Nghiệm thu dự án cấp tỉnh: “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho quả na”

Ngày 09/10/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho quả Na”. Dự án do PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường là chủ nhiệm . Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn cho quả Na” thuộc Đề án triển khai Chiến lược Phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, thời gian thực hiện từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 01 năm 2024. Mục tiêu của dự án là xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả Na nhằm bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng cho người tiêu thụ và sản xuất; làm cơ sở cho công tác đầu tư và nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn; Góp phần duy trì danh tiếng sản phẩm quả Na tỉnh Lạng Sơn và nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

PGS.TS Lưu Thế Anh, Chủ nhiệm dự án báo cáo tóm tắt các kết quả thực hiện nhiệm vụ

            Dự án đã góp phần quan trọng làm nổi bật thêm thương hiệu, giá trị của sản phẩm quả Na Lạng Sơn trên thị trường nông sản Việt Nam. Về mặt kinh tế: Dự án khẳng định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ được tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm quả Na được trồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng. Sản phẩm Na Lạng Sơn cho thấy sự khác biệt rõ ràng về mặt cảm quan hình thái cũng như thành phần lý hóa so với các địa phương khác. Đây là lợi thế làm tăng tính cạnh tranh, tăng giá trị kinh tế cho người dân trồng na tại khu vực địa lý của sản phẩm. Ngoài ra, đây cũng có thể là cơ hội để đẩy mạnh sự phát triển của các ngành kinh tế khác như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, tăng thêm việc làm cho  người dân địa phương. Về mặt văn hóa – xã hội: Chỉ dẫn địa lý Na Lạng Sơn là căn cứ pháp lý lâu dài, gia tăng giá trị tích lũy, đẩy mạnh thương hiệu của sản phẩm. Đồng thời giữ gìn và phát triển một sản phẩm truyền thống, bảo tồn giá trị, nét đẹp văn hóa nông nghiệp của xứ Lạng và góp phần nâng cao danh tiếng, hình ảnh của sản phẩm nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

           Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao các kết quả khoa học đã đạt được của dự án, đặc biệt là các giá trị thực tiễn mà Dự án mang lại đối với tỉnh Lạng Sơn nói chung và đối với sản phẩm Na Lạng Sơn nói riêng. Trên cơ sở xem xét hồ sơ dự án, nghiên cứu nội dung báo cáo tổng kết dự án và nghe chủ nhiệm dự án báo cáo trình bày kết quả thực hiện, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đã tiến hành xem xét, trao đổi, thảo luận, đánh giá và thông qua kết quả thực hiện dự án: Dự án thực hiện và đạt được đầy đủ các mục tiêu đã đề ra, các nội dung của dự án được thực hiện đầy đủ theo Thuyết minh đã phê duyệt và Hợp đồng đã ký kết; Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng phù hợp với mục tiêu chung của nhiệm vụ. Kết quả của dự án có giá trị khoa học, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, đặc biệt sản phẩm chính của Dự án Chỉ dẫn địa lý Na Lạng Sơn đã được cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng số 00140 theo Quyết định số 560/QĐ-SHTT, ngày 28/6/2024 là cơ sở để Lạng Sơn xây dựng và phát triển quả Na Lạng Sơn trở thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước, đẩy mạnh và thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời là cơ sở để tỉnh Lạng Sơn xem xét và quyết định đầu tư, phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương trong thời gian tới.

PGS.TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm Dự án đã cảm ơn Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lạng Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn, UBND cùng người dân huyện Chi Lăng, Hữu Lũng cùng các Sở, Ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã đồng hành, phối hợp và hỗ trợ Viện Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Dự án. 

       

Tags: ,