Nghiên cứu thực địa tại Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Miền Tây Nghệ An

Từ ngày 25/9 đến 1/10/2016, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chuyến nghiên cứu thực địa tại Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Miền Tây Nghệ An. Đây là chuyến khảo sát tiếp nối chuyến khảo sát thực địa tại Khu Dự trữ Sinh quyển Quần đảo Cát Bà cuối tháng 8 vừa qua, nằm trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và quy trình giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam”, do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Mục đích của chuyến công tác này là xem xét hiện trạng quản lý liên quan tới các hoạt động bảo tồn và phát triển của Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Miền Tây Nghệ An.

Làm việc với lãnh đạo và các cán bộ chuyên môn tại UBND các huyện

Tham gia chuyến khảo sát có các nhà khoa học về tự nhiên, xã hội và chính sách, đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học như Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Môi trường và Phát triển Bền vững, Viện Dân tộc học, Học viện Khoa học Xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Văn phòng Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam.

Trong thời gian công tác, đoàn đã làm việc với ban quản lý của các vùng lõi KDTSQ (bao gồm VQG Pù Mát, hai khu BTTN Pù Huống và Pù Hoạt). Đoàn cũng làm việc với lãnh đạo UBND các huyện vùng đệm và vùng chuyển tiếp của KDTSQ (bao gồm huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp và Quế Phong).

Trong chuyến làm việc lần này, các chuyên gia tập trung chủ yếu vào những nội dung sau: (i) chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực và cơ cấu tổ chức cũng như các vấn đề đặt ra của các địa phương; (ii) vai trò và mức độ tham gia của các tổ chức và chính quyền địa phương vào công tác lập kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ và giám sát, đánh giá việc quản lý hiệu quả các hoạt động của Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Miền Tây Nghệ An; và (iii) các khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp vượt qua các khó khăn để thực hiện tốt 3 chức năng của KDTSQ là bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển kinh tế thân thiện với môi trường; hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, quan trắc, giáo dục và phát triển văn hóa, xã hội.

 

Làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Huống

Được sự đón tiếp nhiệt tình và chu đáo của các cơ quan và chính quyền địa phương, đoàn đã thu thập được đầy đủ các thông tin theo yêu cầu đặt ra của đề tài. Ngoài ra, các chuyên gia của đoàn còn có những thảo luận và trao đổi, kèm theo những khuyến nghị cho các cơ quan và chính quyền địa phương để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, phát huy các thế mạnh của địa phương.

Các kết quả thu được trong chuyến thực địa tại Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới Miền Tây Nghệ An lần này, cùng với các chuyến thực địa đến các KDTSQ khác của Việt Nam, là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho đề tài hoàn thành được nhiệm vụ chính là xây dựng bộ tiêu chí và quy trình giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam, góp phần làm cho công tác quản lý các khu dự trữ sinh quyển ngày càng có hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững ở Việt Nam.