Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), là nơi họp chính thức của các bên tham gia UNFCCC nhằm đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu.
Hội nghị lần thứ 26 (COP26) đang diễn ra tại Glasgow (Vương Quốc Anh). Rất nhiều diễn đàn bên lề Hội nghị liên quan đến BĐKH đã được tổ chức và có sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới.
Ngày 8.11.2021, Sự kiện bên lề COP26: Cộng đồng địa phương thích ứng với Biến đổi khí hậu tại các đồng bằng lớn ở Châu Á (Locally-led adaptation for climate change resilience in Asian Mega-Deltas) đã được tổ chức bởi Dự án Nghiên cứu về Đồng bằng (Living Deltas Hub) cùng với Tổ chức CGIAR và với sự tham gia của gần 100 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển cộng đồng, biến đổi khí hậu, khoa học trái đất, địa lý, nhân văn, xã hội…
TS. Lê Thị Vân Huệ, Phó giám đốc dự án đã tham gia và có bài trình bày tại sự kiện với tiêu đề “Kết hợp khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên trong thực tiễn – Làm thế nào để tăng cường khả năng chống chịu tại BĐKH Đồng bằng Sông Hồng?”. Bài trình bày đã nêu lên những tác động và hậu quả của BĐKH đến ĐBSH như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn áp dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành xã hội – tự nhiên đang được các nhà khoa học của Dự án Nghiên cứu về Đồng bằng thực hiện tại ĐBSH.
Với các hoạt động bên lề, các nhà khoa học mong muốn đưa những bằng chứng về những nỗ lực của cộng đồng các nhà nghiên cứu cũng như của người dân địa phương trong việc giảm thiểu tác động và thích ứng với BĐKH đến các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Nguồn: VNU-CRES: Halybui