[:vi]Trong khuôn khổ hoạt động thường niên của Chương trình “Hợp tác Đông Nam Á về Khả năng Chống chịu với Biến đổi Khí hậu ở Đô thị” (UCRSEA) giữa các trường đại học của Canađa và các nước vùng Đông Nam châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học Toronto, Canađa, và Viện Môi trường Thái Lan, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Liên kết các đô thị trong khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu” trong thời gian từ ngày 24 đến 28 tháng 4 năm 2016, tại Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhằm:
- Nâng cao năng lực cho các đơn vị đối tác thông qua chia sẻ, trao đổi các kết quả nghiên cứu, các hoạt động và những ý tưởng/cách tiếp cận để hiểu rõ về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu ở các đô thị cấp hai trong khu vực Đông Nam Á;
- Trao đổi và so sánh các nghiên cứu, công cụ/phương pháp luận trong Đánh giá tính dễ bị tổn thương trong các đô thị của các nước tham gia dự án.
Đến dự hội thảo có sự hiện diện của Ngài Đại sứ Canađa tại Việt Nam, David Danine; các giám đốc dự án; Giám đốc Trung tâm NC TN&MT, Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng và đại diện lãnh đạo các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, là địa bàn nghiên cứu của Dự án.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Tiến sĩ Hoàng Văn Thắng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng và bày tỏ sự hoan nghênh đối với Chương trình hợp tác này trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng tác động rõ rệt trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt khu vực Đông Nam Á với quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Đây là một trong những khu vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của nước biển dâng, lũ lụt và hạn hán. Hội thảo lần này sẽ tạo cơ hội để các học giả, các nhà quản lý và các bên liên quan tham gia chia sẻ, thảo luận nhằm nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị trong khu vực với biến đổi khí hậu.
Tham gia Hội thảo còn có sự góp mặt của 70 đại biểu, là các giáo sư, các nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh và sinh viên cao học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu của các nước Canađa, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Việt Nam (gồm các đại biểu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường và các cán bộ quản lý của tỉnh Ninh Bình và Lào Cai, là địa bàn nghiên cứu của Dự án).
Hội thảo có 23 báo cáo tham luận, tập trung xoay quanh các chủ đề chính như:
- Xây dựng và duy trì các mối quan hệ hợp tác thông qua các hoạt động trao đổi nghiên cứu liên quan đến các cách thức tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức về Ứng phó với biến đổi khí hậu ở đô thị trong vùng Đông Nam Á;
- Nhận định và chỉ ra những thiếu sót trong các hoạt động thực tiễn so với kế hoạch đề ra;
- Xây dựng kế hoạch cho năm thứ 3 nhằm hỗ trợ trong việc quản lý hiệu quả chương trình hợp tác.
Hội thảo đã mang đến cho các đại biểu cơ hội quý giá để trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm nghiên cứu cũng như thảo luận, làm rõ những vấn đề mà các báo cáo tham luận đã đề cập đến, và được cập nhật những kiến thức, tri thức, những cách tiếp cận mới. Bên cạnh đó bài học kinh nghiệm về cách thức tổ chức nghiên cứu cũng như quản lý chương trình đạt hiệu quả hơn đã được đúc rút. Kế hoạch cho năm tiếp theo cũng đã được xây dựng với các hoạt động được chi tiết hóa.
Sau 5 ngày làm việc tích cực, hội thảo đã thu được những kết quả như mong đợi, đồng thời cũng mở ra nhiều hướng hợp tác nghiên cứu và cơ hội trao đổi học thuật giữa Trung tâm NC TN&MT và các trường đại học, viện nghiên cứu khác ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình Hợp tác.
[:]