Ngày 20/12/2024, tại Hòa Lạc, Hội nghị tổng kết năm 2024 nhóm các viện nghiên cứu trong toàn ĐHQGHN, nhằm đánh giá các kết quả đạt được trong năm qua và phương hướng nhiệm vụ thực hiện trong giai đoạn mới.
Chủ trì hội nghị có Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn; cùng trưởng Ban Khoa học Công nghệ Trần Thị Thanh Tú và đại diện của 05 Viện thành viên tham gia.
ĐHQGHN đến nay có 5 viện nghiên cứu thành viên gồm: Viện Tài nguyên & Môi trường, Viện Công nghệ Thông tin, Viện Việt Nam học & Khoa học Phát triển, Viện Vi Sinh vật & Công nghệ Sinh học và Viện Trần Nhân Tông. Các Viện cùng có sứ mệnh đào tạo chuyên gia chất lượng cao ở bậc tiến sĩ, tham gia đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực; nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, tư vấn và chuyển giao nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, phổ cập công nghệ mới cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.
Đây là một hoạt động thường niên của khối viện trong ĐHQGHN được tổ chức trên tình thần gắn kết giữa các nhà quản lý, nhà khoa học của khối viện cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm, mô hình đã triển khai trong năm qua, đồng thời cùng đưa ra giải pháp hữu ích để cùng nhau liên kết đảm bảo tính hiệu quả của mỗi viện. Hội nghị là dịp thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá về các điểm hạn chế đang gặp phải, để tin tưởng vào một sự phát triển của các viện trong mô hình đại học nghiên cứu của ĐHQGHN trong thời gian tới và đồng hành thực hiện chiến lược phát triển ĐHQGHN là một đại học của Việt Nam đến năm 2030 lọt trong tốp 500 các trường đại học tốt nhất thế giới.
Phó Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh, các nhà khoa học, nhà quản lý của viện cần tập trung đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả xoay quanh việc các viện sẽ tiếp tục được đầu tư, vun cao phát triển trong mô hình đại học nghiên cứu, gắn với bài toán “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” theo chiến lược phát triển của ĐHQGHN. Mỗi viện sẽ là một Hub để thu hút, tập trung các khối trường, các nhà khoa học tăng cường liên kết, nghiên cứu tạo sản phẩm tốt, chất lượng gắn với thị trường. ĐHQGHN với thế mạnh là đại học đa ngành, đa lĩnh vực vậy nên các viện cần biết tận dụng lợi thế để phối hợp, gắn kết, liên thông, liên lĩnh vực để cùng nhau tạo nên một dự án mang tầm chiến lược, ảnh hưởng tới xã hội, góp phần tạo nên điểm sáng về khoa học công nghệ cho ĐHQGHN nói riêng và thực hiện trách nhiệm quốc gia.
Viện Tài nguyên và Môi trường là một tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đồng thời là một cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐHQGHN, được thành lập theo Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc ĐHQGHN. Đến nay, VNU-CRES đã xây dựng được thương hiệu uy tín quốc gia và quốc tế trong nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ, đào tạo sau đại học và tư vấn chính sách về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH), quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN), bảo vệ môi trường (BVMT), biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững (PTBV).
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện TN&MT báo cáo tổng kết các mặt hoạt động của Viện trong năm 2024 và kế hoạch triển khai KPI năm 2025
Trong năm 2024, Viện đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công cuộc nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội cũng như đào tạo.
Nghiên cứu khoa học: Năm 2024, Viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai KHCN, tiếp tục được giao chủ trì triển khai 08 dự án HTQT. 01 đề tài thuộc Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (Nafosted) và 01 đề tài thuộc Chương trình 562, Ngoài ra còn thực hiện 04 đề tài cấp ĐHQGHN, 9 đề tài KHCN và hợp đồng tư vấn với các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương.
Viện tiếp tục duy trì sự gia tăng mạnh về công bố quốc tế, Viện đã công bố được tổng số 49 bài báo, công trình khoa học trên các tạp chí quốc gia và quốc tế. Trong đó, có 41 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục WoS/Scopus; 08 bài báo trên tạp chí quốc gia.
Trong hoạt động đào tạo, năm 2024 với thương hiệu và uy tín của viện, Viện đã tuyển sinh được 8 nghiên cứu sinh (NCS), nâng quy mô đào tạo của viện lên 29 NCS.
Viện đã cấp 80 suất học bổng NAGAO cho các HVCH chuyên ngành quản lý tài nguyên và môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, lâm nghiệp, nông nghiệp,… của 18 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Kế hoạch trong năm học 2024-2025, sẽ tiếp tục cấp 90 suất học bổng (trong đó có 40 suất cấp lần hai và 50 suất cấp lần một).
Trong hoạt động mở rộng hợp tác và quan hệ quốc tế cũng được đẩy mạnh thông qua các các hội thảo quốc tế Viện tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất Môi trường, Sức khỏe và An toàn nghề nghiêp (OSHE2024) với hơn 150 đại biểu đến từ 08 quốc gia. Hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tổ chức chương trình “Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” cho 27 giảng viên, sinh viên của NUS. Ngoài ra, Viện đã tổ chức các hội thảo khoa học trong khuôn khổ các nhiệm vụ, đề tài, dự án đang triển khai thực hiện.
Viện duy trì 10 MoU với các đối tác quốc tế và 04 MoU với các đối tác trong nước. Viện đã nỗ lực đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, các địa phương, Viện duy trì hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ với vai trò thành viên của 07 tổ chức (IUCN; Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Hiệp hội VQG và Khu BTTN Việt Nam; Hội Đất ngập nước Việt Nam, Hội Địa lý Việt Nam, Hội Khoa học Đất Việt Nam, Hội Khoa học Đất thế giới), Viện trưởng đã tham gia Tham gia Diễn đàn Bảo tồn khu vực Châu Á lần thứ 8 tại Thái Lan của tổ chức IUCN quốc tế với các ý kiến đóng góp quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, Viện dã đóng góp quan trọng trong việc thăng hạng trong xếp hạng của QS của ĐHQGHN đối với tiêu chí phát triển bền vững.
Công tác biên soạn giáo trình cũng được tăng cường; tham gia triển lãm các sản phẩm KHCN tại các sự kiện quan trọng của ĐHQGHN, các bộ và địa phương tổ chức. Số lượng nhiệm vụ và hợp đồng KHCN; Hoạt động tư vấn chính sách và chuyển giao công nghệ cũng đã được đánh giá cao trong năm qua; lĩnh vực hợp tác và phát triển được gia tăng và đóng góp vào xếp hạng của ĐHQGHN.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, trong năm qua, Viện Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Viện và của Đại học Quốc gia Hà Nội. Những kết quả này là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ lãnh đạo, viên chức và người lao động, giúp Viện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch KPI mà ĐHQGHN giao.
CRES
Tags: ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, HỘI NGHỊ HỘI THẢO, VIỆN TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG, VNU