Từng nước một, các quốc gia đang phát triển đang từ chối nhập khẩu rác, trả bài toán hóc búa lại cho những nước giàu vốn sạch sẽ nhờ xuất khẩu rác.
Đồng loạt quay lưng với rác của “nhà giàu”
Giữ mùi hôi thối bốc lên từ dòng nước thải chảy ra từ những container rác ở cảng Port Klang, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin tuyên bố với các nhà báo rằng bà sẽ trả chúng lại nơi chúng đến. Không chỉ có bà Yeo, cả Đông Nam Á đang ngán ngẩm với rác từ những nước giàu được xuất khẩu đến khu vực.
Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, khoảng 5,8 triệu tấn rác thải đã được xuất khẩu từ tháng Giêng đến tháng 11 năm ngoái. Dẫn đầu trong nhóm này là Mỹ, Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, điều này có thể sắp kết thúc. Các chính phủ châu Á đang nói không với rác thải nhập khẩu, nguồn cung nguyên liệu chính cho các nhà máy tái chế nhựa suốt nhiều thập kỷ qua.
Không còn là nguyên liệu, các nước nhập khẩu rác đang phải đối mặt với những loại rác thải nhiễm độc, vốn khó có thể tái chế dễ dàng. Thông thường, chỉ 70% số rác thải nhập khẩu được tái chế. 30% còn lại không thể dùng vào việc gì vì bị ô nhiễm.
Rác bị ô nhiễm được đưa đến các lò đốt rác hoặc bãi rác. Tuy nhiên, việc này cần chi phí. Một số nhà tái chế chọn cách tiêu hủy rác bằng các biện pháp thủ công, gây ra thảm họa với môi trường. Việc đốt rác diễn ra một cách lén lút và thường vào ban đêm để tránh bị phát hiện.
Cuộc điều tra của Hòa bình Xanh tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan cho thấy việc tái chế bất hợp pháp, đốt rác ngoài môi trường là tác nhân khiến gia tăng các căn bệnh quái ác liên quan đến ô nhiễm. Khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác vào tháng 1/2018, nó đã kích hoạt một hiệu ứng domino trên toàn châu Á. Rác được chuyển hướng tới Đông Nam Á nhưng sự quá tải khiến chính phủ các nước trong khu vực sớm phải hành động.
Malaysia ban hành lệnh cấm trong tháng 10 năm ngoái. Thái Lan ngừng cấp giấy phép nhập khẩu rác vào năm ngoái và có khả năng ban hành lệnh cấm vào năm 2020. Philippines đã gửi 69 container rác trả lại cho Canada, Indonesia cho biết họ sẽ chắt chặt các quy tắc nhập khẩu rác thải. Ấn Độ và Việt Nam cũng đã công bố những hạn chế.
Khi Đông Nam Á nói không với rác thải, các nhà xuất khẩu chắc chắn sẽ tìm kiếm những nơi khác. Điểm đến tiếp theo có thể là ở châu Phi. Tuy nhiên, mạng xã hội đang giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề rác thải trên toàn thế giới, đồng nghĩa với việc các nước giàu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình đẩy rác thải đến các nước nghèo và nước đang phát triển.
Cuộc chiến với rác
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), con người tạo ra 2,01 tỷ tấn rác thải rắn vào năm 2016. Đến năm 2050, con số này có thể tăng lên 3,4 tỷ tấn. Khoảng 12% tổng số rác thải đô thị năm 2016 là nhựa, tương đương 242 triệu tấn.
Giải pháp duy nhất có thể giúp thế giới tránh ngập trong rác là cải tiến công nghệ và thay đổi hành vi trong xã hội, tiến tới làm giảm thậm chí loại bỏ nhu cầu về các loại rác độc hai, khó phân hủy theo cách tự nhiên. Tận dụng mọi đặc tính của rác cũng là cách giúp con người chung sống với thứ mình thải ra một cách thoải mái hơn.
Trong rác có khá nhiều thực phẩm thừa và chất hữu cơ. Trong quá trình phân hủy, những loại rác hữu cơ này tạo ra khí metal. Người ta có thể tận dụng loại khí sản sinh ra trong quá trình rác phân hủy để sử dụng làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Thái Lan đang thực hiện theo cách này.
Ngoài ra, chính bản thân rác cũng có thể được đốt để tạo ra điện. Tro đốt rác có thể được dùng cho mục đích xây dựng. Tuy nhiên, phương thức này khá đắt đỏ bởi khí độc thải ra trong quá trình đốt cần nhiều tiền của để xử lý. Ngoài ra, nó vẫn tạo ra loại khí gây hiệu ứng nhà kính.
Việc phân loại rác để tăng tính hiệu quả của quá trình tái chế cũng là một bài toán khó. Để giải quyết vấn đề nan giải này, nhiều quốc gia đang muốn áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc phân loại rác, trong đó có robot để lấy gỗ và kim loại khỏi rác thải ở các băng chuyền. Thậm chí, người ta còn sử dụng các công nghệ hiện đại hơn để phân loại nhựa phục vụ tái chế. Những chất liệu không thể tái chế và chất thải hữu cơ được đưa đến các lò đốt để sản xuất điện.
Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn là phân loại rác tại nhà và nó phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của con người. Việc loại bỏ các tạp chất khỏi đồ nhựa trước khi vứt đi là cách làm ở Nhật Bản và châu Âu, giúp rác thải nhựa dễ được tái chế hơn. Nếu tiếp tục coi rác là thứ đáng vứt đi càng nhanh càng tốt, con người sẽ không thể chung sống hòa bình với rác.
Ngoài ra, một biện pháp khác cũng đang được các công ty nghiên cứu là thay thế nhựa bằng một loại vật liệu ưu việt với môi trường hơn. Bùng nổ từ những năm 1950, nhựa làm thay đổi cuộc sống con người theo cả hai nghĩa tiêu cực và tích cực. Không ai có thể phủ nhận tính hữu dụng của nhựa nhưng việc chúng tồn tại hàng trăm, tới hàng nghìn năm trong môi trường lại là điều kinh khủng.
Đồ nhựa dùng một lần đang bị cấm ở nhiều quốc gia. Các siêu thị cũng đang dùng những cách khác nhau để bọc hàng hóa thay vì dùng túi nilon. Ở Việt Nam, một số siêu thị đã dùng lá chuối để gói thịt và rau, giúp giảm thiểu lượng nhựa thải ra môi trường sau khi sử dụng một lần. Một số công ty đang phát triển loại nhựa nguồn gốc thực vật, dễ tiêu hủy để ngăn rác thải.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg