Ngày 07/8/2022, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ hai của năm 2022. Tiếp tục duy trì đà gia tăng trong các kỳ xếp hạng trước, trong kỳ xếp hạng này, ĐHQGHN đã ở trong tốp 800 cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất với vị trí 758
Trong kỳ xếp hạng tháng 8/2022, ĐHQGHN đã tăng 186 bậc so với lần xếp hạng tháng 01/2022, vị trí 183 Châu Á và vị trí 14 Đông Nam Á.
Webometrics là Bảng xếp hạng tự động, đánh giá năng lực số hóa và mức độ lan tỏa, ảnh hưởng về tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các chỉ số về mức độ lan tỏa, ảnh hưởng của hệ thống website và thông tin trực tuyến (impact), độ mở về tài nguyên học thuật (openness) trên Google Scholar, và chỉ số trích dẫn khoa học trên hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus (excellence) của một cơ sở giáo dục đại học.
Trong kỳ xếp hạng này, Webometrics vẫn duy trì phương pháp xếp hạng như ở kỳ tháng 01/2021. Cụ thể, tiêu chí “Presence” (Lượng tài nguyên số hóa) đã được loại bỏ trong phương pháp xếp hạng, tiêu chí Visibility (Mức độ ảnh hưởng) có trọng số cao nhất (50%), tiếp theo là tiêu chí Excellence (Sự xuất sắc) có trọng số 40% và tiêu chí Transperency (Độ mở học thuật) có trọng số 10%.
Cũng trong kỳ xếp hạng này, sự gia tăng vượt bậc của tiêu chí Visibility (Mức độ ảnh hưởng) – từ vị trí xếp hạng 1316 ở tháng 01/2022 lên hạng 656 ở tháng 8/2022 – đã có thấy sự gia tăng trong phạm vi ảnh hưởng của hệ thống tài nguyên số trực tuyến và website ĐHQGHN không chỉ đối với cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế mà còn đang tác động mạnh tới toàn xã hội.
Trong năm 2022, ĐHQGHN đã tiếp tục gia tăng vị trí xếp hạng, như: Ngày 09/6/2022, Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds) đã công kết quả của Bảng xếp hạng đại học thế giới QS World University Rankings 2023 – QS WUR 2023. Trong đó, ĐHQGHN có năm thứ 5 liên tiếp được xếp hạng trong top 1000 các cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới theo tiêu chí của QS WUR.Theo đó, ĐHQGHN lần thứ 4 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu. Mặc dù liên tục duy trì ở nhóm thứ hạng này trên bảng xếp hạng, nhưng điểm xếp hạng của ĐHQGHN ngày càng gia tăng, dẫn tới thứ hạng tuyệt đối trong bảng xếp hạng cũng dần được nâng cao. Cụ thể, trong ba lần xếp hạng trước, ĐHQGHN đứng trong nhóm 78,5% (2019), 74,9% (2020), 67,5% (2021) các trường đại học hàng đầu. Ở lần xếp hạng lần này, ĐHQGHN vươn lên đứng trong nhóm 61,6% các trường đại học hàng đầu thế giới.
Cũng tại bảng xếp hạng này, ngày 06/04/2022, Quacquarelli Symonds công bố kết quả bảng xếp hạng 51 lĩnh vực thuộc 5 nhóm lĩnh vực của 1543 cơ sở giáo dục đại học thế giới, với khoảng 14000 chương trình đào tạo.ĐHQGHN tiếp tục gia tăng vị thế tại các lĩnh vực mũi nhọn khi có 6/51 lĩnh vực được xếp hạng. Trong 6 lĩnh vực được QS xếp hạng trong QS WUR by subject 2022 gồm: Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Cơ kỹ thuật, hàng không và chế tạo, Toán học, Vật lý và thiên văn học, Kinh doanh và Khoa học quản lý và Kỹ thuật điện và điện tử, ĐHQGHN có tới 5/6 lĩnh vực thuộc top 500 thế giới – đặc biệt 3 lĩnh vực Toán học (Mathematics); Vật lý và Thiên văn học (Physics & Astronomy) và Kinh doanh và Khoa học quản lý (Business & Management Studies) đều được xếp hạng số 1 tại Việt Nam.
Hồi tháng 06/2022, tạp chí Times Higher Education công bố kết quả xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Châu Á năm 2022 (THE Châu Á). Theo đó, ĐHQGHN có vị trí trong nhóm 301-350 Châu Á trong tổng số 616 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng.
Trước đó, hồi tháng 04/2022, tạp chí Times Higher Education (THE) đã công bố kết quả xếp hạng của bảng xếp hạng THE Impact Rankings. Đây là bảng xếp hạng lấy việc tiên phong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc làm tiêu chí để xếp hạng các tổ chức giáo dục đại học trên toàn cầu. Ở lần xếp hạng này, ĐHQGHN có thứ hạng 601-800 thế giới, cùng với các cơ sở giáo dục khác của Việt Nam như Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Phenikaa và 3 cơ sở giáo dục mới tham gia xếp hạng trong năm nay: Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH FPT và Trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Nguồn: Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – VNU Media