Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021 (EEF) đã diễn ra trong những ngày 2 đến 4 tháng 9 năm 2021 tại thành phố Vladivostok (LB Nga), trong khuôn viên Trường Đại học Liên bang Viễn Đông (FEFU) với hàng trăm phiên làm việc song phương.

heo truyền thống, các sự kiện diễn đàn được tổ chức dưới hình thức phiên thảo luận, bàn tròn, tranh luận trên truyền hình, thảo luận sáng về kinh doanh và đối thoại kinh doanh giữa Liên bang Nga và các quốc gia khác nhau trên thế giới. Chương trình làm việc của Diễn đàn bao gồm các cuộc đối thoại kinh doanh với các nước đối tác hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như với ASEAN – tổ chức hội nhập quan trọng của các nước đang phát triển tích cực ở Đông Nam Á.

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông hàng năm quy tụ đại diện của nhiều ngành đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm nay, Diễn đàn cũng đã đón tiếp các đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến từ Brazil, Indonesia, Mexico, Nhật Bản, Italia, Trung Quốc, Đài Loan, Úc, Brunei, Thái Lan, Việt Nam, Papua New Guinea, Ấn Độ…

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nền kinh tế APEC đồng thuận đề cao vai trò của giáo dục đại học như động lực chính của một thị trường năng động và tiến bộ, hướng tới một khu vực kinh tế, xã hội bền vững cho sự thịnh vượng chung. Vì vậy, hợp tác giáo dục APEC đã trở thành một vấn đề quan trọng trong việc đạt được các năng lực cần thiết để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kích thích đổi mới công nghệ và mở rộng cơ hội việc làm.

Trong khuông khổ EEF, Hội nghị APEC về Hợp tác trong giáo dục đại học (APEC CCHE) năm thứ 10 cũng đã diễn ra và khẳng định mối quan hệ sâu sắc giữa các cơ sở giáo dục ở Nga và các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. FEFU với tư cách là đơn vị tổ chức APEC CCHE truyền thống hằng năm, đã trở thành điểm hẹn tin cậy để thảo luận về các xu hướng và thách thức trong sự phát triển của cộng đồng giáo dục khu vực, đồng thời trở thành diễn đàn để phát triển chính sách.

Tham dự Hội nghị APEC lần thứ 10 (APEC CCHE’10th) theo hình thức trực tuyến, từ ĐHQGHN có Phó giám đốc Phạm Bảo Sơn, Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức, Phó trưởng ban Hợp tác và Phát triển Lê Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Lê Kim Anh, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển Khoa Quốc tế Mai Nguyễn Tuyết Hoa và Giám đốc Văn phòng đại diện FEFU-VNU Lưu Thị Nam Hà. Các đại biểu tham dự APEC CCHE’10th đã chỉ ra những vấn đề cần quan tâm và tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục đại học ở Châu Á – Thái Bình Dương và hơn thế nữa.

Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu có những thay đổi mạnh mẽ, quá trình số hóa phát triển, đòi hỏi các chuyên gia phải thích ứng với nhu cầu của nơi làm việc và thực trạng thất nghiệp gia tăng theo dịch bệnh Covid-19, giáo dục đại học phải thích ứng với các tiêu chuẩn mới. Khi các cơ sở giáo dục đại học đang trong quá trình sửa đổi các phương pháp giảng dạy truyền thống và đưa các giải pháp đổi mới vào hệ thống giáo dục, vai trò của các nhà giáo dục trong nền kinh tế trở nên quyết định. Các nhà lãnh đạo và nhà phát triển chương trình của các trường đại học đã giới thiệu những chương trình giảng dạy tiên tiến và cá nhân hóa, các khóa học bổ sung và đàm phán các thỏa thuận thực tập với các công ty để nâng cao kỹ năng của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp “Định hướng thành công của sinh viên: Liên kết trường đại học với thị trường lao động”, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh đã nhấn mạnh sự cần thiết của các hoạt động bồi dưỡng tư duy đổi mới cho sinh viên và giảng viên đại học, chia sẻ kinh nghiệm thành công của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN (VNU ULIS) trong những năm qua: “Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, các kỹ năng và năng lực của thế kỷ 21 bao gồm tư duy phản biện, sáng tạo, trí tuệ cảm xúc, tính bền bỉ và khả năng thích ứng với môi trường và hoàn cảnh thay đổi. Tại VNU ULIS, chúng tôi nhận thấy rằng để phát triển những năng lực này ở sinh viên, trước tiên các giảng viên và nhà giáo dục phải có được những năng lực đó. Vì vậy, trong những năm gần đây, VNU ULIS đã cung cấp các khóa đào tạo về những năng lực cần thiết của thế kỷ 21 cho đội ngũ giảng viên, cũng như phát triển các khóa học mới để giúp học sinh hình thành và phát triển những kỹ năng này.”

Khép lại EEF 2021 và APEC CCHE’10th, các đại biểu vui mừng với những kết quả thành công đạt được, nhiều thoả thuận về hợp tác đa ngành đã được ký kết.

Nguồn: https://vnu.edu.vn/ttsk/?C2093/N29164/dHQGHN-tham-du-Dien-dan-Kinh-te-phuong-dong-2021-va-hoi-nghi-APEC-ve-hop-tac-giao-duc-dai-hoc.htm