Được sự cho phép của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 13/01/2017, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Tổ chức Quản trị Rừng Tropenbos Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức thành công Hội thảo “Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững: Một số vấn đề từ lý luận đến thực tiễn”.
Đây là một sự kiện khoa học rất quan trọng đầu tiên, kể từ ngày 5/01/2017, khi Viện Tài nguyên và Môi trường công bố Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định số 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, trở thành đơn vị thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Đây là bước trưởng thành đầy ý nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) sau 30 năm phấn đấu xây dựng và phát triển.
Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo (ảnh CRES)
Tham dự Hội thảo có gần 70 nhà khoa học, chuyên gia về sinh thái nhân văn, đến từ các bộ, ngành, cơ quan, các học viện, các viện nghiên cứu và các trường đại học…
Toàn cảnh các đại biểu tham gia Hội thảo (ảnh CRES)
Trong phiên khai mạc Hội thảo, TS. Hoàng Văn Thắng, Viện trưởng đầu tiên của Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban IUCN Việt Nam (IUCNVNNC), phát biểu khai mạc và nhấn mạnh: “Lý thuyết sinh thái nhân văn với tư duy hệ thống đã trở thành một cách tiếp cận có hiệu quả trong nghiên cứu về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững”. Cuối lời khai mạc, Tiến sĩ hy vọng rằng, hướng tiếp cận sinh thái nhân văn sẽ được nâng cao vai trò hơn nữa đối với phát triển bền vững tại Việt Nam và sẽ đưa hướng tiếp cận này vào một trong những hướng nghiên cứu và phát triển của Viện Tài nguyên và Môi trường trong tương lai.
Sau phiên khai mạc là hội nghị bàn tròn, dưới sự tham gia dẫn dắt điều hành của GS. Lê Trọng Cúc, GS. Trần Đức Viên, cùng với các nhà khoa học, các nhà quản lý hàng đầu về các lĩnh vực như bảo tồn, quản lý tài nguyên, chính sách, dân tộc học, kiến thức bản địa…, đã thảo luận một cách sôi nổi về các khái niệm sinh thái nhân văn được ứng dụng trong thực tiễn để giải quyết các vấn đề xã hội, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…
Các chuyên gia thảo luận bàn tròn về sinh thái nhân văn (ảnh CRES)
Trong suốt quá trình thảo luận, các học giả đã nêu quan điểm về sinh thái nhân văn với tư duy hệ thống, đã giải quyết rất tốt việc quản lý tài nguyên thông qua các nguyên tắc, quy luật tự nhiên, cũng như quy luật xã hội; ứng dụng trong phát triển và bảo tồn tài nguyên, cụ thể như áp dụng khá thành công trong việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển; áp dụng lồng ghép vào các chính sách quản lý rừng bền vững, như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; ứng dụng vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, như các luật tục, bảo tồn các kiến thức dân gian, tinh lọc những cái kiến thức truyền thống tốt, đưa vào ứng dụng và phát triển cho hiện tại.
Các đại biểu thảo luận về khái niệm sinh thái nhân văn (ảnh CRES)
Qua phiên thảo luận bàn tròn, phiên báo cáo các nghiên cứu điểm về cách ứng dụng lý thuyến sinh thái nhân văn vào thực tiễn, báo cáo chuyển dịch rừng ở Việt Nam, vai trò của chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với quản lý rừng dựa vào cộng đồng và sự biến động kiến thức bản địa của người Thái trong canh tác đất đốc ở vùng ven thành phố Sơn La… Tuy các nghiên cứu thực hiện ở trên nhiều vùng địa lý khác nhau, nhưng với cách tiếp cận hệ thống trên cơ sở lý thuyết sinh thái nhân văn, các tác giả đã nêu bật được vai trò quan trọng của lý thuyết sinh thái nhân văn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, cũng như các vấn đề bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh phát triển và quản lý tài nguyên trong nước và trên toàn cầu.
Các tác giả báo cáo các nghiên cứu ứng dụng sinh thái nhân văn (ảnh CRES)
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp và đi đến một quyết nghị thành lập được một nhóm nghiên cứu sinh thái nhân văn và tổ chức hội thảo mỗi năm một lần hoặc sẽ ra tạp chí khoa học sinh thái nhân văn 1-2 năm một số. Hy vọng rằng nhóm sinh thái nhân văn ngày càng được phát triển và càng ngày càng có đông đảo các thành viên tham gia.
Một số bài viết về hội thảo
>>>> Sinh thái nhân văn và phát triển bền vững
>>>> Hội thảo Khoa học: Sinh thái nhân văn và Phát triển bền vững – …
Một số hình ảnh về Hội thảo
(ảnh CRES)