[:vi]Sáng 19/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và đoàn công tác đã đến thăm ĐHQGHN và trao quyết định bổ nhiệm tân Giám đốc ĐHQGHN cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn.
>>> (Ảnh) Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHQGHN
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao quyết định bổ nhiệm tân Giám đốc ĐHQGHN cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn
Tới dự buổi lễ còn có đ/c Phùng Xuân Nhạ – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo; đ/c Nguyễn Đức Chung – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; đ/c Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; đ/c Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG Tp.HCM; đ/c Bùi Nhật Quang – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; đ/c Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đ/c Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN; đ/c Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đ/c Lê Tiến Châu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị của Văn phòng Trung ương, các Ban Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, các Bộ, Ban, Ngành trung ương và đại diện lãnh đạo các địa phương.
Về phía các đối tác, khách trong nước và quốc tế gồm có: Ngài Ted Osius – Đại sứ Mỹ; Bà Jehanne ROCCAS – Đại sứ Vương Quốc Bỉ; Ngài Manopchai Vongphakdi – Đại sứ Vương Quốc Thái Lan; Ngài Thongsavanh Phomvihane – Đại sứ CHDCND Lào; Ngài Hoàng Chí Bằng – Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế Đài Bắc; Bà Nantana Gajaseni – Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á cùng các đồng chí là Phó Đại sứ, Tham tán, Bí thư thứ nhất ĐSQ các nước: CHLB Nga, CHLB Đức, Phái đoàn Liên minh châu Âu, ĐSQ Canada, Đức, Pháp, Anh, Hoàng gia Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philipine, Azecbaijan, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, các Viện Hàn lâm, các Học viện, trường ĐH…
Về phía ĐHQGHN có các đồng chí trong Ban Giám đốc, các đồng chí nguyên lãnh đạo ĐHQGHN qua các thời kỳ, đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, lãnh đạo Trường ĐH thành viên, các Khoa trực thuộc, các Trung tâm, các Viện nghiên cứu, Hội Cựu giáo chức, các đoàn thể của ĐHQGHN.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã biểu dương những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ĐHQGHN trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chúc mừng tân Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn
Phó Thủ tướng chúc mừng đồng chí Giám đốc tiền nhiệm Phùng Xuân Nhạ vừa được Đảng và Nhà nước giao trọng trách là người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo, đồng thời chúc mừng và chính thức giao nhiệm vụ cho đồng chí tân Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhà giáo, nhà khoa học của ĐHQGHN tăng cường đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được thời gian qua, chung sức đồng lòng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra, đưa ĐHQGHN phát triển đúng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Chính phủ và nhân dân.
Phó Thủ tướng cho rằng, để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì nhất định phải tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Muốn làm việc đó phải đổi mới mô hình sáng tạo của đất nước. “Chúng ta phải tăng cường năng lực nghiên cứu của các trường đại học. Có nhiều chỉ số để đánh giá nhưng một trong những chỉ số đấy là các công bố trên các tạp chí quốc tế ISI, Scopus” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, ĐHQG Hà Nội tự hào đi đầu trong công bố quốc tế, nhưng “ĐHQGHN đã đi đầu rồi phải tiếp tục đi đầu nhanh hơn, mạnh hơn”- Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, ĐHQGHN đã có những bước đi đúng hướng trong công tác kiểm định chất lượng công tác dạy và học ở các trường, đưa ra phương thức thi mới đóng góp cho việc đổi mới căn bản giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển đất nước. “Làm sao những việc đó không chỉ giới hạn trong ĐHQGHN mà như một hạt nhân lan ra toàn hệ thống” – Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng khẳng định, ĐHQG Hà Nội có nhiều kinh nghiệm trong cơ chế quản trị tự chủ nhưng cơ chế tự chủ này phải được phát huy tối đa tới các trường, viện, đơn vị trực thuộc. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, “chúng ta vừa phải hội nhập nhưng cũng phải thi đua. Vì thế, chúng ta vui mừng khi ĐHQG Hà Nội vươn lên trong các bảng xếp hạng quốc tế nhưng không thể hài lòng với tốp 20 ASEAN được. Và để thay đổi điều này đòi hỏi mỗi chúng ta đều phải nỗ lực” – Phó Thủ tướng nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyên Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, ĐHQGHN với vị trí đặc biệt của mình, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, danh tiếng, thương hiệu của ĐHQGHN đã từng bước được tạo dựng và phát triển. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, ĐHQGHN đã thể hiện một sức sống mãnh liệt của một mô hình đại học mới, trí tuệ, từng bước phát huy hiệu quả mô hình quản trị đại học tiên tiến, phát triển với triết lý “Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyên Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ phát biểu chúc mừng tại buổi lễ
Nguyên Giám đốc ĐHQGHN tin tưởng, với năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh, sự am hiểu sâu sắc về ĐHQGHN và uy tín cao cả về khoa học và năng lực lãnh đạo, quản lý, tân Giám đốc Nguyễn Kim Sơn sẽ cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ, học sinh, sinh viên ĐHQGHN thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030, để ĐHQGHN ngày càng phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, ĐHQGHN cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ V, đặc biệt cần tập trung vào hai khâu đột phá là: phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc để tạo đà thúc đẩy phát triển ĐHQGHN thành đại học nghiên cứu.
Trong diễn văn nhậm chức, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến vị trí đặc biệt quan trọng của ĐHQGHN trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam. Trọng trách của ĐHQGHN là phải tiên phong đổi mới, làm đầu tầu cho sự phát triển giáo dục Việt Nam và đóng góp tích cực vào hệ thống đào tạo nhân lực và nghiên cứu trong cộng đồng ASEAN và trên toàn thế giới.
Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định, vấn đề quan trọng hàng đầu lúc này của ĐHQGHN là kiên trì đường hướng phát triển, triết lý và mục tiêu phát triển. “ĐHQGHN cần làm mọi việc, tiến hành mọi biện pháp để tất cả mọi mặt hoạt động của mình, từ nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ, chất lượng đào tạo, năng lực và khả năng có việc làm tốt của sinh viên, quản trị nội bộ, hợp tác trong ngoài… đều đạt và vượt các tiêu chuẩn, tiêu chí của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Cần làm mọi cách để sinh viên của chúng ta đào tạo ra có năng lực tốt nhất và có thể làm công dân toàn cầu, làm việc tốt trong môi trường quốc tế”, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu.
Tân Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu nhậm chức tại buổi lễ
Nhận trọng trách lãnh đạo một trung tâm đào tạo và nghiên cứu bậc đại học lớn nhất của cả nước, tiếp tục chặng đường đưa ĐHQGHN trở thành một ĐH có chất lượng cao của khu vực và thế giới, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, mặc dù còn nhiều thách thức, khó khăn ở phía trước, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; sự ủng hộ, hỗ trợ có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương; sự đồng hành của các đối tác trong và ngoài nước; đặc biệt với bề dày truyền thống hơn một thế kỷ, với trí tuệ, tâm huyết, sự đồng lòng, chung sức của tập thể các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các em sinh viên, ĐHQGHN có đầy đủ cơ sở để tin tưởng và quyết tâm phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngang tầm các đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
“Chúng ta không chỉ đào tạo sinh viên biết phát triển bản thân, biết chung sống trong cộng đồng, có thể làm việc tốt nhất theo các chuẩn nghề nghiệp của ASEAN và quốc tế, mà còn có những phẩm chất của người trí thức trong thời đại mới, trách nhiệm, dấn thân, lo toan, gánh vác việc lớn của đất nước”- Tân Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Ngày 10/12/1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/CP về việc thành lập ĐHQGHN. Trong quãng thời gian chưa dài đó, ĐHQGHN đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng và rất đáng tự hào. Nổi bật là: Mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực từng bước được hoàn thiện; Sự liên thông, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị được tăng cường, góp phần xây dựng ĐHQGHN thành một thực thể hữu cơ, gia tăng các giá trị, tạo nên các sản phẩm độc đáo, có sức cạnh tranh cao; Các lĩnh vực ĐHQGHN có thế mạnh, đặc biệt là khoa học cơ bản tiếp tục được phát huy, bên cạnh đó, nhiều sản phẩm, công trình khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao, chuyển giao tri thức, góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; Một số lĩnh vực mới, liên ngành được phát triển; Nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao đã được kiểm định đạt chuẩn chất lượng của mạng lưới các trường đại học ở Đông Nam Á, đặc biệt Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN là đơn vị đào tạo đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được đánh giá ở cấp độ trường đại học theo tiêu chuẩn AUN-QA. Tỷ lệ đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao của ĐHQGHN đạt mức cao nhất trong các cơ sở giáo dục đào tạo, KHCN của cả nước, trong đó tỷ lệ GS, PGS đạt 17,5% và TS đạt 43,5%. Trong nhiều năm liền, ĐHQGHN luôn ở vị trí dẫn đầu Việt Nam trong các bảng xếp hạng uy tín. ĐHQGHN là một trong ba đơn vị dẫn đầu cả nước về các công trình nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế. Vị thế quốc tế của ĐHQGHN không ngừng tăng lên: Lọt vào top 150 các đại học hàng đầu châu Á, trong đó một số lĩnh vực lọt vào top 100 và top 200 theo bảng xếp hạng QS năm 2016. ĐHQGHN cũng là điểm đến thăm và làm việc của nhiều chính khách và các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, ĐHQGHN đã tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy. Kết quả của kỳ thi khẳng định hướng đi đúng của ĐHQGHN, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Đây là mô hình mới, tiên tiến, hội nhập với thế giới và thể hiện sự tiên phong trong đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN. |
Theo trang VNU[:]