và iii) Xác định phương pháp tiếp cận, thông tin và nguồn lực các bên liên quan có thể học hỏi từ Dự án để xây dựng các chính sách/sáng kiến ​​trong tương lai tập trung vào hành động thích ứng với thách thức biến đổi khí hậu.

Dự án được tài trợ bởi Học viện Vương quốc Anh và được thực hiện bởi Đại học Hull, Đại học Newcastle (Vương quốc Anh), và Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội. Giai đoạn 1 của Dự án có tên  “Thích ứng với thách thức biến đổi khí hậu do thanh niên lãnh đạo”. Giai đoạn 1 đã được thực hiện và đã thúc đẩy các quan điểm sáng tạo, do thanh niên chủ động và hành động để thích ứng với các thách thức khí hậu tại một trong những khu vực đông dân, đóng vai trò quan trọng về kinh tế và đa dạng về dân tộc bậc nhất ở Việt Nam – Lưu vực sông Hồng.

TS. Lê Thị Vân Huệ chủ trì dự án giới thiệu về nội dung và mục tiêu của hội thảo. 

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Tài nguyên và Môi trường, PGS. TS. Bùi Ngọc Quý, Phó Viện trưởng, TS. Lê Thị Vân Huệ chủ trì dự án, một số cán bộ nghiên cứu của Viện, cùng các đại biểu đến từ Ủy ban Dân tộc, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng, Bảo tàng Dân tộc Học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã Hội Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ; một số tổ chức phi chính phủ như Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD); Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc (TABA); Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nguồn nước (WARECOD); Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực Cộng đồng (CECAD); và các bạn thanh niên đến từ 2 tỉnh Nam Định và Lào Cai, đại diện của Phường rối nước Đồng Ngư.

PGS. TS. Bùi Ngọc Quý, phó Viện trưởng, VNU-CRES  phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu tại hội thảo PGS.TS. Bùi Ngọc Quý đã chia sẻ, BĐKH đã làm gia tăng các hiện tượng thời tiết khí hậu cực đoan, bất thường cả về cường độ và tần xuất. Các hiện tượng nắng nóng, hạn hán, siêu hạn hán, bão mạnh, mưa lớn cực đoan, mực nước biển dâng sẽ ngày càng gia tăng về cường độ, tần xuất và quy mô. Một số báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của BĐKH. 

BĐKH hay nóng lên toàn cầu đa phần mang đến các tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế-xã hội loài người và cụ thể là ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trong tương lai, các hiện tượng thiên tai sẽ xảy ra nhiều hơn về cả tần suất, cường độ và sẽ gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản hơn.

Kết quả nghiên cứu của Giai đoạn 1 cũng chỉ ra rằng tại vùng thượng nguồn của lưu vực sông Hồng, sự thay đổi hình thái và gia tăng cường độ của lượng mưa đang làm trầm trọng thêm các hiện tượng xói mòn, sạt lở đất và lũ quét. Là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, người dân, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức quan trọng liên quan đến giảm nhẹ lũ lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu liên quan đến những thách thức lớn hơn về tính bền vững, an ninh lương thực và nước, chất lượng giáo dục, bất bình đẳng và hành động khí hậu (Mục tiêu phát triển bền vững số 4-5-6-10-11-13-17). Do đó, việc tạo điều kiện cho các cộng đồng địa phương thích ứng với sự thay đổi của khí hậu, bao gồm các biện pháp thông qua giáo dục, nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho người dân là một bước thiết yếu trong việc xây dựng kế hoạch hành động và khả năng thích ứng với khí hậu do chính cộng đồng lãnh đạo

Để giải quyết một phần những vấn đề nêu trên, mục tiêu của Giai đoạn I nhằm phát triển các quan điểm sáng tạo, do thanh niên lãnh đạo và hành động để thích ứng với các thách thức khí hậu tại một trong những khu vực đông dân, đóng vai trò quan trọng về kinh tế và đa dạng về dân tộc bậc nhất ở Việt Nam. Các bạn thanh niên đã làm việc cùng nhau trong mối quan hệ đối tác và được hỗ trợ các kĩ năng/phương pháp để xác định những biện pháp nhằm giảm thiểu các thách thức về biến đổi khí hậu tại lưu vực sông Hồng, nơi các hiện tượng cực đoan về thủy văn, sạt lở và xói mòn đất ở thượng nguồn ngày càng tác động mạnh mẽ, cùng với mực nước biển dâng tại khu vực đồng bằng làm gia tăng tần suất và cường độ lũ lụt. Những hoạt động do thanh niên làm chủ nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất để các kiến thức truyền thống và bản địa có thể thúc đẩy sự hiểu biết và tăng cường khả năng thích ứng của các cộng đồng địa phương thông qua cách tiếp cận đối tác sáng tạo, kết hợp các hình thức học tập đồng đẳng, liên thế hệ và liên văn hóa. Bằng việc sử dụng phương pháp nghiên cứu có sự tham gia và dễ hiểu, dự án đã đưa ra các hình thức trao đổi kiến thức sáng tạo thông qua các loại hình văn hoá đa dạng mang tính thẩm mỹ và tình cảm.

Bí thư đoàn Sùng Thị Me đại diện cho đoàn thanh niên Thị đoàn Sa Pa phát biểu ý kiến tại hội thảo

Thanh niên là những tác nhân tạo ra sự thay đổi và với những phương pháp nghiên cứu mới, cách tiếp cận mới mà Dự án đã trang bị, các kết quả nghiên cứu của các bạn thanh niên sẽ góp phần không nhỏ vào việc giúp cho cộng đồng địa phương ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu, giảm thiểu nguy cơ gia tăng của lũ lụt và hạn hán trong tương lai.

Tại hội thảo, những kết quả đã đạt được ở Giai đoạn I đã được chia sẻ và đã được các đại biểu đánh giá rất cao và đặc biệt là tạo nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ tham gia tích cực hơn nữa vào việc hỗ trợ cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tại hội thảo, các đại biểu cũng  thảo luận cách làm thế nào để thúc đẩy chính sách và thực tiễn về thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua đối thoại giữa các thệ hệ ở Việt Nam và đây cũng là những gợi mở tạo ra những thay đổi về chính sách và thực tiễn nhằm giúp các cộng đồng địa phương ứng phó chủ động và hiệu quả hơn đối với BĐKH trong tương lai.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Tags: