Sử dụng thông minh rừng – đa dạng sinh học trên vùng sinh thái dãy Trường Sơn vì phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu

GS.TSKH.Đặng Huy Huỳnh

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam – Vacne

Từ khóa “Bảo tồn sử dụng thông minh rừng và đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn và sự phát triển bền vững, giảm thiểu các nguy cơ do biến đổi khí hậu”

Đặt vấn đề: Bảo tồn rừng và đa dạng sinh học (ĐDSH) trên dãy Trường Sơn không chỉ là điều tiên quyết vì phát triển bền vững (PTBV) mà còn là chỗ nương tựa mãi mãi cho 40 dân tộc anh em, khoảng 24 triệu người đã đang và sẽ sống trên địa bàn thuộc vùng sinh thái dãy Trường Sơn trong phát triển kinh tế an sinh xã hội, an ninh, môi trường và an ninh quốc phòng. Nhưng điều đáng báo động tình trạng diện tích rừng nguyên sinh rừng đầu nguồn, rừng thông, rừng khộp và đa dạng sinh học ngày càng bị suy giảm, nghèo kiệt, thâm chí các loài thực vật động vật, nấm… thuộc diện quý, hiếm, đặc hữu có giá trị kinh tế cao có nguy cơ mất dần gây thảm họa về sinh thái khó lường. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhằm góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bảo vệ rừng,ĐDSH ở Việt Nam nói chung và vùng sinh thái dãy Trường Sơn (DTS) nói riêng. Tác giả đã tham khảo kế thừa các tài liệu có liên quan của các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng với các chuyến khảo sát thực địa trong các năm 2013-2014, 2015 của bản thân tác giả và đồng nghiệp để điều tra thu thập tài liệu đánh giá hiện trạng rừng và ĐDSH góp phần làm cơ sở cho công tác quy hoạch ĐDSH các địa phương theo các điều khoản trong bộ luật ĐDSH 2008 với kỳ vọng góp phần nhỏ bé sự hiểu biết chung trong sự nghiệp bảo vệ rừng và ĐDSH vì sự PTBV và thích ứng với BĐKH, đồng thời góp phần thực hiện thông điệp của Liên hợp quốc nhân ngày Quốc tế ĐDSH 22/5/2015. Bảo tồn ĐDSH vì PTBV và hưởng ứng lời thỉnh cầu của ngài Tổng thư ký LHQ. Ban Ki Moon đối với các quốc gia về tầm quan trọng của rừng – ĐDSH trong PTBV. Rừng ĐDSH là nền tảng cho các chức năng của HST, nhờ vào đó chúng ta mới có thực phẩm và nước ngọt, sức khỏe và giải trí và được bảo vệ khỏi các thiên tai, mất rừng và mất ĐDSH sẽ tác động đến đời sống văn hóa và tinh thần của chúng ta…

Thực vậy, rừng và ĐDSH ở Việt Nam nói chung và DTS nói riêng chính là nền tảng để xây dựng các mục tiêu thiên niên kỷ. Chính vì vậy chúng ta, các nhà quản lý, các nhà sản sinh ra các chính sách, các doanh nghiệp, cộng động địa phương cần một tầm nhìn sâu sắc về vai trò và giá trị đích thực của rừng, ĐDSH cho môi trường khỏe mạnh vì một tương lai yên bình và bền vững.

  1. Hiện trạng rừng và ĐDSH trên dãy Trường Sơn

Dãy Trường sơn là vùng địa – sinh thái – chính trị trải dài trên 1100km, với diện tích tự nhiên khoảng 22 triệu ha, chiếm 2/3 diện tích tự nhiên của cả nước, là một trong số ít vùng của Việt Nam còn hiện hữu diện tích rừng nhiều nhất hiện nay với khoảng 7.713.382 ha chiếm 62% diện tích rừng của cả nước [1] là một trong tổ hợp các vùng sinhh thái hạ lưu sông Mê Kông có tầm quan trọng quốc gia và toàn cầu, bởi các HST tự nhiên, độc đáo, đang tích lũy nguồn vốn tự nhiên đa dạng phong phú, là vùng có sự giao thoa giữa những quần thể sinh vật nhiệt đới và cận nhiệt đới tạo nên tính ĐDSH rất cao trong đó có nhiều thực vật, động vật đặc hữu quý hiếm, đặt biệt trong thập kỷ cuối thế kỷ XX. Tại đây đã phát hiện nhiều loài động vật, thực vật là loài mới cho khoa học trong đó có một số loài thú cỡ lớn như Bò xam (Bos sauvels), Bò sừng xám (Psevnovilp bos spirales), Sao la (Pseudoryx nghetinhensix), Mang lớn (megamunticus vuquangensis) Mang Trường Sơn (muntiacus Truongsonnensi), Mang puhoat (M.puhoatensis) Voọc Hà Tĩnh (Trachyfphecus hatinhensix) Thỏ vằn (Isolagus Timminsii)… đặc biệt đã phát hiện loài Chuột đá (Laonates aerigmansus) một loài chuột tưởng đã bị tuyệt dủng 11 triệu năm trước đây [2]. Nhờ các yếu tố tự nhiên tạo lập đa dạng của HST trên cạn, trên các lưu vực sông, suối, đất ngập nước và vùng ven Duyên Hải tạo điều kiện cho sự đa dạng thành phần loài thực vật, động vật, nấm…

– Về thành phần loài thực vật: kế thừa tổng hợp các tư liệu có liên quan đã thống kê khoảng hơn 45000 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 1187 loài cây có giá trị dược liệu, 700 loài thực vật có giá trị cung cấp gỗ và nhiều tài nguyên lâm sản khác (cây cho tinh dầu, dầu béo, cây thức ăn gia súc, cây cho quả, rau, song mây, cây cảnh, nấm… Đây cũng là vùng còn gặp nhiều cây có giá trị quý, đặc biệt: Sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamensis) ở tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, thời gian gần đây trên đỉnh núi Ngọc Linh (Kon Tum) đã phát hiện thêm một quần thể sâm ngoài tự nhiên với số lượng cá thế khá đông, cùng với việc phát hiện một quần thể cây gỗ Pơ mu (Fokiemia hodginsii) khoảng 1300 cây tại khu rừng nguyên sinh trên núi Zi lieng có độ cao trên 1500m so với mực nước biển xã Axan và Trihy huyện Tây Giang, Tỉnh Quảng Nam, trong đó có nhiều cây to, cao từ 20-30 mét, chu vi cây đạt từ 2,4 -7,5 mét. Đặc biệt đã có 720 cây/1300 cây đã được công nhận là cây di sản Việt Nam (Vacne-2015). Đây là quần thể pơmu phân bổ tập trung trên diện tích 250ha, là nguồn gencây gỗ rất quý, có giá trị kinhh tế cao và có ý nghĩa bảo tồn đã được cộng đồng dân tộc Cơ Tu sống ở Tây Trường Sơn gìn giữ, chăm sóc, bảo vệ. Cùng với các loài gỗ quý khác: Trắc (Dalbegia Cochinchinsis), Cẩm lai (D.oliveri) Gụ mật (Sindora Siamensis), Giáng hương (Pterocarpus macro carpus), Mun (Diospyros mun) Kiền kiền (Hopia pierrei), Re hương (cinnamomum parthemoxylon) Trầm hương (Aquilaria Crassna), Thông đỏ (Taxus vallichiana), gỗ đỏ(Afzlia xylocarpa) cùng với tập đoàn cây họ dầu (Dipterocarfacea) trong rừng khộp: Dầu rái (Dipterocarpus alatas) Dầu đồng (D.tuberculata) Dầu đọt tím (D.grandiforsis), Cù chít (Shorea obtusa) Cẩm liên (Sh. Siamensis), Chiêu liêu ( Terminalia Chebula)… Đ không những là các loài cây có giá trị kinh tế cao mà còn là môi trường lý tưởng cho sự phân bố của các loài động vật hoang dã có kích cỡ to lớn như Voi (Elephas maximis. Trâu rừng (Bubalus arnec); Bò Xám (bos Sauveli); Bò Sừng soắn (Pseunovibos Spieralis); Bò tót (Bos gaurus); Bò rừng (B.banteng); Nai (Cervus unicolor) Mang (muntiacus mantjak); hổ(Panthera tigris) Báo (P.pardus) [10, 11, 12]. Đây là nguồn gen tự nhiên, quý hiếm có giá trị kinh tế, giá trị bảo tồn cao, cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững trên vùng sinh thái dãy Trường Sơn.

– Thành phần các loài động vật hoang dã

Về thú, có 220 loài thuộc 30 họ, 14 bộ trong đó có 80 loài có tên trong Sách Đỏ – Danh lục đỏ Việt Nam năm 2007, và trong phụ lục của Nghị định 32/2006-NĐ-CP về quản lý bảo vệ các loài thực vật, động vật nguy cấp quý hiếm.

Về chim, có 540 loài thuộc 48 họ, 15 bọ trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm, như Gà lôi lam mào trắng (lophura edwrdsi), gà lôi lam Hà Tĩnh (Lophura hatenhensis), Khướu Ngọc Linh (gaurlax ngoclinhensis), Công (pavomutiacus), Trĩ sao (Rheinartia ocellata), gà lôi tía (Tragopan temminsik) Mi langbian (Crocias Langbianis), Khướu đá mun (Stachyis herbeti)…

Về Bò sát – ếch nhái, có 400 loài thuộc 18 họ, 4 bộ trong đó có rất nhiều loài mới cho khoa học được phát hiện trên dãy Trường Sơn.Có nhiều loài có giá trị bảo tồn cao như: Rùa họp 3 vạch (Cuora trifasculata), Rùa họp Đông Dương (Cuorata galbrintfrons) Rùa lá (Genmyde Spengleri) Trăn đất (Python molorus), Trăn gấm (P.reticulata) Cá Sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis) Kỳ đà nước (Varanus Salvator), Kỳ đà vằn (Varanus nebullosus), Rắn Hổ chúa (Ophiophagas hamach)…

Về Côn trùng có 3290 loài và 400 loài cá nước ngọt nước lợ và nhiều loài thủy sinh phân bố trong các hồ ao, suối, lưu vực sông. Cùng với các loài động vật không xương sống, các loài nấm có giá trị kinh tế đang hiện hữu trên các hệ sinh thái tự nhiên trong hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (DTTN, VQG, loài/ sinh cảnh, cảnh quan) hành lang ĐDSH nếu được bảo vệ tốt sẽ là tiềm năng thực sự mang lại nhiều lợi ích cho phát triển bền vững về kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường bởi các giá trị đích thực trong việc cung cấp các dịnh vụ của các hệ sinh thái, văn hóa, xã hội… nhất là du lịch sinh thái, du lịch khám phá – nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn. Nhìn ra các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapo… việc bảo tồn ĐDSH hiệu quả sẽ tạo ra lợi ích to lớn từ sử dụng bền vững tài nguyên có giá trị cơ hơn 20% so với các lợi ích từ khai thác hủy diệt như hiện nay. Đây là nguồn vốn tự nhiên vô cùng quý đã gắn liền với đời sống văn hóa- xã hội hiện nay và cả trong tương không gì có thể thay thế được, là di sản thiên nhiên quý báu để quy hoạch xây dựng một nền kinh tế xanh.

  1. Vai trò của rừng ĐDSH trên dãy Trường Sơn đối với PTBV và thích ứng với BĐKH.

Dãy Trường Sơn là một trong bảy vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, bởi thế mạnh của rừng và ĐDSH hệ sinh thái, cảnh quan thực vật, động vật, vi sinh vật. Đây là nguồn tài nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng sống trên dãy Trường Sơn từ thế hệ này đến thế hệ khác, cả hiện tại và tương lai đều đã và sẽ được hưởng lợi thực sự từ những giá trị đích thực của rừng và ĐDSH như cung cấp lương thực, thực phẩm, gỗ trong xây dựng,; củi, thuốc chữa bệnh, đặc biệt giá trị dịch vụ cả các HST rừng, HST trảng cỏ, HST hang động, HST núi đá vôi, HST đất ngập nước sông, suối, hồ, đầm luôn luôn là chỗ dựa có giá trị trực tiếp hoặc gián tiếp cho cộng đồng trên dãy Trường Sơn. Bên cạnh các dịch vụ về văn hóa tâm linh, giá trị du lịch sinh thái, dịch vụ điều tiết nước và khí hậu, chống xói mòn trượt lở đất, lưu trữ carbon đồng thời các khu rừng và ĐDSH còn có ý nghĩa dịch vụ thụ phấn cho các cây trồng nông nghiệp ở gần rừng (cà phê, chè, tiêu, cây ăn quả, cây cho hoa…) Chẳng hạn những thử nghiệm sinh thái ở Costaria đã phát hiện sự có mặt của sinh vật thụ phấn hoang dã trong rừng giúp tăng 20% sản lượng cà phê và cải thiện chất lượng cho các công trường ở gần khu rừng, giá trị kinh tế của dịch vụ này ước tính vào khoảng 395 đô la Mỹ/1ha. Hiện nay và trong tương lai nền kinh tế ở vùng sinh thái dãy Trường Sơn vẫn phải dựa vào các loại rừng và ĐDSH nhất là trong bối cảnh BĐKH hiện nay thì vai trò của rừng các loại và ĐDSH lại càng quan trọng bởi lẽ chúng là bức bình phong vững chắc giúp hạn chế phòng tránh thiên tai và góp phần giải quyết những rủi do đối với an ninh lương thực và sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt đối với cộng đồng nghèo, các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo tính toán của các nhà khoa học nếu độ che phủ của rừng đảm bảo >45% thì đảm bảo độ an toàn sinh thái vì cứ 1 ha rừng bảo vệ được tốt sẽ hoàn trả lại cho đất khoảng 8-15 tấn hữu cơ một năm, tầng thảm mục của rừng sẽ giữ được khoảng 38840 lít nước/năm/ha; cứ 1 ha rừng trên vùng đất khô lượng nước có thể thoát ra khoảng 2100m3/1năm, tương đương với lượng mưa 210mm; nếu trên đất ẩm lượng nước thoát ra 400m3/ năm tương đương lượng mưa 400mm; nhiệt độ không khí trong các khu rừng thấp hơn chỗ trống từ 3-5oC, thậm chí nhiệt độ ở các thảm có thường thấp hơn chỗ nhiệt độ ở nơi khô cằn từ 3-6oC; vai trò lưu trữ carbon của rừng rất lớn, cứ 1 ha rừng trong một ngày có khả năng tích lũy được 220-280kg carbon đồng thời giải phóng ra 180-200kg ô xi; trong một năm 1 ha rừng sẽ tiết ra không khí 14 tấn ôxi và sẽ ngăn cản làm sạch được 50-70 tấn bụi và làm giảm được khoảng từ 30-40% lượng bụi bẩn trong không khí.

Rừng bất kể là rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn hay rừng nghèo đều có vai trò bảo vệ và tạo ra nguồn nước bởi các tầng, tán của thảm thực vật  có chức năng quan trọng trong việc ngăn cản một phần nước mưa rơi xuống mặt đất và có vai trò phân phối lại nguồn nước này trong HST, bởi vì theo thinh toán lương nước mưa được thảm thực vật trong rừng giữ lại 25-30% tổng lượng mưa góp phần làm tăng khả năng thấm và giữ nước của đất, hạn chế dòng chảy trên mặt, các thảm mục trong rừng có khả năng giữ lượng nước bằng khoảng 100-900% trọng lượng của nó – với ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của rừng trong cân bằng ô xi và carbon trong khí quyển, thực tế cho thấy lượng carbon hấp thụ phụ thuộc vào các kiểu thảm và chất lượng của rừng, các loài cây chiếm ưu thế.

Theo tính toán thử nghiệm tại VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) thì sinh khối và khả năng hấp thụ carbon của cây gỗ ở rừng IIB (loại rừng phục hồi sau khai thác) VQG Bạch Mã – Thừa Thiên Huế bằng 87,42 tấn carbon/ha. Còn các thành phần dưới tán rừng (cây gỗ gãy, cây bụi, thảm tươi, thảm mục, rễ…) cũng vô cùng quan trọng có khả năng hấp thụ carbon tổng hợp 15,75 tấn/ha… Như vậy cứ 1 ha rừng tự nhiên có khả năng hấp thụ 87,42 tấn + 15,75 tấn = 103,17 tấn Co2/ha (Dương Viết Tình, Nguyễn Thái Dũng [8]. Như vậy, với một diện tích rừng hơn 7 triệu ha trên DTS là kho dự trữ carbon khổng lồ rất có giá trị trong nước và Quốc tế.

Qua những tư liệu có được cho thấy giá trị lợi thế của rừng và ĐDSH là tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch khám phá các cảnh quan và các bí ẩn kỳ diệu của các HST và ĐDSH trong hệ thống các VQG và các khu BTTN cùng với các làng nghề truyền thống, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng ở miền quê, miền núi, gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng trong các trang trại, rừng, vườn, trong các nhà Rông của các dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng, Ba Na, Zê S triêng… Đây là cơ hội tốt trong giao lưu tiếp cận trao đổi gắn kết giữa nền văn hóa tri thức bản địa truyền thống với tri thức hiện đại nhằm phát huy giá trị thực các sản phẩm từ ĐDSH trong xóa đói giảm nghèo bền vững. Nhưng điều rất đáng lo ngại hiện nay ở các ngành, các địa phương chưa thật quan tâm chú trọng đúng mức việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường rừng và ĐDSH theo nguyên tắc bền vững. Thử nhìn xem việc chuyển đổi một số lớn diện tích rừng sang trồng cây công nghiệp, làm thủy điện, đường giao thông… cũng như tình trạng lâm tặc chặt phá rừng bừa bãi, săn bẫy các loài động vật hoang dã, khai thác lâm sản ngoài gỗ bằng những dụng cụ hủy diệt; sử dụng đất đai nhất là đất rừng khoán bảo vệ chăm sóc cho các hộ gia đình, cho cộng đồng phát triển du lịch sinh thái chưa được hướng dẫn, quản lý, kiểm tra chặt chẽ… dẫn đến tình trạng suy giảm diện tích rừng, làm nghèo kiệt các HST và ĐDSH là đáng báo động. Mất rừng, suy giảm ĐHSH sẽ có tác động không nhỏ không những đối với uộc sống mưu sinh của cộng đồng đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa mà còn liên quan đối với nhiều doanh nghiệp đang dựa vào tài nguyên rừng và ĐDSH trong sản xuất kinh doanh…

Đây là điều mà các nhà quản lý từ Trung ương đến các địa phương, các nhà doanh nghiệp kể cả cộng đồng trong đó có các đồng bào các dân tộc thiểu số trên Dãy Trường Sơn cần có suy nghĩ thấu đấu trong tư duy sáng tạo, bằng những hành động cụ thể, thiết thực phù hợp về các chính sách đầu tư nguồn lực về khoa học và công nghệ (máy móc, thiết bị, điện máy….), về tập quán sản xuất để  phát huy các thế mạnh về con người, về các nền văn hóa đa dạng, rừng và ĐDSH trên Dãy Trường Sơn vì sự phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

III. Đề xuất các giải pháp sử dụng thông minh bền vững rừng và ĐDSH vì sự phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH.

  1. Các cơ quan quản lý nhà nước về rừng và ĐDSH cũng như chính quyền địa phương phải có những hành động cụ thể để thực hiện chiến lược quốc gia bảo tồn ĐDSH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1250/QĐ-TTg ngày 30/7/2013 về bảo vệ các HST tự nhiên bảo vệ nguồn gen thực vật, động vật, vi sinh vật nhất là những nguồn gen có giá trị kinh tế cao, nguồn gen nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP… nhằm góp phần phát triển một nền kinh tế xanh, một kho dự trữ carbon từ rừng và quản lý rừng bền vững.
  2. Cần đầu tư nguồn lực khoa học và công nghệ đổi mới nguồn ,tài chính, thu chi theo cơ chế thị trường trong bảo tồn và phát huy các giá trị đích thực về chức năng dịch vụ môi trường rừng, các HST và ĐDSH trong hệ thống 54 khu rừng đặc dụng trên Dãy Trường Sơn bao gồm 15 VQG (chiếm 50% số lượng VQG của cả nước) 23 khu dữ trữ thiên nhiên, 4 khu bảo tồn loài/ sinh cảnh; 13 khu bảo vệ cảnh quan [3].Theo báo cáo của Cục Bảo tồn ĐDSH- TCMT Bộ TN&MT thì đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 trên Dãy Trường Sơn sẽ có 92 khu bảo tồn, 15 VQG, 52 khu dự trữ thiên nhiên, 12 khu bảo tồn loài/ sinh cảnh; 13 khu bảo vệ cảnh quan [7]ư. Đây là nền tảng cực kỳ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế xanh, sản xuất xanh, tiêu thụ xanh, sống xanh vì PTBV.
  3. PTBV trong bối cảnh BĐKH phải coi trọng đúng mức đến vai trò các HST tự nhiên và nhân tạo; tài nguyên đất, rừng và ĐDSH. Đây là tài nguyên quý giá của quốc gia không gì có thể thay thế được, là một nguồn vốn tự nhiên mang tính liên kết tổng thể bởi đất, các HST là nơi sinh tồn và phát triển các loài thực vật, động vật, vi sinh vật, nấm mà trong đó lại chứa đựng các nguồn gen hay là vật liệu di truyền vô cùng phong phú. Đó là tài sản, là tư liệu sản xuấ là đầu vào của các nền kinh tế từ nguyên sơ đến hiện đại; từ nền kinh tế nâu chuyển sang nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Vì vậy đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư thích đáng cho các chương trình khoa học và công nghệ (điều tra phát hiện công nghệ sinh học, công nghệ sinh thái) cho công tác bảo vệ và làm giàu tài nguyên đất và tài nguyên rừng bảo tồn ĐDSH trên Dãy Trường Sơn giai đoạn 2015-2020 – 2030 – hiện nay mức chi từ ngân sách nhà nước dành cho việc nghiên cứu điều trả khảo sát, giám sát hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng đất, ĐDSH ở các khu BTTN còn rất hạn chế, nhất là các khu BTTN do các địa phương quản lý – do đó các nguồn tư liệu về hiện trạng diễn biến các HST, các loài, các nguồn gen nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu không được cập nhật kịp thời dẫn đến tình trạng đất bị khai thức theo kiểu bóc lột ngày càng nghèo kiệt, các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao nguy cơ tuyệt chủng cao, đồng thời công tác theo dõi, giám sát, quản lý việc sử dụng đất, tài nguyên trong việc giao khoán … các HST tự nhiên, ĐDSH cũng gặp không ít khó khăn, gây nên tình trạng không bền vững trong phát triển kinh tế – trong bảo vệ môi trường, từ đó sẽ có hệ lụy khó lường trong an sinh xã hội, nhất là khu vực Tây Nguyên và vùng biên giới.

Ý thức được rằng, các khu rừng trên Dãy Trường Sơn là rừng đầu nguồn quan trọng của cacslwu vực sông lớn, có mối liên quan hữu có chặt chẽ với các tỉnh đồng bằng ven biển và Đông Nam bộ. Vì vậy đầu tư cho  PTBV rừng và ĐDSH phục vụ lâu dài về kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường trên vùng sinh thái Dãy Trường Sơn là góp phần cho sự PTBV cả vùng lãnh thổ rộng lớn từ Thanh Hóa đến Tây Ninh, từ Tây sang Đông Trường Sơn – vùng kinh tế, an ninh quốc phòng quan trọng Đông – Tây của Việt Nam.

  1. Việc đề ra các chính sách sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước, rừng và ĐDSH kể cả việc bảo tồn, sử dụng, phát huy các kiến thức bản địa và bản sắc văn hóa độc đáo của 24 dân tộc trên Dãy Trường Sơn phải thể hiện đầy đủ tinh thần của các bộ luật đã có như: Luật Bảo vệ môi trường – 2005; Luật Tài nguyên nước- 2012; Luật đất đai sửa đổi – năm 2013; Luật bảo vệ và phát triển rừng -2004; Luật đa dạng sinh học – 2008; Luật Bảo vệ môi trường sử đổi -2014. Phải coi cộng đồng dân cư là một thành phần bình đẳng được biết, được bàn, được thảo luận, được tham gia và giám sát… các quy hoạch phát triển hệ thống khác khu BTTN, quản lý bền vững rừng và ĐDSH hơn là đối tượng chỉ biết chấp hành các quy định chính sách mang tính áp đặt không phù hợp với từng vùng, miền cụ thể ở địa phương.
  2. Xây dựng cơ chế để liên kết 4 nhà : Chính sách – Doanh nghiệp – Khoa học – Cộng đồng thông qua các chính sách KH&CN xây dựng các mô hình kinh tế xanh, xây dựng các thương hiệu sản phẩm xanh an toàn từ ĐDSH: Cà phê, Ca cao, Tiêu, Điều, các loại hoa quả, rau, sắn, quả bòn bon, (Lansiam domesticum); mật ong, Yến xào, cây thuốc (Sâm Ngọc Linh, Ba kích, Nấm Linh chi…) các nguyên liệu tự nhiên làm sạch, làm đẹp cho con người và các công trình kiến trúc… do vậy các công ty, các nhà doanh nghiệp phải thực quan tâm, đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ phục hồi các HST rừng đặc trưng, các HST tự nhiên, HST nhân tạo và ĐDSH cũng như minh bạch, công bằng trong việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng bản địa từ việc sử dụng ĐDSH trong sản xuất, kinh doanh trong bảo tồn và phát triển, trong xóa đói giảm nghèo.
  3. Tăng cường công tác truyền thông – nâng cao ý thức năng lực cho cộng đồng trong việc bảo vệ, làm giàu vốn rừng và ĐDSH trên diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Thực hiện đầy đủ chính sách giao rừng cho dân, cho cộng đồng với thời hạn lâu hơn để họ quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững theo pháp luật hiện hành. Phải xây dựng quy trình khoa học trong việc giao đất rừng (diện tích, ranh giới rõ ràng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng đối với cơ quan quản lý, nâng cao vai trò khuyến lâm, khuyến nông giúp dân làm chủ thực sự có trách nhiệm trên diện tích rừng được quản lý để cải thiện cuộc sống,  xóa đói giảm nghèo từ vốn lãi của rừng, biến các chủ rừng thành lực lượng liên kết quan trọng trong bảo tồn, làm giàu vốn rừng và ĐDSH, vì PTBV và thích ứng với BĐKH.

Kết luận:

Bảo tồn và phát huy các giá trị đích thực của dịch vụ môi trường rừng, các HST tự nhiên, HST nhân văn cùng với các nền văn hóa đặc sắc của các cộng đồng trên dãy Trường Sơn sẽ và mãi mãi là nguồn vốn cơ bản trong môi trường, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong ngoại giao nhân dân yên bình, hữu nghị ở các vùng biên giới xanh Việt Nam và các nước láng giềng vì phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hoàng Nghĩa – 2008 – Bảo tồn nguồn gen thực vật ở vùng sinh thái Dãy Trường Sơn. – Kỷ yếu Hội thảo ĐDSH dãy Trường Sơn . Vacne.
  2. Cục Bảo tồn – 2012 – Báo cáo quy hoạch ĐDSH Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030.
  3. Vũ Văn Dũng – 2008 – Một số nhận xét các khu bảo tồn trong Dãy Trường Sơn – Kỷ yếu hội thảo ĐDSH Dãy Trường Sơn – Vacne.
  4. Tạ Huy Thịnh, 2011 – Đề tài nghiên cứu côn trùng Tây Nguyên. (Báo cáo khoa học)
  5. Lê Xuân Cảnh, Đặng Huy Phương – 2013 – Nghiên cứu động vật có xương sống trên cạn ở Tây Nguyên. Tạp chí KH&CN – Bộ KH&CN.
  6. Vacne – 2008 – Kỷ yếu Hội thảo bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn – Cục Bảo tồn ĐDSH và Vacne.
  7. Hoàng Thị Thanh Nhàn – 2013 – Báo cáo hiện trạng ĐDSH Việt Nam Hội nghị Dãy Trường Sơn lần thứ 5 – Vacne.
  8. Dương Viết Tình, Nguyễn Thái Dũng – 2012 – Nghiên cứu thử nghiệp hấp thụ carbon tại VQG Bạch Mã – Thừa Thiên Huế – Tạp chí KH Đại học Nông Lâm Huế.
  9. Trương Quang Học, Nguyễn Đức Ngữ – 2011- Tài liệu hỏi – đáp về biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên & Môi trường.
  10. Bộ KH&CN Viện KH&CN Việt Nam – 2007 – Sách Đỏ Việt Nam (phần thực vật, động vật…) NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ.
  11. Đặng Huy Huỳnh, Hoàng Minh Khiên, Phạm Trọng Ảnh, Đặng Huy Phương – 2008 – Bảo tồn và phát triển các loài thú kinh tế vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Kỷ yếu hội thảo bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn- Vacne
  12. Đặng Huy Huỳnh, Hoàng Minh Khiên, Trần Văn Thắng – 1997 – Dẫn liệu mới về loài Sao La ở A Lưới – Thừa Thiên Huế. TC KH&CNKT Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT.
  13. Lê Huy Cường, Vũ Văn Dũng – 2013- Rừng Khộp Tây Nguyên . Hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn – Vacne.
  14. Đặng Huy Huỳnh – 2013 – Rừng lá rộng rụng lá là môi trường sống lý tưởng của các loài động vật lớn ở Việt Nam cần ưu tiên bảo vệ. Kỷ yếu Hội thảo khoa học dãy Trường Sơn – Vacne.

 

[:]